Rối loạn nhân cách phân liệt: Dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị
Rối loạn nhân cách phân liệt là một tình trạng sức khỏe tâm thần được biểu hiện bằng sự tách biệt và không quan tâm đến các mối quan hệ xã hội. Cũng giống như những tình trạng sức khỏe tâm thần khác, bạn cần tìm đến sự giúp đỡ ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách phân liệt
Đặc điểm chính của rối loạn nhân cách phân liệt là thiếu sự nhất quán, tách biệt và không quan tâm đến việc hình thành và duy trì các mối quan hệ xã hội. Một người có tính cách rối loạn nhân cách phân liệt thường:
- Không muốn hoặc không thích những mối quan hệ thân thiết, ngay cả với các thành viên trong gia đình.
- Chọn những sở thích, hoạt động và công việc mang tính chất đơn độc.
- Có ít hoặc không có ham muốn tình dục.
- Hiếm khi thể hiện cảm xúc mạnh mẽ.
- Có sự thờ ơ rõ ràng với lời khen ngợi hoặc chỉ trích của người khác.
- Không có bạn thân ngoại trừ người thân thế hệ thứ nhất như bố mẹ, anh chị em ruột.
- Khó khăn trong việc liên hệ với người khác.
- Có thể mơ mộng và/hoặc tạo ra những tưởng tượng sống động về đời sống nội tâm phức tạp.

Tác động của rối loạn nhân cách phân liệt đối với sức khỏe
Những người bị rối loạn nhân cách có lối suy nghĩ và hành động khác với những gì xã hội cho là bình thường. Tính cách cứng nhắc của những người mắc bệnh có thể gây ra nhiều đau khổ và cản trở người mắc tham gia nhiều lĩnh vực của cuộc sống bao gồm hoạt động xã hội và trong công việc. Người mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt có kỹ năng ứng phó kém và khó hình thành các mối quan hệ lành mạnh.
Biến chứng có thể gặp khi mắc rối loạn nhân cách phân liệt
Thiếu tương tác xã hội là biến chứng chính của rối loạn nhân cách phân liệt. Người mắc hiếm khi sử dụng bạo lực vì họ không thích giao tiếp với mọi người. Các tình trạng bệnh khác có thể xảy ra đồng thời như rối loạn tâm trạng, rối loạn lo âu và các rối loạn nhân cách khác.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn hoặc người xung quanh có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nêu trên, hãy đi khám ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác. Điều trị sớm bệnh giúp giảm triệu chứng, ổn định cuộc sống của bạn.
Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn nhân cách phân liệt?
Hầu hết các rối loạn nhân cách bắt đầu ở tuổi thiếu niên khi nhân cách phát triển và trưởng thành hơn nữa. Nhưng những người mắc rối loạn nhân cách phân liệt có thể biểu hiện các dấu hiệu của tình trạng này ở độ tuổi sớm hơn.
Rối loạn nhân cách phân liệt phổ biến hơn ở nam giới. Rối loạn nhân cách phân liệt tương đối hiếm gặp.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Rối loạn nhân cách phân liệt
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn nhân cách phân liệt là:
- Yếu tố di truyền: Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể có mối liên hệ di truyền giữa bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn nhân cách phân liệt. Ngoài ra, một số đặc điểm của rối loạn phổ tự kỷ giống với rối loạn nhân cách phân liệt, vì vậy các nhà nghiên cứu cho rằng có thể tồn tại mối quan hệ di truyền giữa hai bệnh này.
- Yếu tố môi trường: Một số nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt thường đến từ những môi trường thiếu sự nuôi dưỡng cảm xúc. Việc có những người chăm sóc lạnh lùng, bỏ bê và tách biệt trong thời thơ ấu có thể góp phần vào sự phát triển của chứng rối loạn nhân cách phân liệt.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách phân liệt
Rối loạn nhân cách phân liệt là một trong những tình trạng sức khỏe tâm thần ít được hiểu rõ nhất. Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm ra nguyên nhân chính xác của chúng. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những yếu tố di truyền và môi trường có thể góp phần phát triển bệnh.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của rối loạn nhân cách phân liệt
Chế độ sinh hoạt:
- Cố gắng mở lòng với những người xung quanh.
- Nếu phát hiện mắc bệnh, hãy tuân thủ điều trị của bác sĩ.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress.
- Ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn đủ bữa, đủ dinh dưỡng.
- Ưu tiên chế độ ăn lành mạnh với nhiều rau củ quả, hạn chế thức ăn chế biến sẵn và dầu mỡ.
- Uống đủ nước trong ngày.

Phòng ngừa rối loạn nhân cách phân liệt
Rối loạn nhân cách phân liệt không thể phòng ngừa được nhưng việc điều trị có thể cho phép bạn biết cách phòng ngừa hiệu quả để không tái phát bệnh bằng cách thay đổi những suy nghĩ và hành vi không có ích.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn nhân cách phân liệt
Tính cách tiếp tục phát triển trong suốt thời thơ ấu, thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành sớm. Vì điều này, bác sĩ thường không chẩn đoán một người mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt cho đến sau 18 tuổi.
Rối loạn nhân cách phân liệt có thể khó chẩn đoán vì hầu hết những người mắc chứng rối loạn nhân cách đều không nghĩ rằng có vấn đề với hành vi hoặc cách suy nghĩ và không nghĩ rằng mình cần phải thay đổi hành vi.
Nếu họ tìm kiếm sự giúp đỡ, thường là do nhiều tình trạng tồn tại cùng lúc, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm chứ không phải chỉ có một mình rối loạn đó. Khi bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học nghi ngờ một người mắc rối loạn nhân cách phân liệt, bác sĩ sẽ đặt ra các câu hỏi về lịch sử thời thơ ấu, các mối quan hệ xung quanh, đặc điểm công việc, các trải nghiệm thực tế.
Vì một người mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt có thể thiếu hiểu biết về hành vi của họ nên các chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ trao đổi thêm với gia đình và bạn bè của họ để có thể thu thập thêm thông tin về hành vi của họ.

Điều trị rối loạn nhân cách phân liệt
Rối loạn nhân cách phân liệt ít được nghiên cứu, do đó có rất ít lựa chọn trong điều trị và ít nghiên cứu chứng minh hiệu quả của những phương pháp đó. Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị được lựa chọn cho các rối loạn nhân cách, nhưng điều này có thể khó khăn đối với những người mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt vì những người mắc bệnh có xu hướng tránh xa những trải nghiệm cảm xúc. Và do thiếu sự quan tâm đến người xung quanh nên những người này thường không có động lực để thay đổi.
Các loại tâm lý trị liệu có thể mang lại lợi ích cho người mắc nếu được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt:
- Liệu pháp gia đình: Nhằm hiểu được sự kỳ vọng của gia đình đối với các mối quan hệ và giải quyết mọi hành vi của phía gia đình có thể khiến việc rút lui của người đó trở nên tồi tệ hơn.
- Liệu pháp nhóm: Là liệu pháp mà một nhóm người gặp nhau để mô tả và thảo luận các vấn đề của họ cùng nhau dưới sự giám sát của nhà trị liệu hoặc nhà tâm lý học. Liệu pháp nhóm có thể giúp người mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt phát triển các kỹ năng xã hội.
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Nhà trị liệu hoặc bác sĩ tâm lý sẽ giúp bạn xem xét kỹ hơn suy nghĩ và cảm xúc của mình để hiểu được suy nghĩ có ảnh hưởng đến hành động như thế nào. Đối với người mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt, nhà trị liệu có thể khám phá được những kỳ vọng và nhận thức lệch lạc về tầm quan trọng và hữu ích của mối quan hệ với người khác.
Thuốc thường không được sử dụng để điều trị rối loạn nhân cách phân liệt. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê thêm thuốc điều trị cho người mắc nếu họ có thêm các vấn đề tâm lý liên quan như trầm cảm.