Đau cổ tay là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa
Đôi tay hoạt động quá mức trong thời gian dài là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho khớp bàn tay bị tổn thương, dẫn đến các cơn đau cổ tay và viêm dây chằng cổ tay. Nếu không tiến hành điều trị, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng như hiệu suất công việc.
Những dấu hiệu và triệu chứng của đau cổ tay
Chấn thương cổ tay
Sưng, bầm tím hoặc biến dạng khớp gần cổ tay có thể là triệu chứng của gãy xương, viêm gân, rách gân hoặc dây chằng. Cũng có khả năng dây thần kinh hoặc mô xung quanh cổ tay bị thương, ngay cả khi xương không bị tổn thương.
Viêm khớp dạng thấp: Bệnh gây viêm khớp dẫn đến đau, sưng đỏ, xơ cứng và sưng khớp, phần lớn là khớp cổ tay, ngón tay, khớp bàn chân và khớp gối. Những triệu chứng khác bao gồm: bỏng hoặc ngứa mắt, mệt mỏi, nổi nhọt ở chân, chán ăn, ngứa ran và tê, nhịp thở ngắn, nốt sần da, yếu và sốt cao.
Thoái hóa khớp: Các cơn đau sẽ tăng đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi, đau tăng khi thực hiện những thao tác ở cổ tay như cầm nắm đồ vật. Kèm theo các triệu chứng cứng khớp, hạn chế vận động khớp cổ tay.
Hội chứng ống cổ tay: Người bệnh sẽ bị đau ở vùng khuỷu tay, vai và cổ tay, đau hay tê b ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa hay một phần ngón áp út. Ở một số trường hợp, tê bì và đau có thể lan đến toàn bộ bàn tay hay thậm chí lên đến cẳng tay.
Chấn thương sụn và xương dưới sụn: thời gian đầu rất khó phát hiện vì không có triệu chứng rõ rệt, đến khi người bệnh cảm thấy đau nhức thì sụn khớp đã có thể bị nứt vỡ hay phần xương dưới sụn bị xơ hóa.
Hội chứng De Quervain: khiến người bệnh bị đau cổ tay và phần dưới cẳng tay (ngay ngón tay cái). Hoạt động cổ tay thường xuyên sẽ khiến cơn đau nặng hơn.
Biến chứng có thể gặp khi mắc đau cổ tay
Đau cổ tay nếu không được khám và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng teo cơ, thậm chí là tàn phế, mất khả năng lao động.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Những ai có nguy cơ mắc phải đau cổ tay?
Vận động viên;
Nhân viên văn phòng;
Người thừa cân hay béo phì;
Người bị bệnh xương khớp;
Người lớn tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau cổ tay
Đau cổ tay có thể xảy ra với bất kỳ ai - dù bạn rất ít vận động, rất năng động hay ở đâu đó ở giữa. Nhưng nguy cơ có thể tăng lên do:
- Tham gia thể thao: Chấn thương cổ tay thường gặp ở nhiều môn thể thao, cả những môn liên quan đến va chạm và những môn liên quan đến áp lực lặp đi lặp lại lên cổ tay. Những môn này có thể bao gồm bóng đá, bowling, golf, thể dục dụng cụ, trượt tuyết và quần vợt.
- Công việc lặp đi lặp lại: Hầu như bất kỳ hoạt động nào liên quan đến bàn tay và cổ tay của bạn, ngay cả đan lát và cắt tóc, nếu thực hiện đủ mạnh và thường xuyên đều có thể dẫn đến đau cổ tay tàn tật.
- Một số bệnh hoặc tình trạng nhất định: Mang thai, tiểu đường, béo phì, viêm khớp dạng thấp và bệnh gút có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.
Nguyên nhân dẫn đến đau cổ tay
Chấn thương cổ tay
Chấn thương cổ tay sau té ngã, một cú va đập mạnh hoặc khi chơi thể thao và sinh hoạt sai tư thế, đây một trong những loại chấn thương thường gặp nhất.
Viêm khớp dạng thấp
Đây là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể. Bệnh tấn công vào nhiều khớp cùng một lúc và xảy ra với các khớp đối xứng hai bên cơ thể như khớp bàn tay, cổ tay, đầu gối.
Thoái hóa khớp cổ tay
Thoái hóa khớp cổ tay là tình trạng tổn thương xương khớp mạn tính ở vùng sụn khớp, làm mòn sụn và hư hỏng dần. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên. Trong đó, nữ giới chiếm tỷ lệ cao, khoảng 2/3 số ca bệnh. Thoái hóa cổ tay là do quá trình lão hóa tự nhiên. Nguyên nhân gây bệnh còn là do quá trình làm việc nặng, các động tác lặp lại nhiều lần.
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng này xảy ra khi thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay, đay là tình trạng bệnh lý chèn ép dây thần kinh ngoại biên hay gặp nhất. Thần kinh giữa chi phối vận động và cảm giác vùng bàn ngón tay. Hội chứng ống cổ tay rất phổ biến ở giới văn phòng hoặc những đối tượng thường xuyên sử dụng máy vi tính, người chơi tennis, cầu lông, golf.
