Viêm khớp tự miễn là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa
Viêm khớp tự miễn là một nhóm bệnh lý viêm khớp có liên quan đến phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trong cơ thể. Viêm khớp tự miễn rất khó để điều trị dứt điểm và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tàn phế và tử vong.
Viêm khớp tự miễn có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào và gây ra nhiều triệu chứng cũng như biến chứng nghiêm trọng nếu không được can thiệp điều trị kịp thời. Bệnh sẽ có triệu chứng chung và khác nhau tùy thuộc vào loại viêm khớp tự miễn.
Những dấu hiệu và triệu chứng chung của viêm khớp tự miễn
Triệu chứng bệnh có thể khác nhau ở mỗi người bệnh, tuy nhiên có một số triệu chứng lâm sàng đặc trưng và phổ biến nhất như:
- Đau nhức các khớp xương;
- Đau cơ;
- Khó ngủ;
- Cơ thể mệt mỏi, đau nhức không rõ lý do;
- Sốt dai dẳng;
- Sưng nóng ở các khớp;
- Tràn dịch khớp;
- Hạn chế cử động;
- Giảm cân, thiếu máu, tức ngực;
- Khô mắt, khô miệng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm khớp tự miễn
Viêm khớp tự miễn không chỉ gây ra ra các triệu chứng trên hệ khớp như đau nhức khớp, cứng khớp, xương khớp bị cong vẹo hoặc phì đại, biến chứng tàn phế… mà còn có thể gây biến chứng nghiêm trọng đến các cơ quan khác như:
Tim mạch: Cơ tim bị suy yếu dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch khi các triệu chứng viêm khớp lan tỏa khắp cơ thể. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở bệnh nhân Lupus ban đỏ có liên quan đến bệnh lý tim mạch.
Phổi: Theo thống kê, trường hợp rối loạn đông máu ở động mạch phổi, thuyên tắc phổi… do biến chứng của viêm khớp tự miễn cao gấp 6 lần so với các trường hợp khác.
Trầm cảm: Hệ thống miễn dịch có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thần kinh. Theo thống kê cho thấy, có khoảng 62% ca bệnh mắc bệnh tự miễn có nguy cơ bị rối loạn cảm xúc và trầm cảm khi phải "sống chung" với các triệu chứng của bệnh.
Ung thư: Bệnh lý tự miễn khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, từ đó làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý ung thư khác. Chẳng hạn, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh ung thư phổi, ung thư vú, ung thư cổ tử cung…
Các bệnh tự miễn khác: Đặc điểm chung của các bệnh tự miễn là ở gen và môi trường sống. Trong một vài trường hợp, bệnh nhân viêm khớp tự miễn đồng thời mắc thêm nhiều bệnh tự miễn khác và được gọi là hội chứng đa tự miễn (MAS).

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp tự miễn có thể sẽ không xuất hiện đồng thời với nhau. Do đó, khi thấy bị đau nhức khớp kéo dài mà không phải do chấn thương hay tác động cơ học thì bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh viêm khớp tự miễn?
Bệnh viêm khớp tự miễn có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây có nguy cơ cao hơn:
Di truyền: Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những người có bố hoặc mẹ mắc một loại viêm khớp nào đó sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2 - 3 lần so với những đối tượng khác.
Giới tính: Theo thống kê cho thấy, có khoảng 80% các trường hợp mắc viêm khớp tự miễn là ở nữ giới, trong đó có đến ⅔ là ở những người trên 30 tuổi và tuổi trung niên.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh viêm khớp tự miễn
Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh viêm khớp tự miễn, gồm có:
Tác nhân gây bệnh: Một số loại vi khuẩn, virus như E.coli, Chlamydia, Influenzae, viêm gan B, C… làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Chế độ dinh dưỡng không hợp lý khiến cơ thể bị thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Lối sống không phù hợp: Thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và chất kích thích thường xuyên hoặc thức khuya kéo dài, stress trong công việc… đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp tự miễn.
Môi trường: Thường xuyên tiếp xúc với nhiều hoá chất độc hại như chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu, chất thải công nghiệp… có thể sẽ tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch, làm rối loạn hoặc biến đổi hoạt động miễn dịch.
Căn nguyên dẫn đến bệnh lý viêm khớp tự miễn là do chính hệ miễn dịch tấn công lại các cơ quan trong cơ thể. Thông thường, cơ thể sẽ phản ứng với nhiễm trùng hoặc sự xuất hiện của một chất lạ nào đó (vi khuẩn, virus hoặc nấm) bằng cách gia tăng sản xuất các tế bào đặc hiệu (bạch cầu) để tấn công và tiêu diệt những tác nhân gây hại.
Tuy nhiên, trong tình trạng viêm khớp tự miễn, cơ thể sẽ huy động quá mức các tế bào bạch cầu để xâm nhập vào bao hoạt dịch và gây ra phản ứng viêm. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hiện tượng xương, sụn bị ăn mòn, cuối cùng là biến dạng xương.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế sự tiến triển của viêm khớp tự miễn
Chế độ sinh hoạt:
- Người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
- Duy trì một lối sống lành mạnh, tránh để cơ thể rơi vào tình trạng căng thẳng,
- Hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị khi cơ thể xuất hiện những bất thường trong thời gian điều trị bệnh.
- Thăm khám định kỳ để theo dõi sức khỏe, diễn biến của bệnh và để bác sĩ đưa ra phương hướng điều trị thích hợp trong từng giai đoạn của bệnh.
- Người bệnh cần lạc quan, không để tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
- Không hút thuốc lá.
Chế độ dinh dưỡng:
- Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết và tốt cho hệ xương khớp như thực phẩm giàu acid béo omega-3, các sản phẩm từ sữa, các loại trái cây giàu vitamin C và các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, lúa mì, gạo lứt…
- Tránh xa các loại thực phẩm có hại cho hệ xương khớp như các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản, đồ ăn nhanh, thức uống chứa cồn…
Phương pháp phòng ngừa viêm khớp tự miễn hiệu quả
Để phòng ngừa hiệu quả viêm khớp tự miễn, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên: Việc tập luyện điều độ sẽ giúp tăng cường sức khỏe, tăng sự dẻo dai cho cơ thể và tính linh hoạt cho hệ cơ xương khớp và phòng ngừa được nhiều bệnh lý về xương khớp khác. Bạn có thể đi bộ, tập yoga, đạp xe, bơi lội… khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Cần chú ý cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường: Việc thăm khám và điều trị bệnh từ sớm sẽ giúp phát huy được hiệu quả tối đa, đồng thời cũng ngăn chặn được các biến chứng nghiêm trọng cũng như giảm thiểu được chi phí đáng kể để điều trị bệnh ở giai đoạn muộn.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp tự miễn
Để chẩn đoán viêm khớp tự miễn, bác sĩ sẽ dựa trên các biểu hiện lâm sàng và chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm chính sau:
Xét nghiệm kháng thể kháng nhân và kháng thể kháng chuỗi kép (ANA & DsDNA)
Đây là một trong những xét nghiệm quan trọng đầu tiên được bác sĩ chỉ định khi người bệnh có những biểu hiện, triệu chứng lâm sàng của bệnh tự miễn. Xét nghiệm này sẽ xác định số lượng kháng thể kháng nhân có trong máu của người bệnh.
Dựa vào kết quả xét nghiệm ANA & DsDNA, bác sĩ có thể xác định được người bệnh có đang mắc bệnh lý tự miễn hay không. Nếu kết quả là:
- Âm tính: Có thể hiệu kháng thể trong máu người bệnh còn thấp nhưng vẫn chưa thể loại trừ được khả năng không mắc bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán.
- Dương tính: Điều này có nghĩa là hiệu kháng thể trong máu người bệnh tăng và có nguy cơ mắc bệnh tự miễn cao.

Xét nghiệm RF (Rheumatoid Factor)
Xét nghiệm này được chỉ định thực hiện nhằm hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh viêm khớp tự miễn.
Xét nghiệm này nhằm đánh giá sự gia tăng bất thường của nồng độ kháng thể RF trong máu. RF là một nhóm các protein được hình thành từ hệ miễn dịch của cơ thể. Cơ thể tự sản sinh ra RF và chúng sẽ tấn công vào các mô cơ khỏe mạnh của cơ thể thay vì ngăn chặn sự tấn công của các tác nhân gây hại bên ngoài.
Xét nghiệm hình ảnh
Người bệnh sẽ được chỉ định chụp X- quang, chụp CT hoặc MRI để xác định mức độ tổn thương của các khớp.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà người bệnh đang có cùng với một số xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Phương pháp điều trị viêm khớp tự miễn hiệu quả
Xem xét về loại viêm khớp tự miễn, mức độ tiến triển của bệnh, các triệu chứng lâm sàng đang có và tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh mà bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp. Có 2 chỉ định chính trong quá trình điều trị viêm khớp tự miễn là:
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ sẽ kê toa thuốc chống viêm khớp và thuốc sinh học cho người bệnh.
- Thay đổi lối sống: Thực hiện lối sống khoa học như tập thể dục thể thao đều đặn, chế độ ăn uống đầy đủ chất, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích…