Viêm màng não: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị


Bệnh viêm màng não là tình trạng viêm các màng bảo vệ não và tủy sống, gọi là màng não. Bệnh có thể do nhiễm trùng vi khuẩn, virus, hoặc nấm gây ra. Triệu chứng bao gồm sốt, đau đầu, cứng cổ, và nhạy cảm với ánh sáng. Chẩn đoán thông qua phân tích dịch não tủy. Việc nắm rõ các dấu hiệu ban đầu và tiếp cận ngay với dịch vụ y tế chuyên nghiệp có thể là chìa khóa để cứu sống người bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống sau điều trị.

Những triệu chứng của viêm màng não

Triệu chứng bệnh viêm màng não bao gồm:

  • Sốt cao: Thường là dấu hiệu đầu tiên, cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng.
  • Đau đầu: Đau nặng và thường xuyên, không giảm bớt dù đã sử dụng thuốc giảm đau.
  • Cứng cổ: Khó khăn trong việc cúi đầu về phía trước do đau và cứng các cơ cổ.
  • Buồn ngủ hoặc khó khăn trong việc tỉnh táo: Cảm giác mệt mỏi liên tục, khó tập trung.
  • Co giật: Có thể xảy ra ở một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em.
  • Mất ý thức: Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị lơ mơ hoặc hôn mê.

Tìm hiểu thêm: Nhận biết dấu hiệu viêm màng não ở trẻ em

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm màng não 

Bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não có thể gặp nhiều biến chứng nặng, đặc biệt là khi không được điều trị kịp thời và đúng cách. Các biến chứng có thể bao gồm: 

  • Điếc; 
  • Suy giảm trí nhớ;
  • Giảm khả năng học tập;
  • Tổn thương não; 
  • Rối loạn về dáng đi; 
  • Co giật;
  • Suy thận;
  • Sốc; 
  • Tử vong.

Tìm hiểu thêm: Bệnh viêm màng não có nguy hiểm không?

Viêm màng não 1
Điếc là một trong những biến chứng có thể gặp phải khi bị viêm màng não

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm màng não?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc viêm màng não có thể kể đến như:

  • Tác nhân gây bệnh thay đổi theo từng độ tuổi;
  • Cơ địa cắt lách; 
  • Cơ địa suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV/AIDS, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, thuốc độc tế bào,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm màng não

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm màng não, bao gồm:

  • Không tiêm ngừa: Nguy cơ tăng lên đối với những đối tượng chưa hoàn thành lịch tiêm chủng được khuyến cáo.
  • Sống trong môi trường đông đúc: Như khu ký túc xá, căn cứ quân sự, nhà tập thể. Viêm màng não do não mô cầu là nguyên nhân thường gặp ở nhóm đối tượng này do vi khuẩn lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp. 
  • Hành nghề liên quan đến mổ heo, tiếp xúc với thịt heo sống hoặc ăn tiết canh. 
  • Tiền căn chấn thương vùng sọ não, vừa mổ sọ não. 
  • Có thói quen ăn đồ ăn tái/sống như ốc, tôm, cá.

Xem thêm: Viêm màng não có chữa được không?

Viêm màng não 2
Thói quen ăn đồ ăn tái/sống có thể làm tăng nguy cơ viêm màng não

Các tác nhân gây viêm màng não bao gồm: Vi trùng Meningococcus, vi rút, ký sinh trùng và nấm. Các nguyên nhân dẫn đến viêm màng não bao gồm:

