Ung thư manh tràng là gì? Những vấn đề cần biết về ung thư manh tràng
Ung thư manh tràng là một loại ung thư phát triển ở phần đầu đại tràng. Khoản 20% bệnh ung thư đại trực tràng xảy ra ở manh tràng. Ung thư manh tràng thường được phát hiện tình cờ qua nội soi đại trực tràng. Bệnh thường không có triệu chứng đặc hiệu nên thường phát hiện muộn.
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư manh tràng
Ung thư manh tràng thường phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn sau, do bệnh này không có triệu chứng gợi ý đặc trưng. Các triệu chứng nếu có xuất hiện cũng chỉ là các bất thường về đại tiện rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính khác. Tuy nhiên các triệu chứng của ung thư manh tràng cũng có thể khác với các triệu chứng của ung thư đại tràng nói chung.
Các triệu chứng thường gặp như:
- Rối loạn nhu động ruột gây ra tiêu chảy hoặc táo bón hoặc cả tiêu chảy và táo bón xen kẽ nhau từng đợt.
- Đi tiêu phân nhầy máu là triệu chứng hay gặp. Ngoài ra có thể là đi tiêu phân đen, phân sẫm màu, thay đổi hình dạng phân.
- Đau bụng kèm đi tiêu nhiều lần, đầy chướng bụng khó tiêu, buồn nôn, nôn.
- Các triệu chứng của tắc ruột, bán tắc ruột hoặc biến chứng của thủng ruột gây ra viêm phúc mạc.
- Sờ thấy hạch vùng bẹn hoặc khối u vùng vùng khi bệnh đã tiến đến những giai đoạn sau.
- Chóng mặt xây xẩm, hồi hộp, tim đập nhanh, da niêm nhạt, tím tái,...
- Các triệu chứng toàn thân như gầy ốm, mệt mỏi, sút cân không chủ ý.

Tác động của ung thư manh tràng với sức khỏe
Ung thư manh tràng giai đoạn đầu có thể thầm kín không tác động gì tới sức khỏe hoặc dễ bị bỏ qua. Khi khối u phát triển có thể gây ra các triệu chứng tác động từ nhẹ đến nghiêm trọng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân chẳng hạn như thay đổi thói quen đi đại tiện, giai đoạn sau có thể gây ra các biến chứng nặng như thủng ruột, viêm phúc mạc, suy kiệt dẫn đến tử vong.
Biến chứng có thể gặp ung thư manh tràng
Khối u lớn có thể chèn ép ruột dẫn đến tắc ruột, gợi ý bởi các triệu chứng như đau bụng dữ dội từng cơn, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, táo bón hoặc không đi cầu được, không thể trung tiện.
Tổn thương lớp niêm mạc có thể gây ra chảy máu rỉ rả, đi tiêu phân đen, đi tiêu có máu,...
Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như thủng ruột và nhiễm trùng phúc mạc.
Ngoài ra ung thư manh tràng ở có thể di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như gan, thận, phổi, xương,... làm tăng khả năng tử vong trong năm năm tiếp theo.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi thói quen đi tiêu thay đổi, thay đổi hình dạng, tính chất và màu sắc phân kéo dài,... bạn nên đi khám và tầm soát sớm.
Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư manh tràng?
Các yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển ung thư đại trực tràng. Các gen gây ung thư và các hội chứng di truyền khác như: Hội chứng ung thư trực tràng di truyền không polyp (hội chứng Lynch), bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (Familial Adenomatous Polyposis), hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Gardner.
Ngoài ra các bệnh lý ở vùng đại tràng như viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn và polyp đại trực tràng nếu không được chẩn đoán và điều trị triệt để có thể hình thành bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư manh tràng
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư manh tràng như:
Chế độ ăn: Ung thư đại trực tràng nói chung liên quan đến chế độ nhiều thịt và mỡ động vật, thiếu các vitamin và khoáng chất như A, B, C, E và canxi, ít chất xơ. Các thực phẩm được chế biến bằng cách muối chua, nướng có thể có chứa benzopyrene, nitrosamine,... có thể hình thành ung thư.
