Gout cấp tính là gì? Những vấn đề cần biết về gout cấp tính
Bệnh gout là một dạng viêm khớp gây đau nhiều cho người mắc bệnh. Khi cơ thể bạn dư thừa axit uric, các tinh thể này lắng đọng bên trong các khớp hình thành có nốt trắng cứng. Các triệu chứng như sưng, nóng đỏ và đau nhiều xuất hiện trong các đợt bùng phát được là cơn gout cấp. Điều trị bệnh thường là sự kết hợp giữa giảm bớt triệu chứng sưng đau và thay đổi chế độ ăn uống nhằm giảm các đợt tái phát trong tương lai.
Những dấu hiệu và triệu chứng của gout cấp tính
Các cơn gout cấp thường xảy ra đột ngột buổi đêm. Khi cơn gout cấp tính xuất hiện, các triệu chứng toàn thân hay tại khớp bạn có thể gặp phải bao gồm:
- Đau nhức dữ dội: Cơn đau có thể trầm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu sau khi bắt đầu.
- Các khớp sưng, nóng đỏ: Da phía ngoài có thể trở nên căng, nóng, bóng và đỏ hoặc hơi tím. Các cơn gout đầu tiên thường chỉ ảnh hưởng đến một khớp và chỉ kéo dài vài ngày. Các cơn gout về sau có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng lúc hoặc tuần tự và kéo dài đến trên 3 tuần nếu không được điều trị. Các cơn tiếp theo phát triển tăng dần xen kẽ những đợt không triệu chứng ngắn. Cuối cùng, nhiều đợt gout có thể xảy ra mỗi năm. Nếu không điều trị bệnh nhân có thể bị viêm khớp biến dạng mạn tính do bệnh gút có hạt do lắng đọng urat liên tục.
- Hạt tophi: Các hạt tophi có thể sờ thấy xuất hiện ở những bệnh nhân bị bệnh gút (thường gặp là các cơn gout cấp trên bệnh nhân gout mạn tái phát thường xuyên) và hiếm gặp ở bệnh nhân mới bị gout cấp. Chúng thường có màu vàng hoặc trắng, dạng nhú hoặc hạt, đơn độc hoặc nhiều hạt. Chúng có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau, thường là các ngón tay, bàn tay, bàn chân, và xung quanh gân mỏm khuỷu hoặc gân Achille. Hạt tophi có thể vỡ qua da, chảy ra ngoài các tinh thể urat trắng như vữa. Hạt tophi trong và quanh khớp có thể gây ra biến dạng khớp và thoái hóa khớp thứ phát.
- Hạn chế vận động: Khi bệnh gout tiến triển, bạn có thể không thể cử động khớp bình thường.
- Sốt, nhịp tim nhanh, ớn lạnh và mệt mỏi đôi khi xảy ra.
![Gout cấp tính là gì? Những vấn đề cần biết về gout cấp tính 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/gout_cap_tinh_4_630c065e40.jpg)
Tác động của gout cấp tính đối với sức khỏe
Các cơn gout cấp ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người mắc bởi trình trạng viêm khớp nặng nề dẫn đến đau đớn, mất ngủ, mất khả năng sinh hoạt bình thường của người mắc bệnh.
Biến chứng có thể gặp khi mắc gout cấp tính
Các biến chứng của bệnh gout là viêm khớp dẫn đến biến dạng khớp, dính khớp, đau, hạn chế khả năng vận động. Những người mắc bệnh gout có thể phát triển các tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Sỏi thận: Tinh thể urat có thể tích tụ trong đường tiết niệu của người bị bệnh gout và gây sỏi thận (sỏi tiết niệu với các sỏi axit uric hoặc sỏi canxi oxalat). Thuốc có thể giúp giảm nguy cơ sỏi thận ở những bệnh nhân mắc gout.
- Tắc nghẽn thận và nhiễm trùng, với bệnh ống thận kẽ thứ phát. Rối loạn chức năng thận tiến triển không được điều trị, hầu hết liên quan đến bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc một số nguyên nhân khác của bệnh thận, làm giảm bài tiết urat, dẫn đến làm tăng sự lắng đọng tinh thể trong các mô.
- Bệnh tim mạch, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và hội chứng chuyển hóa rối loạn lipid máu thường gặp ở bệnh nhân gút.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị đau đột ngột và dữ dội ở khớp, kèm có sự lắng đọng các tinh thể màu trắng thì đó nhiều khả năng bạn đã mắc bệnh gout. Bệnh gout không được điều trị có thể dẫn đến đau nặng hơn và tổn thương khớp. Hãy đến gặp các bác sĩ để được điều trị ngay.
Những ai có nguy cơ mắc phải gout cấp tính?
Bệnh gout có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, bệnh gout thường xuất hiện ở giới nam và nữ tuổi mãn kinh. Bạn cũng có thể có nhiều khả năng mắc gout hơn nếu có ba mẹ hay anh chị em ruột mắc bệnh. Do có một số thể gout liên quan đến gen và gout bẩm sinh không liên quan chế độ ăn uống. Chế độ ăn nhiều thịt đỏ và uống nhiều rượu làm tăng purin nên dễ mắc gout hơn những người có chế độ ăn lành mạnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải gout cấp tính
Những cá nhân có một số đặc điểm khác đi kèm có nhiều khả năng mắc bệnh gout hơn chẳng hạn như:
- Thừa cân hoặc béo phì;
- Suy tim sung huyết;
- Bệnh tiểu đường;
- Tăng huyết áp;
- Bệnh thận;
- Ung thư máu.
Nguyên nhân dẫn đến gout cấp tính
Sự tích tụ axit uric dư thừa trong cơ thể sẽ gây ra bệnh gout. Cơ thể chúng ta tạo ra axit uric một cách tự nhiên trong quá trình phân hủy các purin có trong một số loại thực phẩm và đồ uống. Thận là nơi lọc axit uric ra khỏi máu và thải ra ngoài qua nước tiểu. Khi cơ thể bạn tạo ra quá nhiều axit uric vượt khả năng thải của thận hoặc thận giảm chức năng lọc (suy thận mạn) nên không loại bỏ nó khỏi máu đủ nhanh.
Khi nồng độ axit uric cao trong máu, các tinh thể axit uric có thể tích tụ và lắng đọng vào khớp của bạn. Các tinh thể sắc nhọn kết tụ lại với nhau và gây ra các cơn đau và các triệu chứng khác trong cơn gout cấp. Nồng độ axit uric cao tạm thời không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ phát triển bệnh gout. Nhiều người bị tăng axit uric máu nhưng không mắc bệnh gout.
![Gout cấp tính là gì? Những vấn đề cần biết về gout cấp tính 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/gout_cap_tinh_5_8beda04a99.jpg)
Ăn hoặc uống thực phẩm chứa nhiều purin có nhiều khả năng dẫn đến nồng độ axit uric cao trong cơ thể gây ra bệnh gút, bao gồm:
- Đồ uống có đường và đồ ngọt: Đường phân hủy thành axit uric. Bất kỳ thực phẩm hoặc đồ uống nào có hàm lượng đường cao đều có thể gây ra bệnh gout. Các thực phẩm đóng gói và đồ ăn nhẹ đã qua chế biến có thể có hàm lượng đường fructose cao.
- Rượu: Rượu bia cũng là một trong những loại thực phẩm chứa purin ngoài ra rượu sẽ làm giảm khả năng đào thải acid uric do cơ thể đang ưu tiên đào thải cồn dẫn đến nồng độ acid uric tăng cao hơn.
- Thịt nội tạng và thịt đỏ: Chúng bao gồm gan, lòng, não và thận. Các món đặc sản như ngỗng, thịt bê, thịt nai, thịt bò, thịt cừu, thịt lợn và thịt xông khói đều chứa hàm lượng purin cao.
- Một số hải sản: Cá trích, sò điệp, trai, cá tuyết, cá ngừ, cá hồi và cá tuyết chấm đen.
- Nấm là loại thực phẩm từ thực vật chứa nồng độ purin cao, nếu bạn đang ở chế độ ăn kiêng và ăn chay nên chú ý không ăn quá nhiều nấm nhé.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến gout cấp tính
Chế độ sinh hoạt:
- Hoạt động thể chất: Người trưởng thành nên hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe 30 phút mỗi ngày trong 5 ngày một tuần. Hoạt động dù nhẹ hay bất kỳ hoạt động nào cũng tốt hơn là không có hoạt động nào trong ngày. Tăng cường hoạt động thể chất thường xuyên cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khác như bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường.
- Giảm cân: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là các khớp chịu trọng lượng như hông và đầu gối. Duy trì cân nặng khỏe mạnh, hợp lý có thể giảm đau, cải thiện chức năng các khớp và làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp.
- Bảo vệ khớp: Chấn thương khớp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tại khớp hay làm trầm trọng thêm tình trạng viêm khớp. Chọn các hoạt động dễ dàng và phù hợp cho khớp của bạn như đi bộ, đi xe đạp và bơi lội,... Những hoạt động này ít có nguy cơ chấn thương và không gây vặn xoắn hoặc gây quá nhiều áp lực lên khớp.
