Tê bàn tay là gì? Nguyên nhân và cách điều trị tê bàn tay
Tê tay có thể do nhiều nguyên nhân, từ tổn thương dây thần kinh đến các vấn đề về tuần hoàn. Nó có thể nhẹ và tạm thời hoặc là triệu chứng của nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn.
Những dấu hiệu và triệu chứng của tê bàn tay
Tê ở một hoặc cả hai tay là sự mất cảm giác ở bàn tay hoặc ngón tay. Thông thường, tê tay thường đi kèm các dấu hiệu như cảm giác kim châm, bỏng rát hoặc ngứa ran. Cánh tay, bàn tay hoặc các ngón tay có thể cảm thấy yếu hơn. Tê có thể xảy ra dọc theo một dây thần kinh ở một tay hoặc có thể xảy ra đối xứng ở cả hai tay.
Tác động của tê bàn tay đối với sức khỏe
Nếu tê tay kéo dài nên đi khám ngay. Đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.
Nếu các triệu chứng đi kèm với bất kỳ điều nào sau đây thì nên liên hệ bác sĩ gấp:
- Tê ở các bộ phận khác của cơ thể;
- Chóng mặt, lơ mơ;
- Nói lắp;
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Những ai có nguy cơ mắc phải tê bàn tay?
Người bị các bệnh lý thần kinh, thiếu hụt vitamin hoặc bị đái tháo đường là đối tượng dễ mắc tê tay. Ngoài ra người làm việc văn phòng, thường xuyên đánh máy cũng bị tê tay do mắc hội chứng ống cổ tay.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tê bàn tay
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tê bàn tay, bao gồm:
- Thiếu hụt dinh dưỡng, chẳng hạn như thiếu vitamin B1, B6 hoặc B12;
- Đa xơ cứng;
- Đột quỵ;
- Rối loạn não và tủy sống.
Tê tay có thể do nhiều nguyên nhân, từ nhẹ đến các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Nguyên nhân phổ biến nhất là do tổn thương hoặc chèn ép các dây thần kinh ở tay.
Chèn ép hoặc tổn thương dây thần kinh
Bệnh lý thần kinh bị chèn ép là tình trạng áp lực lên dây thần kinh ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường đi của nó. Ngoài tình trạng tê, bệnh lý thần kinh do chèn ép có thể khiến cơ yếu hoặc co giật.
- Hội chứng Guyon (Hội chứng cổ tay trụ): Giảm cảm giác, tê bì tay ở ngón 5 và nửa ngón số 4, có thể gây yếu cơ, thường do chấn thương cổ tay hoặc công việc phải vận động cổ tay thường xuyên dẫn đến chèn ép dây thần kinh trụ
- Hội chứng đường hầm xương trụ: Tình trạng này thường có các triệu chứng tương tự như Hội chứng Guyon nhưng cũng có cảm giác tê ở mu bàn tay phía bên ngón út. Cũng có thể bị đau ở phần bên trong khuỷu tay.
- Hội chứng ống cổ tay: Điều này gây ra cảm giác tê và ngứa ran ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Các ngón tay khác và thậm chí cả bàn tay đôi khi có thể bị tê. Đây là một tình trạng phổ biến trong đó áp lực đè lên các dây thần kinh ở cổ tay. Điều này thường ảnh hưởng đến những người sử dụng bàn tay và cổ tay trong công việc như đánh máy
- Bệnh lý cột sống cổ có chèn ép các dây thần kinh cột sống: Điều này có thể do viêm khớp, bệnh tật, nhiễm trùng, khối u, bất thường về mạch máu và các tình trạng khác của tủy sống. Thoái hóa cột sống cổ- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hay Hẹp ống sống có chèn ép thần kinh cột sống, không chỉ gặp triệu chứng đau mỏi cổ, mà cơn đau còn lan ra tay, kèm theo cảm giác tê ngứa ở cánh tay, bàn tay và ngón tay. Các triệu chứng xuất hiện tùy vị trí do các dây thần kinh bị ảnh hưởng chi phối.
- Bệnh thần kinh ngoại biên: Trong bệnh lý thần kinh ngoại biên, các đầu dây thần kinh ở tay và chân đều bị ảnh hưởng. Với tình trạng này, có thể có hoặc không có cảm giác đau và cảm giác tê thường xuyên, thường gặp trong bệnh đái tháo đường.
Bệnh lý mạn tính, bệnh tự miễn
- Đa xơ cứng: Những người bị đau cơ xơ hóa đã được chứng minh là có nhiều khả năng mắc hội chứng ống cổ tay hơn những người khác. Những người mắc bệnh này bị đau dai dẳng, thường xuyên ở nhiều vùng khắp cơ thể, cũng như mệt mỏi, đau đầu, các vấn đề về đường ruột, trầm cảm, khó ngủ và các triệu chứng tổng quát khác.
- Xơ vữa động mạch gây thiếu máu.
- Hội chứng Guillain Barre: Triệu chứng điển hình đầu tiên là tình trạng viêm đa dây thần kinh cấp tính và tiến triển nhanh gây ra mất cảm giác và yếu cơ. Nguyên nhân do bệnh lý tự miễn gây tổn thương rễ thần kinh hủy myelin. Tê ngứa hay mất cảm giác trên vùng ngón tay, ngón chân hoặc cả hai.
- Hội chứng Raynaud gây co thắt động mạch làm giảm lưu lượng máu đến tay.
- Hội chứng thần kinh cận ung thư (Paraneoplastic neurological syndromes).
- Hội chứng Sjogren.
- Suy giáp.
- Đột quỵ.
Bệnh truyền nhiễm
- Bệnh giang mai.
- Bệnh Lyme.
- Nhiễm trùng Herpes.
Do dùng thuốc
Một số thuốc điều trị ung thư hóa trị liệu hoặc thuốc điều trị HIV: Một số thuốc có thể gây ngứa ran và tê ở tay, triệu chứng sẽ hết khi ngưng thuốc.
Các nguyên nhân khác
- Chấn thương, sai tư thế.
- Thiếu vitamin B12.
- Rối loạn nồng độ canxi, kali hoặc natri trong máu.
- Sử dụng rượu quá mức.
- Động vật hoặc côn trùng cắn.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tê bàn tay
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Tập thể dục hàng ngày
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng:
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
- Hạn chế uống rượu bia quá nhiều
- Không nên hút thuốc lá
- Bổ sung vitamin đầy đủ.
Phương pháp phòng ngừa tê bàn tay hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Kiểm soát đường huyết vì đái tháo đường (tiểu đường) có một trong những nguyên nhân dễ gây tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê tay.
- Thư giãn cơ tay nếu thường xuyên làm việc đánh máy tính liên tục.
- Tránh các chấn thương hay sai tư thế trong sinh hoạt công việc hàng ngày.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tê bàn tay
Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách hỏi tiền sử bệnh để xác định thời gian bị tê và các triệu chứng có thể xảy ra khác.
Xét nghiệm cận lâm sàng hoặc các chẩn đoán hình ảnh
Một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân, bao gồm:
- Công thức máu.
- Kiểm tra chức năng tuyến giáp.
- Kiểm tra nồng độ vitamin.
- Tìm độc chất học.
- Kiểm tra nồng độ điện giải.
Một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng như khối u và đột quỵ. Bao gồm các:
- Chụp CT đầu và cột sống.
- MRI đầu và cột sống.
- Siêu âm mạch cổ.
- Tia X.
- Chụp mạch để xem các mạch máu bên trong có bị tắc nghẽn không.
- Chọc dò thắt lưng để kiểm tra các rối loạn hệ thần kinh.
- Điện cơ để kiểm tra kích thích thần kinh.
Phương pháp điều trị tê bàn tay hiệu quả
Dùng thuốc
- Thuốc điều trị triệu chứng tê tay.
- Thuốc giảm đau, bao gồm cả NSAID.
- Thuốc giãn cơ.
- Thuốc điều trị bệnh lý nguyên nhân.
Không dùng thuốc
Châm cứu, bấm huyệt
Tê tay được mô tả trong chứng Ma mộc (tê bì). Trong đó tê (ma) là cấp độ nhẹ, cảm giác như kiến bò hoặc kim chích, bỏng rát, đau nhức, vẫn cảm nhận được kích thích, còn bì (mộc) là mức độ nặng hơn, không còn cảm giác, thường kèm theo yếu liệt, teo cơ, mất vận động.
Châm cứu, cấy chỉ tại các vị trí huyệt theo từng vùng:
- Vùng cổ vai: Giáp tích, Phong trì, Đại trữ, Kiên ngung, Kiên tỉnh, Kiên trinh, Khúc trì
- Vùng cẳng tay cánh tay: Khúc trì, Thủ tam lý, Xích trạch, Nội quan, Ngoại quan, Liệt khuyết
- Vùng cổ bàn tay: Dương khê, Hợp cốc, Bát tà, A thị huyệt
- Xoa bóp bấm huyệt chữa tê tay được ghi nhận góp phần hỗ trợ giảm triệu chứng này. Dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc, người bệnh có thể tự day ấn huyệt, thời gian 2 - 3 phút/huyệt. Nên kết hợp với xoa bóp trong 30 phút/lần/ngày, kéo dài 15 - 30 ngày hoặc đến khi bệnh ổn định.
Vật lý trị liệu
- Giữ ấm hoặc chườm lạnh.
- Liệu pháp siêu âm.
- Liệu pháp xoa bóp.
- Cố định (đeo nẹp).
- Tập vật lý trị liệu.
Chế độ ăn uống sinh hoạt
Dinh dưỡng cũng là một phần quan trọng trong phục hồi tổn thương dây thần kinh. Lựa chọn thực phẩm chứa nhiều vitamin nhóm B và Magie như thịt, cá, hạt, bơ, sữa, rau xanh…
Phẫu thuật
Phẫu thuật hiếm khi là phương pháp điều trị đầu tiên, nhưng đôi khi có thể cần thiết khi:
- Điều trị nội khoa không hiệu quả.
- Biến chứng yếu cơ, teo cơ, liệt.
- Tê liên quan bệnh lý tủy sống, Thoát vị đĩa đệm mức độ chèn ép thần kinh nghiêm trọng.