Viêm nội tâm mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị viêm nội tâm mạc


Viêm nội tâm mạc là tình trạng viêm của lớp lót bên trong các buồng tim và van tim, tình trạng này có thể gây nguy hiểm tính mạng. Viêm nội tâm mạc thường do nhiễm trùng như vi khuẩn, nấm hoặc các vi trùng khác xâm nhập vào máu và bám vào các khu vực bị tổn thương trong tim. Những yếu tố khiến bạn có nhiều khả năng mắc phải viêm nội tâm mạc như van tim nhân tạo, van tim bị tổn thương hoặc các khuyết tật về tim khác.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội tâm mạc

Dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, bao gồm:

  • Sốt trên 38,4°C;
  • Vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, đặc biệt là vào ban đêm;
  • Phát ban da;
  • Sưng, nóng, đỏ và đau khớp;
  • Có vết thương không lành;
  • Đau họng, loét vùng họng hoặc đau khi nuốt;
  • Chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu hoặc đau vùng gò má;
  • Ho khan hoặc ho có đờm kéo dài trên hai ngày;
  • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy;
  • Tắc mạch (huyết khối), xuất huyết hoặc đột quỵ;
  • Khó thở;
  • Chán ăn hoặc sụt cân;
  • Đau cơ và khớp.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm nội tâm mạc

Các biến chứng có thể có của viêm nội tâm mạc là:

  • Tắc mạch;
  • Van tim bị rò rỉ;
  • Block tim;
  • Rối loạn nhịp;
  • Suy tim;
  • Nhiễm trùng huyết.

Nếu không được điều trị, bệnh viêm nội tâm mạc có thể gây tử vong.

Viêm nội tâm mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị viêm nội tâm mạc 1.png
Viêm nội tâm mạc có thể gây ra biến chứng rối loạn nhịp

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có triệu chứng viêm nội tâm mạc, hãy đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, đặc biệt nếu bạn có bệnh tim bẩm sinh hoặc có tiền căn viêm nội tâm mạc.

Nếu bạn đã được chẩn đoán bệnh viêm nội tâm mạc và có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ. Những triệu chứng này có thể là tình trạng nhiễm trùng đã trở nên nặng hơn:

  • Cảm thấy ớn lạnh;
  • Sốt;
  • Đau đầu;
  • Đau khớp;
  • Khó thở.

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm nội tâm mạc?

Bệnh viêm nội tâm mạc hiếm khi xảy ra ở những người có trái tim khỏe mạnh. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, khoảng 47.000 người ở Hoa Kỳ được chẩn đoán viêm nội tâm mạc mỗi năm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm nội tâm mạc

Giới tính nam có nguy cơ mắc viêm nội tâm mạc nhiều gấp đôi so với nữ. Ngoài ra, những người trên 60 tuổi chiếm hơn 25% trường hợp mắc bệnh.

Yếu tố nguy cơ mắc phải viêm nội tâm mạc nhiễm trùng bao gồm:

  • Bệnh van tim mắc phải (ví dụ bệnh van tim hậu thấp);
  • Có van tim nhân tạo, bao gồm van sinh học và van homograft;
  • Triền căn mắc phải viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trước đây;
  • Bệnh tim bẩm sinh;
  • Có cấy thiết bị, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim;
  • Suy giảm miễn dịch;
  • Rối loạn sử dụng chất tiêm tĩnh mạch;
  • Bệnh cơ tim phì đại.
Viêm nội tâm mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị viêm nội tâm mạc 2.png
Có van tim nhân tạo là một yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nội tâm mạc

Nguyên nhân dẫn đến viêm nội tâm mạc

Hầu hết các trường hợp, viêm nội tâm mạc là do nhiễm khuẩn gây ra. Các phương pháp điều trị nha khoa (đặc biệt là nhổ răng) và nội soi có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu. Đôi khi, vi khuẩn từ miệng, da, ruột, hệ hô hấp hoặc đường tiết niệu cũng có thể xâm nhập vào máu của bạn thông qua:

  • Ăn uống;
  • Đánh răng;
  • Dùng chỉ nha khoa;
  • Đi vệ sinh.

Các vi khuẩn nhanh chóng sinh sôi và bám vào mô, chúng tạo ra các enzyme và phá hủy mô xung quanh.

Van tim bình thường kháng với sự nhiễm trùng. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể bám vào các tổn thương sẵn có trên bề mặt của van. Do đó, người có van tim nhân tạo dễ bị nhiễm trùng hơn van tim bình thường.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm nội tâm mạc

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt hợp lý cho người bệnh viêm nội tâm mạc giúp hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể:

  • Ngủ đủ giấc: Cần có thời gian nghỉ ngơi, giúp cơ thể phục hồi.
  • Tránh hoạt động gắng sức: Hạn chế các hoạt động nặng nhọc cho đến khi có sự đồng ý của bác sĩ.
  • Kiểm tra định kỳ: Kiểm tra sức khỏe theo lịch hẹn với bác sĩ.
  • Theo dõi triệu chứng: Ghi lại các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, khó thở để thông báo cho bác sĩ kịp thời.
  • Quản lý bệnh nền: Nếu có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, cần kiểm soát tốt để không làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
  • Ngừng hút thuốc lá: Nếu bạn đang hút thuốc lá, bạn nên từ bỏ để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
  • Giữ tinh thần lạc quan: Tham gia các hoạt động giúp thư giãn, giảm căng thẳng như thiền, yoga hoặc đọc sách.

