Chắp và lẹo là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa
Chắp và lẹo mắt là tình trạng sưng cục bộ đột ngột của mí mắt. Chắp là do tắc tuyến tuyến nhờn không do nhiễm trùng, trong khi đó lẹo thường là do nhiễm trùng. Cả hai tình trạng đều gây sung huyết mí mắt, phù, sưng và đau. Theo thời gian, chắp sẽ trở thành nốt nhỏ ở trung tâm mí mắt, trong khi lẹo vẫn gây đau đớn và khu trú ở rìa mí mắt. Cả hai tình trạng thường không nghiêm trọng và đều có thể tự cải thiện một cách tự nhiên.
Những dấu hiệu và triệu chứng của chắp và lẹo
Xuất hiện khối tròn sưng đỏ, không đau ở mí mắt, thường là mí trên.
Đỏ mắt, có cảm giác cộm và mắt nhạy cảm với ánh sáng
Mắt dễ kích ứng, dễ chảy nước mắt.
Đôi khi bị mờ tầm nhìn do khối chắp lẹo chèn ép nhãn cầu.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Những ai có nguy cơ mắc phải chắp và lẹo?
Mọi đối tượng đều có thể bị chắp hoặc lẹo, đặc biệt là những người đang có tình trạng viêm bờ mi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chắp và lẹo
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Chắp và lẹo, bao gồm:
Sinh hoạt và làm việc trong môi trường vệ sinh kém;
Đang mắc những bệnh khác như: viêm da tiết bã, trứng cá đỏ, đau mắt hột, bệnh do ký sinh trùng Leishmaniasis, bệnh lao, nhiễm virus...;
Nồng độ lipid trong máu cao (nguy cơ có thể xảy ra do tăng tắc nghẽn các tuyến bã nhờn);
Đang bị suy giảm miễn dịch (ví dụ: Ung thư biểu mô...);
Căng thẳng, stress;
Bị chấn thương phần mí mắt hoặc vừa trải qua phẫu thuật mí mắt;
Đang sử dụng bortezomib, một chất ức chế proteasome thế hệ đầu tiên được sử dụng để điều trị các khối u ác tính huyết học.
Chắp là sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn (tuyến meibomian) của mí mắt mà không kèm nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng viêm u hạt thứ cấp khu trú. Bệnh nhân mắc các rối loạn gây tăng tiết của tuyến meibomian (ví dụ: Rối loạn chức năng tuyến meibomian, bệnh trứng cá đỏ) làm tăng nguy cơ tắc nghẽn.
Lẹo thường là nhiễm trùng hoặc áp xe sinh mủ do tụ cầu (staphylococcal) hoặc một số vi khuẩn khác xâm nhập vào tuyến ở chân lông mi.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chắp và lẹo
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Tuyệt đối tự ý nặn mủ, tra thuốc để chữa chắp lẹo mà không có chỉ định của bác sĩ vì dễ làm cho tổn thương tái phát hoặc lan rộng, để lại sẹo xấu hoặc nghiêm trọng hơn nữa là gây quặm mi.
Chế độ dinh dưỡng:
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều vitamin để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện.
Phương pháp phòng ngừa chắp và lẹo hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Không nên dụi, chà mắt bằng tay vì có thể làm kích ứng mắt nghiêm trọng hơn và lây lan nhiễm khuẩn.
Bảo vệ mắt khỏi khói bụi, hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường bằng cách: đeo kính bảo hộ mắt khi ra đường, khi làm việc hoặc dọn dẹp nhà cửa.
Hạn chế tối đa việc đến những nơi không khí bị ô nhiễm nặng nề.
Sau khi trang điểm, cần tẩy trang vùng mắt sạch sẽ hàng ngày bằng mỹ phẩm phù hợp với cơ địa. Vì vi khuẩn có thể phát triển trên mascara, nên cần thay ít nhất mỗi 6 tháng/lần. Vệ sinh sạch khăn rửa mặt, đồ trang điểm mắt và không nên dùng chung với người khác.
Thường xuyên vệ sinh tay chân trẻ em sạch sẽ bằng xà phòng, tránh để trẻ dụi mắt.
Khi có triệu chứng viêm nhiễm vùng mi (ngứa, cộm...), cần nhỏ dung dịch nước muối sinh lý để vệ sinh mắt và đi khám sớm tại các bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời và đúng cách.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chắp và lẹo
Khám lâm sàng
Chẩn đoán chắp và lẹo đều dựa vào biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, trong 2 ngày đầu khởi phát bệnh, có thể khó phân biệt được. Bởi vì hiếm khi gặp trường hợp lẹo nằm bên trong nên thường bị bỏ qua cho tới khi viêm tiến triển nặng hoặc bệnh nhân bị sốt kèm rét run.
Nếu chắp hoặc lẹo nằm ở mi dưới hoặc gần góc trong mắt thì phải phân biệt với viêm lệ quản và viêm túi lệ.
Nếu bệnh nhân bị chắp mạn tính và không đáp ứng với điều trị, cần thực hiện sinh thiết loại trừ u mi mắt.
Phương pháp điều trị chắp và lẹo hiệu quả
Chườm ấm
Nhúng khăn mặt sạch vào nước nóng và chườm lên mi mắt trong khoảng 10-15 phút, mỗi ngày thực hiện 3 - 5 lần và liên tục cho tới khi chắp hoặc lẹo tan đi. Nên nhúng khăn thường xuyên vào nước để duy trì được độ ấm cần thiết giúp làm giãn nở các đầu ống tuyến dầu ở bờ mi và các chất nhầy vàng hoặc trắng sẽ dễ thoát ra hơn. Khi chườm, nên kết hợp massage nhẹ nhàng để dịch thoát lưu dễ dàng hơn.
Tra thuốc kháng sinh dạng mỡ
Nếu tình trạng chắp lẹo không cải thiện dù đã được chườm ấm, bệnh nhân bị lẹo tái phát hoặc chắp bị nhiễm trùng thì cân nhắc kê đơn thuốc mỡ kháng sinh để tra vào mắt.
Tiêm thuốc kháng viêm corticosteroid
Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể tiêm thuốc kháng viêm corticosteroid (ví dụ: 0,05 - 0,2 ml triamcinolone 25 mg/mL) vào khối chắp để làm giảm sưng phồng.
Rạch thoát lưu
Nếu chắp lẹo không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên hoặc quá to gây chèn ép nhãn cầu làm ảnh hưởng thị lực, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật gây tê và rạch thoát lưu và chỉ định kháng sinh đường uống (ví dụ: Erythromycin hoặc dicloxacillin 250 mg x 4 lần/ngày) để phòng ngừa nhiễm trùng thứ phát.
Đa số bệnh nhân bị chắp và lẹo thường đáp ứng tốt với điều trị hoặc điều trị bổ sung. Nếu thường bị tái phát tại một vị trí nhất định, có thể cần lấy một mảnh mô của khối chắp và thực hiện sinh thiết nhằm loại trừ những vấn đề nghiêm trọng khác.