Rỗng tủy sống: Bệnh lý thần kinh hiếm gặp


Rỗng tủy sống là tình trạng một hốc chứa dịch não tủy được gọi là ống tủy hình thành bên trong tủy sống của bạn. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng đa dạng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Cần chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh để có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị và quản lý các triệu chứng và bệnh tốt giúp bệnh tiến triển chậm và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rỗng tủy sống

Các triệu chứng của bệnh rỗng ống tủy thường xuất hiện chậm và trầm trọng hơn trong nhiều năm. Một số trường hợp có thể có hốc trong thời gian dài mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng khác nhau tùy theo vị trí hình thành của hốc dọc theo cột sống, kích thước và thời gian xuất hiện của nó. Các triệu chứng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên cơ thể và ở mức độ nhẹ hoặc nặng.

Các triệu chứng của rỗng ống tủy bao gồm:

  • Đau đầu dữ dội dưới chẩm, khởi phát đột ngột, tăng khi bạn gắng sức hay thay đổi tư thế đột ngột.
  • Khàn tiếng, khó nuốt, ho khi nuốt.
  • Rối loạn thị giác như sợ ánh sáng, nhìn đôi, mờ mắt.
  • Chóng mặt, ù tai, giảm thính lực.
  • Triệu chứng bệnh rễ thần kinh như đau lan xuống cánh tay, cổ, lưng hoặc lan xuống chân.
  • Yếu dần và teo cơ ở cánh tay và/hoặc chân của bạn, dấu hiệu bàn tay vuốt.
  • Co rút cơ hoặc căng cơ ở lưng, vai, cổ, cánh tay hoặc chân.
  • Giảm nhạy cảm với cơn đau hoặc nhiệt, nhất là ở bàn tay.
  • Tê hoặc ngứa ở cánh tay và/hoặc chân
  • Đi lại khó khăn và giảm khả năng thăng bằng.
  • Mất kiểm soát ruột và bàng quang.
  • Các vấn đề về chức năng tình dục.

Ngoài các triệu chứng trên, trẻ em có thể gặp một số triệu chứng khác như vẹo cột sống, đi nhón chân.

Rỗng tủy sống: Bệnh lý thần kinh hiếm gặp 4
Dấu hiệu bàn tay vuốt

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh rỗng tủy sống

Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, nếu không được điều trị sẽ gây các biến chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh như co cứng, có thể tiến triển thành liệt hai chân hoặc liệt tứ chi, loét do nằm, viêm phổi tái phát và rối loạn chức năng ruột và bàng quang.

Biến chứng chủ yếu của bệnh rỗng tủy sống đều do quá trình điều trị bệnh như rò dịch não tủy, nhiễm trùng, xuất huyết, rỗng tủy tái phát.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng nào kể trên hãy đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán sớm và điều trị để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh rỗng tủy sống

Phần lớn những người mắc bệnh rỗng tủy sống được chẩn đoán ở độ tuổi từ 20 đến 50, nhưng vẫn có thể phát triển ở trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh rỗng tủy sống

  • Tiền sử chấn thương sọ não hoặc chấn thương tủy sống;
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh rỗng tủy sống;
  • Tiền sử mắc bệnh sarcoidosis, viêm tủy cắt ngang, xơ cứng rải rác.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh rỗng tủy sống

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh rỗng tủy sống được cho là do tắc nghẽn hoặc gián đoạn đường đi của dịch não tủy. Có hai nhóm nguyên nhân chính liên quan đến bệnh rỗng tủy sống gồm bẩm sinh (từ khi sinh ra) và mắc phải.

Bệnh rỗng ống tủy bẩm sinh

Phần lớn các trường hợp bệnh rỗng tủy sống bẩm sinh có liên quan đến dị tật Chiari loại 1, xảy ra khi phần dưới của tiểu não của bạn chui vào lỗ lớn ở đáy hộp sọ nơi tủy sống đi qua gây cản trở đường đi của dịch não tủy. Những người mắc dị tật Chiari loại 1 có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi trưởng thành.

Các nguyên nhân khác gây rỗng ống tủy bẩm sinh:

  • Thoát vị tủy - màng tủy: Là một dị tật bẩm sinh, cột sống và ống không đóng lại trước khi sinh.
  • Hội chứng trói buộc tủy.

Bệnh rỗng tủy sống mắc phải

  • Chấn thương tủy sống: Bệnh rỗng tủy sống do chấn thương tủy sống còn được gọi là bệnh rỗng tủy sống hậu chấn thương. Bệnh có thể phát triển trong vài tháng đến nhiều năm sau chấn thương. Nguyên nhân thường do tích tụ mô sẹo gây tắc nghẽn đường đi của dịch não tủy.
  • Khối u tủy sốngCác khối u ở tủy sống như U nguyên bào mạch máu và U màng nội tủy gây cản trở lưu thông bình thường của dịch não tủy.
  • Viêm màng nhện: Màng nhện là một trong những màng bao quanh và bảo vệ tủy sống của bạn. Viêm màng nhện có thể gây bệnh rỗng tủy sống. Tình trạng viêm này có thể do bệnh sarcoidosis, viêm tủy cắt ngang, xơ cứng rải rác gây ra.
  • Viêm màng não: Màng não là lớp màng bao bọc quanh não giúp bảo vệ não. Viêm màng não có thể gây ra bệnh rỗng tủy sống.