Chế độ dinh dưỡng:

Dưới đây là một số lời khuyên dinh dưỡng cho người bệnh viêm nội tâm mạc:

  • Tăng cường rau củ và trái cây: Chúng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc như gạo lứt, yến mạch, và bánh mì nguyên hạt giúp cung cấp năng lượng và chất xơ.
  • Bổ sung protein chất lượng: Ưu tiên cá, thịt gia cầm, đậu, hạt, và sản phẩm từ sữa ít béo. Hạn chế thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn.
  • Tăng cường chất béo không bão hòa: Dầu olive, dầu hạt, và cá béo như cá hồi, cá thu giúp bảo vệ tim mạch. Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa.
  • Giảm muối: Hạn chế thực phẩm mặn và thực phẩm chế biến sẵn.
  • Hạn chế đường: Tránh đồ uống có đường và thực phẩm ngọt để duy trì sức khỏe tổng thể.
  • Bổ sung nước: Uống đủ nước để hỗ trợ chức năng tim và thận, hạn chế tình trạng mất nước.
  • Tham khảo bác sĩ về thực phẩm bổ sung: Nếu cần, bác sĩ có thể chỉ định vitamin hoặc khoáng chất bổ sung như vitamin C, vitamin D, hay omega-3.
  • Cẩn trọng với thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín: Hạn chế ăn hải sản sống, thịt chưa chín để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Chế độ dinh dưỡng nên được điều chỉnh phù hợp với từng người bệnh, vì vậy việc tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng là cần thiết.

Phòng ngừa viêm nội tâm mạc

Bạn có thể thực hiện các bước sau để giúp phòng ngừa viêm nội tâm mạc:

  • Nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội tâm mạc: Đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào, đặc biệt là sốt kéo dài, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, bất kỳ loại nhiễm trùng da nào, vết thương hoặc vết loét không lành.
  • Chăm sóc răng và nướu: Chải và vệ sinh răng, nướu của bạn thường xuyên. Kiểm tra nha khoa định kỳ. Vệ sinh răng miệng tốt là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể của bạn.
  • Không tiêm chích ma tuý: Kim bẩn có thể đưa vi khuẩn vào máu, làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc.

Một số thủ thuật nha khoa và y tế có thể khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào máu của bạn. Nếu bạn có nguy cơ mắc phải viêm nội tâm mạc cao, bác sĩ sẽ cho bạn dùng kháng sinh một giờ trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nha khoa nào.

Bạn có nguy cơ mắc phải viêm nội tâm mạc cao và cần dùng kháng sinh trước khi thực hiện thủ thuật nha khoa nếu bạn có:

  • Tiền căn viêm nội tâm mạc;
  • Có van tim cơ học;
  • Ghép tim (trường hợp hiếm);
  • Một số loại bệnh tim bẩm sinh;
  • Phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh trong sáu tháng qua.
Viêm nội tâm mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị viêm nội tâm mạc 4.png
Chăm sóc răng và nướu là một trong những biện pháp giúp phòng ngừa viêm nội tâm mạc

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm nội tâm mạc

Để chẩn đoán bệnh viêm nội tâm mạc, bác sĩ sẽ lấy thông tin về tiền căn, bệnh sử của bạn và tiến hành thăm khám toàn diện. Một số xét nghiệm được đề nghị để giúp chẩn đoán xác định hoặc loại trừ bệnh viêm nội tâm mạc:

  • Cấy máu: Xét nghiệm này giúp xác định loại vi khuẩn trong máu và định hướng loại kháng sinh được sử dụng để điều trị.
  • Công thức máu toàn phần: Xét nghiệm này có thể xác định xem bạn có tăng tế bào bạch cầu (dấu hiệu của nhiễm trùng) hay không.
  • Siêu âm tim: Xét nghiệm này cho thấy các buồng tim và van tim hoạt động bơm máu thế nào. Nó cũng có thể hiển thị cấu trúc tim. Bác sĩ có thể sử dụng hai loại siêu âm tim khác nhau để giúp chẩn đoán viêm nội tâm mạc (siêu âm tim thông thường và siêu âm tim qua ngã thực quản)
  • Điện tâm đồ (ECG): Là phương pháp kiểm tra nhanh và không đau, giúp kiểm tra hoạt động điện của tim.
  • X-quang ngực: X-quang ngực cho thấy tình trạng của phổi và tim. Nó có thể giúp xác định xem viêm nội tâm mạc có gây biến chứng không.
  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Bạn có thể được chụp ở các vị trí não, ngực hoặc các bộ phận khác trên cơ thể nếu bác sĩ nghĩ rằng nhiễm trùng đã di chuyển đến các khu vực này.
Viêm nội tâm mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị viêm nội tâm mạc 3.png
Khám toàn diện giúp chẩn đoán chính xác bệnh viêm nội tâm mạc

Điều trị viêm nội tâm mạc

Nhiều người bệnh viêm nội tâm mạc được điều trị thành công bằng kháng sinh. Đôi khi, phẫu thuật được thực hiện để sửa chữa hoặc thay thế van tim bị hư hỏng và làm sạch nhiễm trùng còn lại.

Thuốc

Thuốc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc.

Kháng sinh liều cao được sử dụng để điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Nếu bạn được điều trị kháng sinh, bạn thường phải nằm viện trong một tuần hoặc hơn để các bác sĩ quan sát đáp ứng điều trị.

Nếu viêm nội tâm mạc do nhiễm nấm, thuốc kháng nấm được dùng để điều trị. Một số người bệnh cần dùng thuốc kháng nấm suốt đời để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc tái phát.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác

Phẫu thuật van tim có thể cần thiết để điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng kéo dài hoặc thay van bị hư hỏng. Phẫu thuật đôi khi cũng được thực hiện để điều trị viêm nội tâm mạc do nhiễm nấm.

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn, bác sĩ có thể đề nghị sửa chữa hoặc thay van tim. Thay van tim sử dụng van cơ học hoặc van làm từ mô tim bò, lợn hoặc người (van sinh học).



Chat with Zalo