Tuổi tác: Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng trong tất cả các bệnh lý ung thư. Càng lớn tuổi, khả năng tự sửa chữa của tế bào càng giảm và các đột biến gen càng được tích lũy và nhiều khả năng không được loại bỏ hoặc sửa chữa kịp thời hình thành các tế bào bị biến đổi. Từ đó dễ hình thành nên các tế bào ung thư với khả năng sinh sản mạnh mẽ, không bị chết đi theo chu trình tự nhiên.
Lối sống thiếu khoa học: Ngày nay, lối sống tĩnh tại, sử dụng thức ăn nhanh thường xuyên và ít vận động ở giới trẻ ngày một nhiều. Việc duy trì một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống nhiều rau xanh ít thịt đỏ, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Di truyền: Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư có thể là dấu hiệu của hội chứng ung thư di truyền có khả năng xảy ra ở các thế hệ kế tiếp.
Ô nhiễm môi trường: Tiếp xúc với ô nhiễm môi trường, tia cực tím, bức xạ ion hóa và các chất độc hại khác cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Hiện nay, nguyên nhân gây ra ung thư nói chung và ung thư manh tràng nói riêng vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Bệnh lý có thể xuất hiện do sự tương tác giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường như ăn uống, tiếp xúc hóa chất,...
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến ung thư manh tràng
Chế độ sinh hoạt:
- Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn: Tham gia vào các hoạt động thể chất thường xuyên. Đặt mục tiêu tập thể dục cường độ hợp lý, khoảng 30 phút/ngày và duy trì 5 ngày mỗi tuần.
- Tránh hút thuốc và uống rượu: Hút thuốc và uống quá nhiều rượu có liên quan đến nguy cơ ung thư tăng cao.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì có liên quan đến nhiều loại ung thư vì thế hãy giữ cân nặng ở một chỉ số hợp lý bằng phương pháp ăn uống khoa học và chế độ tập luyện phù hợp.
- Tầm soát: Sàng lọc, tầm soát bệnh thường xuyên ở những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao có thể phát hiện sớm từ những thay đổi tiền ung thư.
Chế độ ăn uống: Tập trung vào chế độ ăn uống cân bằng, giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc, hạn chế các loại thực phẩm được chế biến sẵn, thịt đỏ và nạp quá nhiều thức ăn chứa nhiều đường.
Phương pháp phòng ngừa ung thư manh tràng hiệu quả
Đặc hiệu
Tầm soát các bệnh lý ở ruột có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư manh tràng. Giúp phát hiện sớm các tế bào dị sản hoặc polyp bất thường trước khi chúng trở thành ung thư. Hầu hết các polyp đại tràng có kích thước lớn có thể được loại bỏ trong quá trình tầm soát nhằm ngăn ngừa chúng tiến triển thành ung thư.

Không đặc hiệu
Thúc đẩy và duy trì lối sống lành mạnh thông qua chế độ ăn uống nhiều rau xanh ít thịt đỏ, và luyện tập thể dục thể thao hợp lý giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh với sức đề kháng cao, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Xem thêm:
- Phòng ngừa ung thư đại trực tràng
- Ung thư trực tràng kiêng ăn gì hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả?
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư manh tràng
Nội soi
Nội soi đại trực tràng bằng ống mềm là phương pháp được dùng để chẩn đoán ung thư manh tràng - đại tràng. Hỗ trợ xác định vị trí, đặc điểm của khối u và tiến hành lấy mẫu mô sinh thiết để phân tích giải phẫu bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh học
Chụp X-quang bụng không sửa soạn: Khi có biến chứng thủng ruột hoặc tắc ruột, tình trạng cấp cứu xảy ra, X-quang bụng không sửa soạn được chỉ định.
Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): CT-scan giúp đánh giá tổn thương u đại trực tràng và di căn xa, CT scan có vai trò tương tự như siêu âm nhưng có độ nhạy cao hơn.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI đặc biệt hữu ích trong việc chẩn đoán di căn gan và đánh giá tổn thương cục bộ.
Siêu âm ổ bụng: Siêu âm bụng thường được sử dụng để đánh giá tổn thương gan và toàn bộ ổ bụng, tuy nhiên độ nhạy của nó thấp hơn so với chụp cắt lớp vi tính.
Siêu âm qua nội soi trực tràng: Siêu âm qua nội soi là một phương pháp có giá trị để đánh giá mức xâm lấn ung thư trực tràng và di căn hạch mạc treo trực tràng.

Y học hạt nhân
Sử dụng phương pháp chụp hình phóng xạ đặc hiệu hay còn gọi là chụp hình miễn dịch phóng xạ (Radio Immunoscintigraphy - RIS) bằng cách áp dụng các kháng thể đơn dòng được đánh dấu phóng xạ qua SPECT, giúp phát hiện khối u nguyên phát và các tổn thương di căn. Chụp hình khối u dựa trên nguyên tắc chuyển hóa (PET, PET/CT, PET/MRI) với chất đánh dấu F18-FDG giúp phát hiện khối u nguyên phát, tình trạng di căn hạch và di căn xa, đồng thời hỗ trợ đánh giá giai đoạn bệnh và lập kế hoạch xạ trị.
Xét nghiệm sinh hóa - huyết học
Xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu để đánh giá tổng trạng người bệnh. Ngoài ra các marker CEA, CA 19-9 là những chỉ dấu ung thư đại tràng. Các chỉ số xét nghiệm này phối hợp với các phương pháp khác còn giúp theo dõi và chẩn đoán ung thư tái phát, di căn sau điều trị.
Phương pháp điều trị ung thư manh tràng
Nội khoa
Điều trị ung thư đại trực tràng nói chung và ung thư manh tràng nói riêng là một điều trị phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như giai đoạn bệnh, cơ địa bệnh nhân, có di căn hay chưa, có biến chứng gì, có tái phát không.
Hiện nay việc điều trị ung thư manh tràng chủ yếu là cắt bỏ khối u kết hợp nạo vét hạch. Tuy nhiên, một số trường hợp không thể tiến hành phẫu thuật thì có thể dùng hóa trị liệu. Các thuốc hóa trị kháng ung thư có thể kể đến như: Cetuximab, Bevacizumab, Folfoxiri, Ramucirumab, Afilbercep,...
Ngoại khoa
Đa số ung thư manh tràng bất kể giai đoạn nào đều có thể điều trị bằng phẫu thuật ngoại khoa. Nguyên tắc phẫu thuật triệt căn ung thư manh tràng bao gồm:
- Lấy hết tổ chức ung thư tức là cắt rộng khối u nguyên phát và nạo vét hạch vùng;
- Tái lưu thông đường tiêu hóa.
Phương pháp điều trị ngoại khoa cụ thể cho từng bệnh nhân được lựa chọn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh:
- Giai đoạn sớm (giai đoạn 0 hoặc giai đoạn I theo phân độ TNM) khi chưa có sự xâm nhập vào mạch máu, bạch huyết hoặc thần kinh: Có thể tiến hành cắt polyp đơn thuần hoặc thực hiện cắt niêm mạc nội soi (mucosectomy) nếu tổn thương ở mức sm1/2, G1,2. Nếu tổn thương chưa được cắt bỏ hoàn toàn hoặc diện cắt dương tính (+), có thể cần thực hiện cắt hình chêm để lấy rộng tổn thương hoặc cắt bỏ một đoạn đại tràng và nối lại ngay.
- Giai đoạn I (Dukes A hoặc Dukes cải biên A & 1B): Áp dụng phẫu thuật cắt đại tràng và vét hạch điển hình dựa trên vị trí của khối u nguyên phát.
- Giai đoạn IIA, B và giai đoạn III: Thực hiện phẫu thuật cắt đại tràng tùy theo vị trí của khối u nguyên phát.
