Viêm đa khớp dạng thấp là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa viêm đa khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp, đây là một bệnh tự miễn, hiện nay vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến khớp, ngoài ra còn có thể có các biểu hiện ngoài khớp. Việc điều trị người bệnh viêm khớp dạng thấp đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, giúp giảm tác động của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng toàn thân.
Những triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
Diễn tiến của bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ có những đợt bùng phát (các triệu chứng trở nên rầm rộ) và khoảng thời gian thuyên giảm.
Các dấu hiệu và triệu chứng của Viêm khớp dạng thấp, bao gồm:
- Đau hoặc nhức khớp nhiều khớp;
- Cứng khớp nhiều hơn một khớp;
- Đau và sưng ở nhiều khớp;
- Các triệu chứng giống nhau ở cả hai bên cơ thể (chẳng hạn như ở cả hai tay hoặc cả hai đầu gối);
- Sụt cân;
- Sốt;
- Mệt mỏi;
- Suy nhược.
![Viêm khớp dạng thấp là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa Viêm khớp dạng thấp 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_da_khop_dang_thap_3_e1e0f1b98d.jpeg)
Những biến chứng có thể gặp của bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có thể gây ra nhiều hậu quả cả về thể chất, xã hội và gây suy giảm chất lượng cuộc sống. Các biến chứng thường gặp của bệnh như:
Bệnh tim mạch
Người bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc phải các bệnh mạn tính khác như bệnh tim mạch và đái tháo đường. Để ngăn ngừa tình trạng này, việc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng nên tập trung vào giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch như ngừng hút thuốc lá và giảm cân.
Béo phì
Người bệnh viêm khớp dạng thấp bị béo phì có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Cuối cùng, người bệnh viêm khớp dạng thấp bị béo phì sẽ đáp ứng với điều trị kém hơn những người bị viêm khớp dạng thấp không béo phì.
Mất khả năng lao động
Viêm khớp dạng thấp gây khó khăn cho người bệnh trong công việc. Người bệnh viêm khớp dạng thấp ít được tuyển dụng hơn và có khả năng mất việc làm đối với các công việc cần hoạt động nhiều về thể chất.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh viêm khớp dạng thấp?
Những người dễ bị viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Hút thuốc lá: Nhiều nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
- Tiền căn: Phụ nữ chưa bao giờ sinh con có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.
- Tiếp xúc đầu đời: Một số yếu tố khi tiếp xúc ở giai đoạn đầu đời có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở tuổi trưởng thành. Ví dụ, trẻ em có mẹ hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao gấp đôi khi trưởng thành.
- Người lớn tuổi.
- Nữ giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp dạng thấp
Một số yếu tố thường gặp làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm:
- Tuổi: Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng khả năng mắc bệnh sẽ gia tăng theo tuổi. Thường tỉ lệ mắc viêm khớp dạng thấp khởi phát cao ở những người độ tuổi sáu mươi.
- Giới tính: Nữ có khả năng mắc bệnh cao gấp 2 đến 3 lần so với nam.
- Di truyền/gen: Những người bệnh mang kiểu gen HLA (kháng nguyên bạch cầu ở người) loại II có triệu chứng của bệnh nặng hơn. Nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp sẽ tăng cao khi những người mang gen này tiếp xúc với các yếu tố môi trường như hút thuốc lá hoặc khi có tình trạng béo phì kèm theo.
![Viêm khớp dạng thấp là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa Viêm khớp dạng thấp 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_da_khop_dang_thap_1_0e72720086.jpg)
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp dạng thấp
Nguyên nhân cụ thể của viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được biết rõ, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống bao gồm công việc, giải trí và các hoạt động xã hội. Ngày nay có nhiều chiến lược điều trị trong cộng đồng đã được chứng minh là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chế độ sinh hoạt:
- Vận động thể chất: Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên hoạt động thể chất vừa phải khoảng 150 phút/tuần, như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe đạp 30 phút mỗi ngày trong 5 ngày/tuần. Vận động thể chất thường xuyên cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh mạn tính khác như bệnh tim mạch, đái tháo đường và trầm cảm.
- Ngừng hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm cho bệnh trầm trọng hơn và có thể gây ra các bệnh khác.
- Kiểm soát cân nặng: Béo phì có thể gây ra nhiều vấn đề cho người bệnh viêm khớp dạng thấp, vì vậy điều quan trọng là phải duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Chế độ dinh dưỡng:
Nên bổ sung các thực phẩm có hoạt tính chống viêm để giúp bạn giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Sau đây là danh sách một số loại thực phẩm bạn có thể ăn:
- Chất chống oxy hóa: Các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E hoặc selen, như ăn trái cây tươi, rau xanh và các loại hạt, hoặc uống trà xanh.
- Chất xơ: Trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, đậu…
- Flavonoid: Quả mọng, trà xanh, nho, bông cải xanh, đậu nành, sô cô la đen.
