Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị


Thoái hóa khớp vai là tình trạng suy giảm cấu trúc và chức năng của khớp vai, bao gồm khớp chính và khớp cùng vai đòn. Quá trình thoái hóa dẫn đến mất sụn, đau, cứng khớp và hạn chế vận động, thường xảy ra do lão hóa, chấn thương hoặc sử dụng quá mức. Các phương pháp điều trị hiện nay có thể giúp giảm bớt triệu chứng.

Những dấu hiệu và triệu chứng của thoái hoá khớp vai

Các triệu chứng của thoái hóa khớp vai có thể bao gồm:

  • Đau, cứng khớp ở vai và cánh tay trên.
  • Cơn đau có thể trầm trọng hơn khi vận động khớp.
  • Đau nhiều hơn vào cuối ngày.
  • Cứng khớp vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi yên một thời gian.
  • Khớp phát ra âm thanh “lộp cộp” hoặc tiếng động khi di chuyển vai.
  • Sưng vùng xung quanh khớp vai, có thể kèm đỏ, sờ nóng.

Cơn đau do thoái hoá khớp vai có thể đến rồi đi. Nó có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng, sau đó có thể có một khoảng thời gian ít hoặc không đau.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thoái hoá khớp vai

Thoái hoá khớp vai có thể dẫn đến các biến chứng như hạn chế phạm vi chuyển động vai. Điều này có thể khiến người bệnh khó thực hiện các công việc hàng ngày.

Cũng như bất kỳ các biện pháp can thiệp xâm lấn nào, phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp vai có thể gây ra các biến chứng. Bác sĩ điều trị sẽ tư vấn về nguy cơ biến chứng với bạn nếu trải qua phẫu thuật và trả lời bất kỳ thắc mắc nào.

Thoái hoá khớp vai là gì? Những điều cần biết về thoái hoá khớp vai 4
Thoái hoá khớp vai kiến người bệnh hạn chế vận động trong các hoạt động hằng ngày

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ các triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm thoái hoá khớp vai sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Những ai có nguy cơ mắc phải thoái hoá khớp vai?

Những đối tượng có nguy cơ cao bị thoái hoá khớp vai là:

  • Giới tính nữ;
  • Người lớn tuổi;
  • Người làm công việc phải khuân vác nặng;
  • Người chơi thể thao hoạt động mạnh vùng vai: nâng tạ, bóng ném,..

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thoái hoá khớp vai

Tuổi là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh thoái hoá khớp vai. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Béo phì;
  • Chấn thương vai trước đó;
  • Rách chóp xoay;
  • Sự mất vững của khớp vai;
  • Bệnh khớp tinh thể, ví dụ như bệnh gút;
  • Bệnh hồng cầu hình liềm.

Nguyên nhân của thoái hóa khớp vai có thể phụ thuộc vào việc đó là thoái hóa khớp nguyên phát hay thoái hóa khớp thứ phát.

Thoái hoá khớp nguyên phát: Bệnh có xu hướng phát triển dần dần theo thời gian do bào mòn sụn khớp. Nó thường ảnh hưởng nhất đến những người trên 50 tuổi.

Thoái hoá khớp thứ phát: Thường có nguyên nhân gây bệnh đã biết. Bệnh có thể xảy ra như là hậu quả của:

  • Chấn thương, chẳng hạn như chấn thương do thể thao hoặc chấn thương nghề nghiệp.
  • Tiền sử bệnh lý tại vùng vai: trật khớp vai, rách chóp xoay, 
  • Dị tật bẩm sinh: cấu trúc xương vai không hoàn thiện dễ gây thoái hóa khớp vai. 
  • Bệnh lý tự miễn như Viêm khớp dạng thấp, Viêm khớp nhiễm trùng hoặc Gout cũng gây tổn thương khớp vai, đẩy nhanh quá trình dẫn đến thoái hóa khớp vai.
  • Nhiễm trùng khớp vai.
  • Thừa cân béo phì: Dù khớp vai không chịu sức nặng từ trọng lượng cơ thể như khớp gối và khớp háng, tuy nhiên đây là nguyên nhân là yếu tố tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh lý cơ xương khớp và chuyển hóa thường gặp.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoái hoá khớp vai