- Uống nhiều nước từ 2 - 3 lít mỗi ngày, nước lọc hoặc các nước chứa kiềm để tăng đào thải acid uric.
Chế độ dinh dưỡng: Hạn chế tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có hàm lượng purin cao và đồ chứa cồn như rượu bia.
Phương pháp phòng ngừa gout cấp tính hiệu quả
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh gout là hạn chế tần suất tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có hàm lượng purin cao.
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm căng thẳng cho khớp và giảm nguy cơ béo phì, giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh gout.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán gout cấp tính
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh gout bằng cách khai thác một số triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Các bác sĩ thường hỏi bạn về đặc điểm các triệu chứng bạn gặp phải đồng thời thăm khám lâm sàng. Hãy cung cấp đầy đủ các triệu chứng như đau và sưng ở khớp cũng như tần suất các triệu chứng xuất hiện để các bác sĩ có thể chẩn đoán nhanh chóng hơn.
Các bác sĩ có thể sử dụng cận lâm sàng như xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân gây viêm khớp mà không phải gout hay hình ảnh học để nhìn rõ các khớp bị tổn thương. Những xét nghiệm này cũng có thể cho thấy bất kỳ thay đổi nào ở khớp do gout gây ra. Các cận lâm có thể được sử dụng bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu: Đánh số số lượng bạch cầu, hồng cầu trong máu. CRP đánh giá phản ứng viêm, tốc độ máu lắng, định lượng acid uric trong máu, chức năng gan thận.
- Xét nghiệm dịch khớp: Có thể xác định chẩn đoán bằng cách tìm ra tinh thể urat nằm tự do trong dịch khớp hoặc bị thực bào bởi các bạch cầu.
- X-quang khớp: Tìm các vết bào mòn xương hoặc tophi.
- Siêu âm khớp: Có độ nhạy cao hơn chụp X-quang để chẩn đoán bệnh gút. Sự lắng đọng urat trên sụn khớp (dấu hiệu đường đôi) và các hạt tophi trên lâm sàng là những dấu hiệu đặc trưng.
- Chụp CT năng lượng kép (DECTs): Phát hiện lắng đọng axit uric, trong trường hợp chẩn đoán chưa xác định dựa trên tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm máu, nếu không thể thực hiện hút và phân tích dịch khớp.
![Gout cấp tính là gì? Những vấn đề cần biết về gout cấp tính 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/gout_cap_tinh_6_f126d6d1c2.jpg)
Phương pháp điều trị gout cấp tính hiệu quả
Điều trị bệnh gout thường là sự kết hợp giữa việc kiểm soát các triệu chứng của bạn trong thời gian bùng phát và giảm mức độ tiêu thụ các loại thực phẩm có hàm lượng purin cao.
Thuốc điều trị bệnh gout
Các thuốc điều trị giảm đau có thể kể đến là:
NSAID: NSAID như ibuprofen và naproxen, có thể làm giảm đau và sưng khi có cơn gout cấp xuất hiện. Một số người mắc bệnh thận, viêm dạ dày và các vấn đề sức khỏe khác không nên dùng NSAID kéo dài bởi các tác dụng không mong muốn của nó.
Colchicine: Colchicine là thuốc có thể làm giảm viêm và đau nhanh chóng nếu bạn dùng thuốc trong vòng 24 giờ đầu xuất hiện các triệu chứng gout cấp tính.
Corticosteroid: Corticosteroid là thuốc giúp giảm tình trạng viêm tại các khớp, từ đó giảm đau. Các thuốc này có thể dùng đường uống, cũng có thể dùng tiêm vào các khớp bị ảnh hưởng hoặc vào cơ gần khớp.
Các thuốc để giúp giảm nồng độ axit uric: Bao gồm allopurinol, febuxostat, pegloticase, probenecid.
Phòng ngừa các cơn bộc phát gút cấp tái phát bằng colchicine hoặc một NSAID uống hàng ngày.
Điều trị đồng thời tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, tăng lipid máu, béo phì và tránh chế độ ăn dư thừa purin.
![Gout cấp tính là gì? Những vấn đề cần biết về gout cấp tính 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/gout_cap_tinh_7_68fb64309b.png)
Chế độ ăn ít purine
Chế độ ăn ít purine khuyến khích tiêu thụ ít thực phẩm và đồ uống có hàm lượng purine cao như thịt đỏ, hải sản, rượu, nấm,...
Điều này sẽ giúp giảm axit uric hình thành bên trong cơ thể.