- Gia vị: Củ nghệ, ớt.
![Viêm khớp dạng thấp là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa Viêm khớp dạng thấp 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_da_khop_dang_thap_7_350bce3ee5.jpeg)
Các biện pháp phòng ngừa viêm khớp dạng thấp hiệu quả
Để có thể phòng ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả, sau đây là một số gợi ý cho bạn:
- Tránh hút thuốc lá;
- Kiểm soát cân nặng;
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm;
- Vệ sinh răng miệng tốt;
- Chế độ ăn uống lành mạnh;
- Điều trị sớm nếu mắc phải.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Các xét nghiệm và hình ảnh học
Yếu tố dạng thấp RF (Rheumatoid Factor): Xét nghiệm này dương tính ở 50 – 75% người bệnh Viêm khớp dạng thấp. Thường xuất hiện muộn từ khoảng 6 tháng đến 1 năm sau khởi phát bệnh. Tuy nhiên, ở người bình thường RF có thể dương tính khoảng 3 – 5% trường hợp.
Kháng thể kháng peptid citrulline vòng (Anti CCP): Là một IgG của một tự kháng thể trong huyết thanh hoặc huyết tương đặc hiệu với peptide được tổng hợp từ gan, dạng vòng. Anti CCP có độ đặc hiệu cao, có thể lên tới 90%.
Công thức máu: Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường có dấu hiệu tăng số lượng hồng cầu, tăng tiểu cầu và tăng nhẹ bạch cầu.
Tốc độ máu lắng (VS hay ESR): Được sử dụng để đánh giá tình trạng viêm hay hoạt tính của bệnh, theo dõi tiến triển của bệnh cũng như đáp ứng điều trị.
CRP: Thường tăng trong bệnh lý viêm, tự miễn và nhiễm khuẩn. Nếu trên người bệnh Viêm khớp dạng thấp mà có CRP tăng rất cao, cần xem xét cẩn thận khả năng người bệnh có bội nhiễm.
X quang: Chụp X quang 2 bàn tay thẳng hoặc các khớp bị tổn thương. Giai đoạn đầu X quang thường bình thường hoặc chỉ thấy sưng mô mềm hoặc mất chất khoáng ở đầu xương. Giai đoạn muộn: Hình ảnh đầu xương bị ăn mòn, nặng hơn là hình ảnh ăn mòn sụn khớp, khe khớp bị hẹp, trật khớp, lệch trục, thoái hóa khớp thứ phát...
Siêu âm khớp: Nhằm đánh giá tình trạng khớp bị viêm màng hoạt dịch.
![Viêm khớp dạng thấp là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa Viêm khớp dạng thấp 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_da_khop_dang_thap_6_752b2d6358.jpeg)
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) và Liên đoàn chống Thấp khớp Châu Âu (EULAR) năm 2010:
- Tổn thương 2 – 10 khớp lớn tương ứng với 1 điểm.
- Tổn thương 1 – 3 khớp nhỏ (± khớp lớn) tương ứng với 2 điểm.
- Tổn thương 4 – 10 khớp nhỏ (± khớp lớn) tương ứng với 3 điểm.
- Tổn thương > 10 khớp (≥ 1 khớp nhỏ + bất kỳ khớp nào khác) tương ứng với 5 điểm.
- Xét nghiệm RF âm tính và ACPA âm tính tương ứng với 0 điểm.
- Xét nghiệm RF dương tính thấp và/hoặc ACPA ≤ 3 lần giới hạn trên của mức bình thường tương ứng với 2 điểm.
- Xét nghiệm RF dương tính cao và/hoặc ACPA > 3 lần giới hạn trên của mức bình thường tương ứng với 3 điểm.
- Xét nghiệm tốc độ máu lắng bất thường (ESR) và/hoặc protein phản ứng C (CRP) bất thường tương ứng với 1 điểm.
- Xét nghiệm CRP bình thường và ESR bình thường tương ứng với 0 điểm.
- Thời gian người bệnh bị sưng và đau ≥ 6 tuần tương ứng với 1 điểm.
Người bệnh có từ ≥ 6 điểm sẽ được bác sĩ chẩn đoán là bị viêm khớp dạng thấp.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả
Điều trị viêm khớp dạng thấp thường bao gồm việc sử dụng các loại thuốc làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến dạng khớp, được gọi là thuốc chống thấp làm thay đổi tiến triển của bệnh (DMARDs) và thuốc sinh học (là phương pháp điều trị bậc hai hiệu quả).
Ngoài thuốc, người bệnh có thể tự quản lý tình trạng của mình bằng các biện pháp rèn luyện sức khỏe, có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý.
![Viêm khớp dạng thấp là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa Viêm khớp dạng thấp 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_da_khop_dang_thap_2_3364c59e23.jpg)