Nếu như bệnh rỗng tủy sống phát triển mà không tìm được nguyên nhân thì sẽ được gọi là bệnh rỗng tủy sống vô căn.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh rỗng tủy sống

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh gắng sức, rặn khi đi tiêu, ho, hắt hơi vì có thể làm trầm trọng bệnh;
  • Tránh nâng tạ, mang vác nặng;
  • Tránh căng thẳng, tránh chơi các trò chơi cảm giác mạnh;
  • Tránh các môn thể thao dễ va chạm như bóng đá, có thể bơi lội, đạp xe tại chỗ, yoga;
  • Nếu bạn điều trị bằng phẫu thuật, hãy theo dõi tình trạng vết mổ có nhiễm trùng, có dịch mủ nào chảy ra hay không.
  • Vận động và tập luyện tránh cứng khớp, teo cơ;
  • Giữ tinh thần lạc quan và thường xuyên trò chuyện với người thân hay bạn bè.
Rỗng tủy sống: Bệnh lý thần kinh hiếm gặp 7
Tránh nâng tạ, mang vác nặng

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ các chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế các thức ăn dầu mỡ hay chế biến sẵn.
  • Uống đủ nước trong ngày.

Phương pháp phòng ngừa bệnh rỗng tủy sống hiệu quả

Bệnh rỗng tủy sống thường không thể phòng ngừa được nhưng việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng tiến triển trầm trọng gây biến chứng nguy hiểm. 

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh rỗng tủy sống

Để chẩn đoán bệnh rỗng tủy sống, bác sĩ sẽ tập trung khai thác bệnh sử xuất hiện các triệu chứng và tiền sử các bệnh đã và đang mắc. Khám thần kinh để kiểm tra các triệu chứng vận động, cảm giác, thị giác,…

Nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh rỗng tủy sống, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là xét nghiệm giúp nhìn rõ giải phẫu đứng và ngang của ống tủy từ đó bác sĩ có thể xác định vị trí, kích thước, độ giãn của hốc. MRI cũng giúp loại trừ các tổn thương như u cột sống.
  • MRI động: Loại MRI này có thể cho thấy dòng chảy của dịch não tủy xung quanh tủy sống của bạn và trong ống tủy.
  • Chụp tủy đồ bằng CT-scan độ nhạy cao: Được chỉ định khi bạn chống chỉ định với MRI (như cấy ghép kim loại, máy tạo nhịp).

Điện cơ không có giá trị trong chẩn đoán bệnh rỗng tủy sống nhưng nó giúp loại trừ bệnh thần kinh ngoại biên gây dị cảm.

Rỗng tủy sống: Bệnh lý thần kinh hiếm gặp 5
MRI là xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất

Phương pháp điều trị bệnh rỗng tủy sống

Việc điều trị bệnh rỗng tủy sống sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tiến triển của các triệu chứng. Bác sĩ thường không điều trị nếu bệnh không gây ra triệu chứng nào. Mục tiêu điều trị cho người mắc bệnh rỗng tủy sống gồm:

  • Điều trị nguyên nhân gây bệnh nếu có thể;
  • Quản lý tốt các triệu chứng;
  • Ngăn ngừa tổn thương thêm cho tủy sống bằng cách khôi phục lại đường đi sinh lý của dịch não tủy.

Các liệu pháp chung để kiểm soát các triệu chứng bao gồm:

  • Quản lý cơn đau bằng thuốc;
  • Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng;
  • Hạn chế một số hoạt động nhất định, đặc biệt là những tư thế tác động xấu cho cột sống của bạn như nâng vật nặng và nhảy.

Điều trị nguyên nhân gây bệnh và ngăn ngừa tổn thương thêm cho tủy sống thường bằng phẫu thuật. Khi các triệu chứng hoặc ống tủy ngày càng giãn rộng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Hai loại phẫu thuật chung nhằm phục hồi đường đi bình thường của dịch não tủy xung quanh tủy sống và dẫn lưu trực tiếp ống tủy. Phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng. Bao gồm:

  • Điều trị dị tật Chiari: Nhằm cung cấp thêm không gian cho đáy sọ và phần cổ trên giúp giảm áp lực lên não và tủy sống và khôi phục lại dòng chảy của dịch não tủy. Phẫu thuật thường được sử dụng là phẫu thuật giải áp hố sau.
  • Điều trị bệnh rỗng tủy hậu chấn thương: Mục tiêu của phẫu thuật nhằm ngăn chặn ống tủy giãn rộng thêm. Phẫu thuật được sử dụng là phẫu thuật tạo hình màng cứng mở rộng nhằm loại bỏ mô sẹo xung quanh tủy sống .
  • Loại bỏ tắc nghẽn: Phẫu thuật loại bỏ mô sẹo, xương từ ống sống hoặc khối u có thể giúp khôi phục dòng chảy bình thường của dịch não tủy. Nếu một khối u gây ra bệnh rỗng tủy sống khi loại bỏ khối u sẽ giúp điều trị khỏi được bệnh rỗng tủy sống. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần xạ trị để thu nhỏ khối u.
  • Rút dịch hốc tủy: Nếu không xác định được nguyên nhân gây ra rỗng tủy sống, bác sĩ có thể đề nghị rút dịch ống tủy nhất là khi bệnh đang tiến triển.

Các phương pháp phẫu thuật bệnh rỗng tủy sống thường giúp cải thiện các triệu chứng và ổn định tình trạng cho người bệnh. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái phát trở lại dù đã điều trị thành công.

Rỗng tủy sống: Bệnh lý thần kinh hiếm gặp 6
Rút dịch hốc tủy



Chat with Zalo