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập luyện: Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia về việc thực hiện các bài tập và hoạt động vận động nhẹ nhàng để giữ cho khớp vai linh hoạt và giảm đau.
  • Bảo vệ khớp: Tránh các hoạt động gây căng thẳng mạnh lên khớp vai, như nâng đồ nặng hoặc thực hiện các động tác quá đầu. Hạn chế hoạt động đột ngột, nhấn mạnh trên khớp và quá tải khớp.
  • Nhiệt và lạnh: Sử dụng nhiệt hoặc lạnh để giảm đau và sưng tại khu vực khớp vai. Bạn có thể sử dụng túi đá lạnh hoặc túi ấm chườm lên vùng đau để làm giảm viêm và đau.
  • Chăm sóc bản thân: Đảm bảo có đủ giấc ngủ và nghỉ ngơi. Sử dụng gối hoặc dụng cụ đỡ dưới vùng vai khi ngủ để giảm áp lực lên khớp. Đảm bảo duy trì một tư thế ngồi và đứng đúng để giảm căng thẳng lên vai.
  • Giảm cân (nếu cần thiết): Nếu bạn có thừa cân, giảm cân có thể giảm áp lực lên khớp vai và giảm triệu chứng của thoái hoá.
  • Hỗ trợ từ bên ngoài: Sử dụng các hỗ trợ bên ngoài như băng đai vai hoặc băng cố định để giảm căng thẳng và tăng sự ổn định của khớp vai.
Thoái hoá khớp vai là gì? Những điều cần biết về thoái hoá khớp vai 6
Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc thực hiện các bài tập vai

Lưu ý rằng chế độ sinh hoạt có thể khác nhau cho từng người tùy thuộc vào mức độ và triệu chứng của bệnh thoái hoá khớp vai. Tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn giàu canxi: Canxi là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương. Bạn nên bổ sung canxi từ các nguồn như sữa và sản phẩm sữa không béo, cá hồi, hạt chia, rau xanh, đậu phộng và các loại hạt.
  • Vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và duy trì sức khỏe xương. Các nguồn giàu vitamin D bao gồm cá hồi, cá thu, trứng, nấm và một số loại sữa có bổ sung vitamin D.
  • Omega-3: Các axit béo omega-3 có tác dụng chống viêm và có thể giảm triệu chứng thoái hoá khớp. Các nguồn omega-3 bao gồm cá, hạt lanh và hạt óc chó.
  • Chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E và beta-caroten có thể giúp giảm viêm và bảo vệ khớp khỏi tổn thương. Hãy bổ sung các nguồn như trái cây tươi, rau xanh, hạt và các loại thực phẩm giàu vitamin C và E.
  • Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa có thể tăng viêm và ảnh hưởng đến sức khỏe xương và khớp. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và các loại bơ.
  • Giảm tiêu thụ đường: Đường có thể gây viêm và tăng cân, làm gia tăng áp lực lên khớp. Hạn chế tiêu thụ đường trong các loại đồ ngọt, nước ngọt, đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn.
  • Uống đủ nước: Uống đủ nước giúp duy trì sự mềm mại và bôi trơn cho các khớp, giảm ma sát và giảm triệu chứng thoái hoá. Hãy đảm bảo uống đủ lượng nước hàng ngày.

Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tùy chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu cá nhân của bạn.

Phương pháp phòng ngừa thoái hoá khớp vai hiệu quả

Để phòng ngừa thoái hoá khớp vai, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

Duy trì lối sống lành mạnh: Hãy duy trì một chế độ ăn uống cân đối, bao gồm các thực phẩm giàu canxi, vitamin D và các chất chống oxy hóa. Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, đường và đồ uống có ga.

Tập thể dục đều đặn: Dành thời gian cho việc tập thể dục thường xuyên để duy trì sự linh hoạt và sức mạnh của khớp vai. Chọn các hoạt động như bơi, đi bộ, yoga hoặc các bài tập thoái hóa khớp vai tăng cường cơ bắp và linh hoạt. Tuy nhiên, hãy tránh những hoạt động gây căng thẳng mạnh lên khớp vai.

Tránh chấn thương: Hạn chế tiếp xúc với các hoạt động và tác động có thể gây chấn thương cho khớp vai. Đảm bảo sử dụng phương tiện bảo hộ khi tham gia vào các hoạt động thể thao hoặc công việc có nguy cơ gây chấn thương cho khớp vai.

Chăm sóc khớp vai: Đảm bảo duy trì tư thế ngồi và đứng đúng để giảm căng thẳng lên vai. Hạn chế việc mang và nâng đồ nặng quá mức.

Giữ cân nặng hợp lí: Thừa cân có thể tăng áp lực lên khớp và gia tăng nguy cơ thoái hoá khớp. Hãy duy trì cân nặng lành mạnh thông qua chế độ ăn uống và tập luyện.

Điều trị các vấn đề khớp kịp thời: Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề về khớp vai, hãy đến gặp bác sĩ. Điều trị sớm và hiệu quả các vấn đề khớp có thể giảm nguy cơ thoái hoá và bảo vệ sức khỏe khớp.

Thoái hoá khớp vai là gì? Những điều cần biết về thoái hoá khớp vai 7
Tập thể dục thường xuyên để duy trì sự linh hoạt và sức mạnh của khớp vai

Lưu ý rằng thoái hoá khớp vai có thể phát triển dựa trên nhiều yếu tố và không thể hoàn toàn ngăn ngừa. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể giảm nguy cơ và giữ cho khớp vai khỏe mạnh trong thời gian dài.

Xem thêm:

  • Bệnh nhân thoái hóa khớp vai nên ăn gì?
  • Nguyên nhân đau mỏi 2 khớp vai thường gặp?

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoái hoá khớp vai

Để chẩn đoán thoái hoá khớp vai, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám thực thể để đánh giá cơn đau và biên độ vận động khớp vai cũng như tìm kiếm các dấu hiệu khác có liên quan.

Các xét nghiệm có thể được chỉ định để chẩn đoán thoái hóa khớp vai bao gồm:

  • Chụp X-quang khớp vai.
  • Xét nghiệm máu, chủ yếu để loại trừ bệnh viêm khớp dạng thấp và các bệnh có liên quan khác.
  • Xét nghiệm sinh hoá dịch khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
Thoái hoá khớp vai là gì? Những điều cần biết về thoái hoá khớp vai 5
Chụp X-quang khớp vai giúp hỗ trợ chẩn đoán thoái hoá khớp vai

Phương pháp điều trị thoái hoá khớp vai hiệu quả

Điều trị thoái hóa khớp vai thường không cần phải phẫu thuật. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa.

Phương pháp điều trị nội khoa

Các phương pháp điều trị nội khoa cho thoái hoá khớp vai có thể bao gồm:

  • Châm cứu, điện châm.
  • Xoa bóp, bấm huyệt.
  • Chườm thảo dược.
  • Vật lý trị liệu để cải thiện biên độ vận động, chức năng và sức mạnh ở vai.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), chẳng hạn như ibuprofen, aspirin và naproxen, để giảm đau và viêm.
  • Tiêm corticosteroid để giảm đau và viêm.
  • Sử dụng liệu pháp nhiệt hoặc liệu pháp lạnh để giảm đau.

Phương pháp điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp vai có thể là nội soi khớp để loại bỏ các mảnh xương hoặc sụn lỏng lẻo.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị thay khớp bị hư hỏng bằng một bộ phận cấy ghép làm từ nhựa, sứ hoặc kim loại.

Phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp vai thường là biện pháp cuối cùng. Bác sĩ chỉ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các triệu chứng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.



Chat with Zalo