  • Viêm màng não do vi trùng: Vi trùng xâm nhập vào máu và di chuyển đến não gây viêm màng não cấp tính. Ngoài ra, đôi khi vi trùng có thể xâm nhập trực tiếp vào màng não thông qua tổn thương lân cận như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc chỗ nứt, vỡ xương sọ sau một chấn thương hoặc phẫu thuật. Một số chủng vi trùng gây viêm màng não phổ biến như: Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Streptococcus suis, Neisseria meningitidis (não mô cầu), Haemophilus influenzae týp b (Hib), Listeria monocytogenes.
  • Viêm màng não do vi rút: thường nặng nhưng ít nghiêm trọng hơn do vi trùng. Các loại vi rút thường gặp gây viêm màng não như Herpes simplex, HIV, vi rút Dengue, vi rút quai bị,… 
  • Viêm màng não do nấm: Thường hiếm gặp ở người có hệ miễn dịch bình thường. Những bệnh nhân có hiện tượng suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, ung thư, nhiễm HIV thường có nguy cơ mắc viêm màng não do nấm cao hơn người có hệ miễn dịch bình thường. 
  • Viêm màng não do ký sinh trùng: Là nhóm bệnh hiếm gặp, thường liên quan đến những người có thói quen ăn các thực phẩm bẩn hoặc bị nhiễm ký sinh trùng, người hay đi chân đất,… Bệnh viêm màng não do ký sinh trùng không lây lan giữa người và người.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm màng não

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa viêm màng não hiệu quả

Hiện nay, có nhiều chủng vi trùng gây viêm màng não đã có vắc xin như:

  • Thuốc chủng ngừa Haemophilus influenzae túyp b (Hib): Hiện nay tại Việt Nam, vắc xin phối hợp 5 trong 1 (Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib) hoặc vắc xin 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib) đều có trong các chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc dịch vụ. Cả hai loại vắc xin này đều được khuyến cáo tiêm vào thời điểm trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ 16-18 tháng. 
  • Thuốc chủng ngừa phế cầu: Vắc xin này cũng có trong lịch trình tiêm chủng thường xuyên được khuyến nghị của WHO và CDC cho trẻ em dưới 2 tuổi. Liều bổ sung được khuyến cáo cho trẻ em từ 2 đến 5 tuổi có nguy cơ cao nhiễm phế cầu, bao gồm các trẻ em bị bệnh tim, phổi mãn tính hoặc ung thư.
  • Vắc xin liên hợp viêm não mô cầu (ACWY): CDC khuyến cáo rằng nên tiêm một liều duy nhất cho trẻ em từ 11 đến 12 tuổi, với một mũi tiêm nhắc lại ở tuổi 16. Nếu vắc-xin được tiêm lần đầu trong độ tuổi từ 13 đến 15 thì khuyến cáo nên tiêm nhắc lại trong độ tuổi từ 16 đến 18. Nếu lần đầu tiên được tiêm từ 16 tuổi trở lên thì không cần tiêm nhắc lại.

Xem thêm: Bệnh viêm màng não có lây không?

Viêm màng não 4
Tiêm vắc xin là phương pháp phòng bệnh viêm màng não hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng não

Bác sĩ có thể thông qua triệu chứng, các yếu tố nguy cơ và kết quả thăm khám lâm sàng để chẩn đoán viêm màng não. Ngoài ra, bác sĩ sẽ có thể đề nghị một số xét nghiệm khác như: 

  • Cấy máu.
  • Hình ảnh học như: Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não để khảo sát tổn thương.
  • Chọc dò tuỷ sống: Để chẩn đoán viêm màng não, cần chọc dò tuỷ sống để lấy dịch não tuỷ xét nghiệm sinh hoá, vi sinh. Việc phân tích dịch não tuỷ có thể giúp bác sĩ xác định loại tác nhân gây bệnh để có hướng điều trị thích hợp. 

Phương pháp điều trị viêm màng não hiệu quả

Khi bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não, việc nhập viện để điều trị là bắt buộc trong tất cả trong các trường hợp vì viêm màng não có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được nhân viên y tế theo dõi chặt chẽ. 

Điều trị bao gồm: 

  • Tuỳ vào tác nhân gây bệnh xác định, bác sĩ có thể sử dụng thuốc kháng sinh, kháng vi rút, kháng nấm hoặc kháng ký sinh trùng.
  • Bù dịch đầy đủ để phòng ngừa tình trạng mất nước.
  • Sử dụng thuốc steroid có thể giúp giảm viêm nhu mô não trong một số trường hợp.
  • Sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, cắt cơn co giật,… tuỳ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại giường bệnh.

Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị viêm màng não virus như thế nào?

Viêm màng não 3
Điều trị viêm màng não chủ yếu bằng thuốc và người bệnh cần nghỉ ngơi tại giường bệnh



Chat with Zalo