Ondansetron


Phân loại:

Dược chất

Mô tả:

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Ondansetron

Loại thuốc

Thuốc chống nôn, đối kháng thụ thể 5-HT3.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Thuốc tiêm: 2 mg/ml (2 ml, 4 ml, 20 ml). 
  • Dịch truyền: 32 mg/50 ml (0,6 mg/ml) dung dịch dextrose 5%.
  • Viên nén, viên đông khô: 4 mg, 8 mg. 
  • Dung dịch uống: 4 mg/5 ml.
  • Thuốc được dùng dưới dạng hydroclorid hoặc base, liều lượng tính theo dạng base: 4,99 mg Ondansetron Hydroclorid tương ứng với khoảng 4 mg Ondansetron base.

Dược động học:

Hấp thu

Thuốc được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa và sinh khả dụng đường uống khoảng 56-71%, đường trực tràng 58-74%. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khi uống khoảng 30 phút.

Phân bố

Thể tích phân bố ở người lớn là 2,2-2,5 lít/kg, ở trẻ em là 1,7-3,7 lít/kg; 70-75% lượng thuốc trong huyết tương liên kết với protein.

Chuyển hóa

Thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan dưới tác dụng của isoenzym cytochrom P450 mà chủ yếu là CYP3A4, ngoài ra còn có CYP1A2 và CYP2D6. Phản ứng chủ yếu là hydroxyl hóa rồi liên hợp glucuronid hoặc sulfat, và có thể khử methyl hóa.

Thải trừ

Thuốc được thải trừ chủ yếu (44-60%) dưới dạng chuyển hóa qua nước tiểu, khoảng 25% qua phân; khoảng 5% bài tiết ở dạng không đổi. Độ thanh thải huyết tương là 0,35 ± 0,16 lít/giờ/kg ở người lớn và có thể cao hơn ở trẻ em.

Thanh thải toàn thân giảm ở người suy gan nặng (từ 2-3 lần) và ở người suy thận nặng (2 lần).

Thời gian bán thải của Ondansetron khoảng 2-7 giờ ở trẻ dưới 15 tuổi, 3-6 giờ ở người bình thường và tăng lên ở người suy gan và người cao tuổi (đến 12 giờ khi có suy gan nhẹ hoặc trung bình và kéo dài đến khoảng 20 giờ ở người suy gan nặng).

Dược lực học:

Ondansetron là chất đối kháng chọn lọc thụ thể 5-HT3 (thụ thể serotonin nhóm 3), có tác dụng chống nôn. Thuốc có tác dụng cả ở ngoại vi, trên đầu mút thần kinh phế vị và cả ở trung tâm, trong vùng kích thích thụ thể hóa học.

Hóa trị liệu và xạ trị có thể gây giải phóng serotonin (5-HT) ở ruột non và gây phản xạ nôn bằng cách hoạt hóa dây thần kinh phế vị thông qua thụ thể 5-HT3. Ondansetron ức chế thụ thể này dẫn tới ức chế sự khởi đầu phản xạ nôn.

Tương tự như vậy: Hoạt hóa dây thần kinh phế vị cũng có thể gây giải phóng 5-HT trong vùng kích thích thụ thể hóa học ở sàn não thất IV và gây nôn qua cơ chế trung tâm nên phản xạ này cũng bị Ondansetron ức chế do tác dụng ức chế thụ thể ở sàn não thất IV.

Các cơ chế chống buồn nôn và nôn sau phẫu thuật chưa được biết rõ, nhưng có lẽ cũng theo cơ chế chống nôn và buồn nôn do nhiễm độc tế bào.

Ondansetron không phải là chất ức chế thụ thể dopamin, nên không có tác dụng phụ ngoại tháp.



Chat with Zalo