Chấn thương sụn và xương dưới sụn
Chấn thương sụn và xương dưới sụn là tổn thương thường gặp trong bệnh thoái hóa khớp gây ra triệu chứng đau cổ tay. Thoái hóa là một quá trình tự nhiên không thể tránh khỏi nhưng việc lặp lại các thao tác cử động cổ tay thường xuyên sẽ đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp cổ tay.
Hội chứng De Quervain
Xảy ra khi bao gân duỗi ngắn ngón cái và bao gân cơ dài ngón cái bị viêm. Đây là hai gân quan trọng dùng để chi phối vận động ngón cái. Phụ nữ nội trợ hay người thường xuyên cầm, nắm, vặn, xoay cổ tay và ngón cái có nguy cơ mắc hội chứng này.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau cổ tay
Chế độ sinh hoạt:
- Thực hiện các bài tập phục hồi ống cổ tay để tăng tuần hoàn và phục hồi chức năng dây thần kinh cổ tay;
- Sử dụng thiết bị chằng hay nẹp để cố định vùng chấn thương và hạn chế hoạt động vùng này;
- Nếu cổ tay bị sưng và đau có thể chườm nóng lạnh luân phiên lên vị trí chấn thương;
- Massage cổ tay thường xuyên để giảm đau cục bộ.
Chế độ dinh dưỡng:
- Không uống rượu, bia;
- Duy trì cân nặng mức độ vừa phải;
- Ăn nhiều rau củ quả;
- Dùng nhiều thực phẩm giàu đạm;
- Uống 2 - 3 ly sữa mỗi ngày (tốt nhất là sữa tách béo);
- Tránh các loại đồ ăn quá mặn, ngọt;
- Không dùng thức ăn nhanh.
Phương pháp phòng ngừa đau cổ tay
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Giữ đúng tư thế khi dùng máy vi tính, khi sinh hoạt tránh dùng cổ tay khiêng vật nặng;
- Tập các bài tập riêng cho vùng cổ tay;
- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý;
- Ăn uống hợp lý, lành mạnh giúp phòng chống và chữa trị bệnh viêm khớp cổ tay thêm hiệu quả. Bạn nên bổ sung nhiều dưỡng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin B.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau cổ tay
Khám lâm sàng: Kiểm tra cảm giác của ngón tay và lực cơ tay. Có thể thực hiện các nghiệm pháp Phalen, Tinel, Durkan để kiểm tra độ tổn thương cổ tay.
Chụp X-quang: Loại trừ các bệnh lý khác như viêm khớp hay gãy xương cổ tay.
Đo độ dẫn truyền thần kinh, điện cơ đồ: Kiểm tra vận tốc xung dọc của dây thần kinh, sự phản ứng của cơ với các tín hiệu dẫn truyền. Nếu dây thần kinh phản ứng chậm nghĩa là đã có tổn thương tại đây.
Phương pháp điều trị đau cổ tay hiệu quả
Điều trị dùng thuốc
Thường được sử dụng ở giai đoạn đầu khi đau cổ tay.
Thuốc giảm đau đơn thuần, kháng viêm không steroid (NSAID) hay corticoid đường toàn thân.
Kem Capsaicin, gel NSAID bôi vùng cổ tay.
Tiêm steroid có thể hữu ích nếu bạn bị thoái hoá khớp ngón tay cái hoặc khớp giữa của các ngón tay.
Điều trị không dùng thuốc
Hạn chế vận động: Khi bị đau nhức vùng cổ tay, người bệnh nên để cổ tay nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh vùng này vì sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Dùng nẹp cổ tay: Có thể nẹp vào ban đêm hay cả ngày. Nhiều nghiên cứu có thấy sử dụng nẹp cổ tay có thể làm giảm các triệu chứng sau 4 tuần.
Chườm lạnh: Phương pháp điều trị này giúp giảm đau nhức, sưng viêm và kiểm soát tình trạng tổn thương ở các mô. Người bệnh dùng một túi nước đá đặt trong túi nhựa rồi chườm lên vùng cổ tay khoảng 15 - 20 phút.
Tập vận động nhẹ nhànnhàng: Những động tác kéo giãn cơ đơn giản, nhẹ nhàng sẽ giúp giảm bớt cơn đau hiệu quả. Các bài tập tác động đến vùng cổ tay như uốn ngón tay, nắm tay, căng cổ tay.
Ngâm, đắp thuốc đông y: Người bệnh có thể dùng cây cỏ xước, lá lốt, gừng, ngải cứu… để làm nguyên liệu chế biến những bài thuốc phù hợp, giúp kiểm soát triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi áp dụng những bài thuốc Đông y.
Vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh kiểm soát nhanh chóng các cơn đau nhức ở vùng cổ tay. Khi thực hiện bài tập, bạn cần phải có sự hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu. Vì khi thực hiện sai cách, tình trạng bệnh có khả năng chuyển biến nặng hơn, gây ảnh hưởng tới quá trình điều trị.
Điều trị ngoại khoa
Sử dụng khi đau cổ tay mức độ nặng kèm theo các triệu chứng như teo cơ, rối loạn cảm giác hay thất bại với phương pháp điều trị nội khoa. Điều trị ngoại khoa trước đây sử dụng phương pháp mổ mở đường dọc gan tay hay mổ mở nhỏ ít xâm lấn, nhưng hiện nay phương pháp mổ nội soi được ưu tiên nhất vì ưu điểm ít xâm lấn, ít nguy cơ tai biến, nhiễm trùng.