Trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi?
Đường tiêu hóa được ví như “bộ não” thứ 2 của con người vì 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm ở đường tiêu hóa. Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Vậy trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi? Liệu trẻ có thể tự khỏi được không? Băn khoăn của cha mẹ sẽ được giải đáp ngay dưới đây!
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi?
Trẻ rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong từng trường hợp, thời gian khỏi các triệu chứng của trẻ sẽ khác nhau. Cụ thể là:
Phụ thuộc vào cấp độ
Chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ thường được bác sĩ đánh giá theo 3 cấp độ tương ứng với mức độ nặng nhẹ gồm:
- Rối loạn tiêu hoá cấp tính: Các triệu chứng có thể kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần.
- Rối loạn tiêu hoá kéo dài thường khiến cha mẹ sốt ruột. Các triệu chứng khó chịu có thể xuất hiện từ 2 đến 4 tuần.
- Rối loạn tiêu hoá mãn tính khiến mẹ lo lắng nhiều nhất vì có thể kéo dài từ 4 tuần cho đến 1 hoặc 2 năm tùy thể trạng từng bé.
![trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_roi_loan_tieu_hoa_1_f6614e4be6.jpg)
Phụ thuộc vào nguyên nhân
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi tùy phụ thuộc vào nguyên nhân và tác nhân gây triệu chứng.
- Nếu nguyên nhân do loạn khuẩn đường tiêu hóa, bé cần quá trình vài tuần đến vài tháng để hệ vi sinh đường ruột được cân bằng trở lại.
- Nếu nguyên nhân do trẻ dùng kháng sinh, kháng viêm, sau thời gian dùng thuốc hệ tiêu hóa sẽ “mượt mà” trở lại.
- Trẻ rối loạn tiêu hóa do thức ăn có thể cần vài giờ hoặc 1 đến 2 ngày để cơ thể đào thải hết độc tố trong đường tiêu hóa.
- Nếu nguyên nhân do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh, mẹ cần kiên nhẫn chờ đợi thêm vài tháng. Khi bé đã làm quen với chế độ ăn mới và hệ tiêu hóa ổn định hơn, tình trạng rối loạn sẽ chấm dứt.
Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Phụ thuộc vào thể trạng của trẻ
Cùng một nguyên nhân và cùng triệu chứng như nhau, nhưng thời gian phục hồi của các bé có thể không giống nhau. Rối loạn tiêu hóa kéo theo hàng loạt vấn đề như trẻ mệt mỏi, biếng ăn, hệ miễn dịch yếu. Khi sức đề kháng yếu, trẻ sẽ dễ ốm vặt. Ốm vặt thường xuyên khiến sức đề kháng càng giảm. Khi đó, rối loạn tiêu hóa dễ dàng tái phát.
Nếu bé có thể trạng khỏe, chỉ cần vài tuần là hệ tiêu hóa sẽ phục hồi trở lại. Nhưng với những bé có thể trạng yếu, rối loạn tiêu hóa có thể kéo dài hàng năm. Theo các bác sĩ, trẻ sinh mổ cũng có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa và tái lại cao hơn trẻ sinh thường.
![trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_roi_loan_tieu_hoa_2_025093c594.jpg)
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có tự khỏi không?
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có tự khỏi không? Tuy không phải một bệnh lý nghiêm trọng, nhưng chắc chắn các triệu chứng rối loạn hệ tiêu hóa sẽ không chấm dứt nếu nguyên nhân không được loại bỏ. Để trẻ có thể tự khỏi mà không cần đến bệnh viện, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp như:
Tìm nguyên nhân để có thể biện pháp chữa trị phù hợp
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Tùy từng nguyên nhân, mẹ sẽ biết các chữa trị sao cho phù hợp. Cụ thể là:
- Nguyên nhân do hệ tiêu hóa còn non nớt: Mẹ cần cho trẻ ăn thức ăn phù hợp, không nhồi nhét bé ăn quá nhiều.
- Nguyên nhân do bất dung nạp một số chất đặc biệt (phổ biến nhất là lactose hay gluten…): Mẹ cần chọn lựa sữa và thực phẩm thật kỹ càng. Trẻ dị ứng lactose nên sử dụng dòng sữa free lactose. Trẻ dị ứng gluten không nên ăn các sản phẩm chế biến từ lúa mì, lúa mạch…
- Nếu trẻ mắc các bệnh lý đường ruột: Cách duy nhất là mẹ giúp bé chữa khỏi bệnh có sẵn để tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa tái lại nhiều lần.
- Nếu rối loạn tiêu hóa do thuốc kháng sinh: Mẹ tuyệt đối không nên lạm dụng kháng sinh cho trẻ. Thay vào đó hãy cố gắng bồi dưỡng, giúp trẻ nâng cao thể lực và sức đề kháng để ít ốm vặt hơn. Khi không dùng nhiều kháng sinh, kháng viêm, hệ tiêu hóa sẽ tự động cân bằng trở lại.
Thiết lập thực đơn dành riêng cho trẻ tiêu chảy
Ngoài ra, việc trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống. Có các loại thực phẩm được bác sĩ khuyến cáo nên và không nên ăn khi bị rối loạn tiêu hóa. Theo đó, khi xây dựng thực đơn cho trẻ, mẹ có thể ưu tiên:
- Các loại trái cây như táo, chuối, dừa.
- Các loại ngũ cốc nhiều chất xơ như gạo lứt, yến mạch.
- Các loại thịt như thịt gia cầm và cá.
- Các loại rau, củ như khoai lang và các loại rau màu xanh đậm.
Bên cạnh đó, cũng có những thực phẩm trẻ nên tránh như đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, các loại nước ngọt, các loại sữa và chế phẩm từ sữa có nhiều đường.
Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ sẽ có biểu hiện đầy bụng, chán ăn. Mẹ có thể chia nhỏ khẩu phần ăn, giảm lượng thức ăn để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa của bé.
![trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_roi_loan_tieu_hoa3_6932706c75.jpg)
Cho trẻ sử dụng men vi sinh
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa một phần nguyên nhân do loạn khuẩn đường ruột. Và khi hệ tiêu hóa đã bị rối loạn, chắc chắn hệ vi sinh đường ruột cũng mất cân bằng. Để rút ngắn thời gian khỏi bệnh, nhiều bậc cha mẹ sử dụng men vi sinh hoặc các thực phẩm chức năng hỗ trợ hệ tiêu hóa cho trẻ.
Một số loại men vi sinh, cốm vi sinh được các mẹ ưa chuộng như: Cốm Probio Imp, men Enterogermina, men Bb12 L-Bio, men Probiotics Lactomin Plus... Với những bé lười ăn rau, mẹ có thể cho bé uống bổ sung bột rau xanh…
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng tin rằng khi các bậc cha mẹ có thể nhận diện triệu chứng và tìm đúng nguyên nhân để có thể áp dụng giải pháp phù hợp, đường ruột của bé sẽ nhanh khỏe mạnh trở lại. Chúc bé sớm hồi phục cho cha mẹ yên tâm!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp