Tăng natri máu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tăng natri máu
Tăng natri máu là vấn đề liên quan đến đến nồng độ natri trong máu quá cao. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm lượng nước nhập vào không đủ hoặc mất nước. Natri đóng vai trò thiết yếu trong hỗ trợ các chức năng của cơ thể như hoạt động của cơ bắp, thần kinh và cân bằng nội môi. Tăng natri máu thường nhẹ và không cần điều trị. Nhưng những trường hợp từ trung bình đến nặng đôi khi có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.
Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng natri máu
Những người bị tăng natri máu nhẹ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt nếu nồng độ natri tăng từ từ.
Ở trẻ sơ sinh, tăng natri máu có thể gây ra các triệu chứng như sau:
- Tăng nhịp thở;
- Yếu cơ;
- Ngủ lịm;
- Mất ngủ;
- Quấy khóc;
- Hôn mê.
Ở người trưởng thành bị tăng natri máu có thể có một số loại triệu chứng khác nhau, như:
- Khát nước tăng dần;
- Buồn nôn và nôn;
- Bồn chồn;
- Yếu cơ.
Các triệu chứng của tăng natri máu sẽ nghiêm trọng hơn nếu mức natri tăng quá cao. Các triệu chứng cũng có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu người bệnh bị tăng natri máu đột ngột thay vì diễn tiến dần dần.
Nhìn chung, những người nhập viện vì tăng natri máu có nguy cơ xuất hiện biến chứng và tử vong cao hơn so với những người không bị tăng natri máu.
Một biến chứng có thể xảy ra của tăng natri máu là xuất huyết nội sọ (chảy máu bên trong não). Điều này có thể xảy ra khi tình trạng tăng natri máu khiến các tế bào não co lại, làm tăng nguy cơ vỡ mạch máu bên trong não. Đây là biến chứng tiềm ẩn nghiêm trọng nhất của tăng natri máu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hoặc cơ thể có những thay đổi khác không rõ nguyên nhân, bạn nên đến gặp bác sĩ vì đây có thể là triệu chứng của tăng natri máu hoặc các tình trạng bệnh lý khác.
Thông thường, người bệnh sẽ không nhận ra rằng họ mắc bệnh này cho đến khi bác sĩ khám hoặc xét nghiệm máu hoặc nước tiểu.
Những ai có nguy cơ mắc phải tăng natri máu?
Trẻ sơ sinh và người già dễ bị tăng natri máu nhất. Trẻ sơ sinh là đối tượng không thể tự kiểm soát lượng chất lỏng của mình. Chúng cũng có diện tích da lớn so với trọng lượng, khiến chúng dễ bị mất nước nhiều hơn. Trẻ cũng có thể dễ dàng bị mất nước do bệnh tiêu hoá hoặc nếu trẻ gặp khó khăn khi bú.
Người cao tuổi có xu hướng ít nhạy cảm hơn với cảm giác khát, giảm khả năng cô đặc nước tiểu và giảm lượng nước dự trữ. Họ cũng có thể có thêm các tình trạng bệnh lý làm tăng nguy cơ hoặc họ có thể dùng các loại thuốc có tác dụng phụ tiềm ẩn gây tăng natri máu.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tăng natri máu
Một số tình trạng bệnh lý cũng làm tăng nguy cơ tăng natri máu, bao gồm:
- Mất nước;
- Tiêu chảy nặng;
- Nôn;
- Sốt;
- Bệnh sa sút trí tuệ;
- Sử dụng một số loại thuốc;
- Bệnh đái tháo đường kiểm soát kém;
- Bỏng lớn trên da;
- Bệnh thận;
- Bệnh đái tháo nhạt.
Nguyên nhân dẫn đến tăng natri máu
Tăng natri máu thường do mất nước trong cơ thể. Điều này có thể xảy ra do lượng nước nhập vào giảm hoặc lượng nước mất đi tăng lên. Hiếm gặp hơn, tăng natri máu có thể xảy ra khi người bệnh dùng quá nhiều natri (trường hợp những người bệnh nhập viện được truyền dịch có chứa quá nhiều natri).
Lượng nước nhập không đủ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đơn giản là nước có thể không có sẵn. Hoặc vì nhiều lý do khác nhau, một người có thể không uống nhiều như mức cơ thể cần. Điều này có thể xảy ra, ví dụ:
- Bệnh sa sút trí tuệ (Dementia);
- Trầm cảm nặng hoặc rối loạn tâm thần khác;
- Thuốc an thần;
- Rối loạn não ảnh hưởng đến cảm giác khát và sản xuất ADH (ví dụ bệnh Parkinson, u não).
Cơ thể mất nước nhiều hơn cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, vì lượng nước thừa sẽ thoát ra ngoài qua đường tiêu hóa, nước tiểu hoặc qua các con đường khác. Chúng có thể bao gồm:
- Tiêu chảy;
- Nôn;
- Sốt;
- Đổ mồ hôi quá nhiều;
- Bỏng nặng;
- Thở rất nhanh;
- Thuốc lợi tiểu;
- Các loại bệnh thận di truyền và mắc phải;
- Đường huyết tăng cao (ví dụ như bệnh đái tháo đường tuýp 2 không được điều trị);
- Cường aldosteron;
- Bệnh đái tháo nhạt.
Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây tăng natri máu như lithium, phenytoin và amphotericin.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tăng natri máu
Chế độ sinh hoạt:
- Theo dõi lượng nước tiểu: Theo dõi lượng nước tiểu để đảm bảo bạn không mất nước quá nhiều. Điều này có thể giúp đo lường cân bằng nước và đề phòng tình trạng mất nước nghiêm trọng.
- Kiểm soát các bệnh lý cơ bản: Điều trị các bệnh lý cơ bản có thể góp phần vào tăng natri máu. Ví dụ, nếu tăng natri máu là do đái tháo đường, bạn cần kiểm soát đường huyết. Hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về điều trị các bệnh lý liên quan.
- Theo dõi triệu chứng và thường xuyên kiểm tra: Theo dõi triệu chứng của tăng natri máu và thực hiện các xét nghiệm máu thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra mức độ natri trong cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng:
- Giảm lượng natri trong khẩu phần ăn: Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều natri, bao gồm muối, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và thực phẩm đóng hộp. Đọc nhãn dán trên các sản phẩm để kiểm tra lượng natri có trong đó.
- Tăng cường tiêu thụ nước: Uống đủ nước để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể. Uống nước chín, nước lọc hoặc nước không chứa natri. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước cần uống hàng ngày cho trường hợp của bạn.
- Tăng cường lượng nước trong thực phẩm: Tiêu thụ các thực phẩm giàu nước như trái cây tươi, rau xanh, nước ép trái cây không đường, và súp lỏng để cung cấp nước cho cơ thể.
Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe và đáp ứng nhu cầu cụ thể của bạn.
Phòng ngừa tăng natri máu
Tăng natri máu có thể là một hậu quả từ bệnh lý khác cần được điều trị.
Để ngăn ngừa tăng natri máu, bạn có thể:
- Uống nhiều nước để cơ thể có đủ nước.
- Tăng lượng nước nhập vào khi cần thiết, ở vùng khí hậu nóng hoặc trong khi hoạt động thể chất ra nhiều mồ hôi.
- Có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
- Đảm bảo các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như như bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận, được quản lý tốt.

Lượng natri nhập vào cao thường không gây tăng natri máu, trừ khi lượng natri nhập vào quá mức hoặc người bệnh có một số bệnh lý nền khác. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều natri có thể gây ra các tác động tiêu cực khác, bao gồm cả tăng huyết áp.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm tăng natri máu
Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây tăng natri máu là do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như bệnh thận hoặc đái tháo đường.
Bác sĩ có thể bắt đầu quá trình chẩn đoán bằng cách hỏi về bệnh sử của người bệnh và khám sức khoẻ. Nếu nghi ngờ tăng natri máu, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu hoặc nước tiểu.

Điều trị tăng natri máu
Tất cả các phương pháp điều trị tăng natri máu đều liên quan đến việc điều chỉnh cân bằng nội môi và natri trong cơ thể.
Các cách tiếp cận điều trị rất khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Ví dụ, nếu người bệnh tăng natri máu do kiểm soát bệnh đái tháo đường kém, bác sĩ sẽ đề xuất những cách để giúp người bệnh điều chỉnh đường huyết của mình.
Việc điều trị có thể bao gồm:
- Uống nhiều nước hơn;
- Quản lý lượng dịch xuất nhập;
- Bác sĩ theo dõi nồng độ natri trong máu.