Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai có tác dụng gì?
Chắc hẳn mỗi thai phụ đều mong muốn có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh ra những đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh. Việc khám thai định kỳ sẽ giúp quá trình này diễn ra suôn sẻ và được theo dõi kỹ lưỡng bởi bác sĩ. Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai để kiểm tra những thành phần có trong nước tiểu là xét nghiệm luôn được thực hiện trong mỗi lần khám thai. Hãy cùng tìm hiểu vai trò, cách thực hiện và một vài lưu ý về xét nghiệm này qua bài viết sau.
Tại sao phải xét nghiệm nước tiểu trong các lần khám thai?
Sở dĩ xét nghiệm nước tiểu được thực hiện nhiều lần trong thai kỳ vì cách thức lấy mẫu xét nghiệm vô cùng đơn giản, chi phí khá rẻ, không xâm lấn và không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Thông qua kết quả xét nghiệm nước tiểu của người mẹ, các bác sĩ có thể đánh giá đúng tình trạng hiện tại của mẹ và bé, phát hiện kịp thời các triệu chứng của những bệnh lý thường gặp khi mang thai. Đồng thời sẽ giúp mẹ bầu nắm bắt được sức khỏe hiện tại và có hướng xử trí kịp thời nếu không may phát hiện bất thường.
![Những thông tin hữu ích về xét nghiệm nước tiểu khi mang thai 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/vi_sao_can_xet_nghiem_nuoc_tieu_khi_mang_thai_3_607a396db7.jpg)
Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai sẽ giúp tầm soát những vấn đề sức khỏe như:
- Theo dõi chức năng gan thận của mẹ bầu;
- Tầm soát bệnh lý đái tháo đường thai kỳ;
- Tầm soát, dự đoán được nguy cơ tiền sản giật;
- Tầm soát các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu khi mang thai.
Những bệnh lý có thể phát hiện với xét nghiệm nước tiểu khi mang thai
Dựa vào các chỉ số trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ có cơ sở để đưa ra những dự đoán về nguy cơ mắc những bệnh lý thường gặp sau đây:
- Đái tháo đường thai kỳ: Sự hiện diện glucose trong nước tiểu của mẹ khi mang thai và người mẹ trước đây chưa ghi nhận đã bị mắc bệnh đái tháo đường (thường phát hiện được ở tuần thứ 12 của thai kỳ).
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Có thể phát hiện vi khuẩn trong nước tiểu, kèm theo đó là sự hiện diện bạch cầu, hồng cầu trong nước tiểu cao hơn mức bình thường.
- Tiền sản giật: Có thể báo hiệu qua chỉ số protein (đạm) trong nước tiểu, liên quan đến việc cao huyết áp khi mang thai (phát hiện được từ tuần 20 của thai kỳ).
Ngoài ra các chỉ số xét nghiệm còn giúp phát hiện được:
- Các bệnh lý liên quan gan mật của người mẹ: Thể hiện qua thông số billirubin trong nước tiểu cao.
- Tình trạng dinh dưỡng của người mẹ: Nếu người mẹ ăn không đầy đủ chất hay uống thiếu nước, nồng độ ceton trong nước tiểu sẽ cao hơn bình thường.
- Các bệnh lý lây qua đường tình dục: Giang mai, Virus Herpes,...
![Những thông tin hữu ích về xét nghiệm nước tiểu khi mang thai 2](https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhung_thong_tin_huu_ich_ve_xet_nghiem_nuoc_tieu_khi_mang_thai_2_657c5cf207.gif)
Quá trình thực hiện xét nghiệm nước tiểu khi mang thai
Tiêu chí lựa chọn nơi làm xét nghiệm
Xét nghiệm nước tiểu là một trong những xét nghiệm cơ bản nhất trong quá trình mang thai nên bất kì cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, việc lựa chọn những cơ sở uy tín sẽ đem lại kết quả chính xác nhất. Bạn có thể dựa vào một vài tiêu chí sau để đánh giá và lựa chọn cho phù hợp:
- Cơ sở xét nghiệm có giấy phép từ cơ quan y tế.
- Thương hiệu đơn vị xét nghiệm nhận được sự đánh giá cao của sản phụ.
- Đơn vị có đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên lành nghề, giàu kinh nghiệm.
- Trang bị đầy đủ máy móc thiết bị, công nghệ xét nghiệm hiện đại.
Các vấn đề lưu ý khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu khi mang thai:
Một số vấn đề mà người mẹ cần lưu ý như sau:
- Trước khi làm xét nghiệm không cần phải nhịn ăn.
- Mẹ không nên ăn các loại thực phẩm có màu đậm vì có thể khiến nước tiểu đổi màu như: Củ cải đường, quả mâm xôi, những thực phẩm có màu hóa học.
- Người mẹ không nên tập thể dục quá sức trước khi làm xét nghiệm.
- Không nên dùng bất kỳ loại thuốc nào kể cả viên uống vitamin, thực phẩm chức năng vì những thành phần trong thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến chỉ số kết quả xét nghiệm.
Quy trình thực hiện
Mỗi lần làm xét nghiệm, người mẹ sẽ được nhân viên y tế phát một cốc để lấy mẫu nước tiểu kèm theo một khăn lau tiệt trùng. Sau đó bạn sẽ đến phòng vệ sinh và được hướng dẫn cụ thể cách lấy mẫu:
- Rửa tay thật sạch.
- Tiếp theo dùng ngón tay để tách các môi của âm hộ, sau đó lau âm hộ từ trước ra sau bằng khăn lau đã được tiệt trùng một cách nhẹ nhàng, không nên sử dụng các loại dung dịch tẩy rửa có tính kiềm hoặc axit quá cao vì sẽ dễ làm thay đổi môi trường của âm đạo.
- Thực hiện lấy nước tiểu giữa dòng: Tiểu một lượng nhỏ vào bồn cầu, sau đó đặt cốc vào giữa dòng nước tiểu cho đến khi lấy đủ thể tích mẫu nước tiểu.
Sau khi lấy được mẫu nước tiểu một đúng cách, mẫu sẽ được phân tích một cách kĩ càng bằng máy và que nhúng. Kết quả này sẽ được ghi lại vào phiếu khám thai định kỳ để các bác sĩ theo dõi.
![Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xet_nghiem_nuoc_tieu_khi_mang_thai_15284407d4.jpg)
Hy vọng qua bài viết trên, các mẹ bầu có thể hiểu rõ về vai trò cũng như cách thực hiện của xét nghiệm nước tiểu khi mang thai. Vì tính chất đơn giản, không xâm lấn, chi phí khá rẻ nhưng lại tầm soát được nhiều vấn đề về sức khỏe của mẹ và bé nên các mẹ bầu đừng ngần ngại đi kiểm tra nhé. Hãy chọn những cơ sở y tế uy tín để được chăm sóc sức khỏe tốt nhất và có một thai kỳ thật khỏe mạnh.
Xem thêm: