5 sai lầm thường gặp khi sử dụng vớ tĩnh mạch
Hiện nay bệnh suy giãn tĩnh mạch đang dần trở nên phổ biến và xuất hiện ở nhiều người, đặc biệt đối với những người ít vận động cơ thể. Bệnh suy giãn tĩnh mạch tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại mang đến những cảm giác khó chịu và không thoải mái cho người bệnh.
Do đó, cần phải phát hiện chứng bệnh này sớm và chữa trị dứt điểm để không ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Ngoài điều trị bằng thuốc, mang vớ tĩnh mạch đúng cách cũng là một trong biện pháp hỗ trợ được các bác sĩ khuyên dùng.
![Mang vớ tĩnh mạch là biện pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh suy giãn tĩnh mạch](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/mot_so_sai_lam_thuong_gap_khi_su_dung_vo_tinh_mach_ma_ban_can_luu_y_1_5da27ac281.jpg)
Vớ tĩnh mạch là gì?
Vớ tĩnh mạch hay còn gọi là vớ y khoa áp lực là loại vớ được đan dệt bằng kỹ thuật đặc biệt, có tác động một lực lên từng đoạn của chi dưới, ôm chặt hơn ở phần gần cổ chân và sẽ lỏng dần khi đi lên cao, nhờ đó giúp đẩy máu theo các tĩnh mạch chân đi lên tim.
Tác dụng điều trị của vớ tĩnh mạch là gì?
Sử dụng vớ tĩnh mạch là một biện pháp điều trị hay được dùng để điều trị bệnh về tĩnh mạch. Vớ y khoa trị suy giãn tĩnh mạch hoạt động như một chiếc bơm để bơm máu về tim.
Khi mang loại vớ này với áp lực phù hợp, các van tĩnh mạch bị hở hay giãn sẽ dần khép kín, nhờ đó chức năng được phục hồi lại, hạn chế tình trạng máu ứ trệ chảy ngược, giúp các tĩnh mạch không bị giãn và giảm nhẹ các triệu chứng của suy tĩnh mạch mãn tính như phù, đau, nhức và giảm nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.
5 sai lầm thường gặp khi sử dụng vớ tĩnh mạch mà bạn cần lưu ý
Những sai lầm thường gặp khi sử dụng vớ tĩnh mạch sau đây ngoài việc làm giảm hiệu quả điều trị mong muốn mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Kéo vớ tĩnh mạch lên mà không cuộn trước
Người bệnh không nên dùng hết sức kéo vớ tĩnh mạch lên như với các loại vớ thông thường khác vì khi cầm một mép trên của vớ và kéo lên sẽ khiến vớ bị dãn ra, lực co giãn của vớ phân bố không đều và làm giảm tác dụng tạo áp lực lên tĩnh mạch.
![Dùng hết sức kéo vớ tĩnh mạch là sai lầm thường gặp khi sử dụng vớ tĩnh mạch](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/mot_so_sai_lam_thuong_gap_khi_su_dung_vo_tinh_mach_ma_ban_can_luu_y_2_803be5a058.jpg)
Bạn nên cuộn vớ lại trước rồi mang vào và từ từ mở cuộn vớ ra, vuốt dần lên cao đến khi hết chiều dài của vớ, nhờ đó tác dụng tạo áp lực của vớ sẽ không bị suy giảm và giúp phần máu ứ đọng ở chân được đẩy lên tim tốt hơn, quá trình tuần hoàn máu diễn ra dễ dàng hơn.
Gấp phần mép vớ tĩnh mạch phía trên xuống
Khi phần mép trên của vớ tĩnh mạch bị gấp xuống sẽ làm tăng áp lực lên mạch máu, gây ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu và có thể làm máu không trở về tim được. Hậu quả sẽ khiến máu bị ứ đọng ngoại biên, mạch nghẽn, chân bị phù hơn và triệu chứng đau chân của suy giãn tĩnh mạch chi dưới bị tăng lên.
Có một số trường hợp vì mép trên của vớ khiến bệnh nhân khó chịu, vận động bị hạn chế nên người bệnh sẽ gấp nó xuống. Điều này xảy ra khi bệnh nhân chọn vớ chưa phù hợp. Vì vậy, trước khi sử dụng, người bệnh cần đến các bác sĩ chuyên môn để được tư vấn loại vớ phù hợp để tránh làm giảm hiệu quả vớ tĩnh mạch.
Mang các loại vớ thường khác bên ngoài vớ tĩnh mạch
Việc mang các loại vớ thông thường khác bên ngoài vớ tĩnh mạch có thể ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu quay về tim, khiến máu bị ứ đọng ngoài bàn chân, gây ra triệu chứng phù chân.
Nếu khi mang vớ tĩnh mạch mà thấy lạnh chân, bệnh nhân có thể lựa chọn loại vớ có chất liệu dày hơn, còn nếu thấy vớ tĩnh mạch có màu không ưa thích hay chưa phù hợp với trang phục, người bệnh có thể tham khảo một số màu vớ khác.
Mang vớ tĩnh mạch vào ban đêm, khi đi ngủ
Khi mang vớ tĩnh mạch dòng máu về tim ngược chiều trọng lực sẽ được lưu thông tốt hơn. Điều này có nghĩa là việc mang vớ tĩnh mạch chỉ đạt hiệu quả tốt nhất ở tư thế đứng lâu hay ngồi nhiều. Vì vậy, việc mang vớ tĩnh mạch ban đêm khi đi ngủ không được khuyến cáo.
![Bạn cần lưu ý mang vớ tĩnh mạch chỉ đạt hiệu quả tốt nhất ở tư thế đứng lâu hay ngồi nhiều](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/mot_so_sai_lam_thuong_gap_khi_su_dung_vo_tinh_mach_ma_ban_can_luu_y_3_d247370979.jpg)
Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể yêu cầu bạn mang vớ tĩnh mạch kể cả lúc nằm, ví dụ như khi phòng việc hình thành huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân có cơ địa dễ tạo huyết khối.
Không theo dõi các vấn đề ở chân khi mang vớ tĩnh mạch
Khi vớ bó quá chặt vào chân hay kẹp vào da tại nơi miệng vớ có thể làm ngắt dòng máu di chuyển và làm tăng nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch. Do đó, người bệnh cần theo dõi các vấn đề dòng máu ở chân của bạn khi mang vớ tĩnh mạch, ít nhất là một lần mỗi ngày.
Nếu gặp tình trạng như da bị nứt, lạnh, tím hay có cảm giác như kim châm ở chân khi mang vớ thì cần gọi ngay cho bác sĩ của bạn để được hỗ trợ.
Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn có thêm kiến thức về vớ tĩnh mạch. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh những hậu quả không mong muốn, bạn cần tránh các sai lầm thường gặp khi sử dụng vớ tĩnh mạch và cần theo dõi các vấn đề xảy ra ở chân để có hướng xử lý đúng đắn và kịp thời.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần đến các cơ sở khám chữa bệnh về tĩnh mạch để được các bác sĩ theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị, làm các xét nghiệm chẩn đoán và tư vấn để có định hướng điều trị trong tương lai.
Thuý Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp