Trẻ bị loạn thị có nên đeo kính thường xuyên?

Với sự phát triển của các thiết bị điện tử, ngày càng nhiều trẻ em gặp phải các vấn đề về mắt, trong đó có loạn thị. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý bậc phụ huynh có thêm những thông tin về tật khúc xạ này, từ đó bảo vệ tốt sức khỏe thị giác của con trẻ.

Dấu hiệu của loạn thị ở trẻ em

Loạn thị là tật khúc xạ xảy ra khi hình ảnh ta quan sát sau khi đi qua mắt không hội tụ ở võng mạc như bình thường và khiến người nhìn cảm thấy mờ nhòe. Một số dấu hiệu giúp bạn kịp thời phát hiện tình trạng loạn thị ở các bé là:

  • Mắt nhìn mờ (có thể mờ xa lẫn mờ gần), hình ảnh nhòe, méo mó. Khi nhìn thường hay phải nheo mắt.
  • Mỏi mắt, dễ chảy nước mắt, nhìn một vật có 2 hoặc 3 bóng mờ.

Trẻ bị loạn thị nếu không được điều chỉnh trước 5 tuổi thì tình trạng bệnh có thể trở nặng hơn và khả năng cao sẽ dẫn đến nhược thị. Do vậy, bố mẹ và thầy cô nên chú ý theo dõi các dấu hiệu của loạn thị ở trẻ để có hướng chữa trị thích hợp, hạn chế các ảnh hưởng về sau.

Trẻ bị loạn thị có nên đeo kính thường xuyên? 1

Nhìn một vật có 2 hoặc 3 bóng mờ là dấu hiệu của loạn thị

Nguyên nhân gây loạn thị ở trẻ em

Phần lớn nguyên nhân loạn thị xuất hiện ở trẻ nhỏ là do giác mạc bị biến dạng. Giác mạc là bộ phận trong suốt nằm trước nhãn cầu, hình chỏm cầu và cho phép ánh sáng đi vào mắt. Ở người bị loạn thị, giác mạc bị biến dạng và có độ cong không đều. Sự thay đổi này khiến các tia sáng khi đi vào mắt sẽ hội tụ ở nhiều điểm khác nhau, khiến hình ảnh mờ, nhòe, gây nên hiện tượng loạn thị.

Một số chuyên gia cho rằng loạn thị là vấn đề bẩm sinh, xuất hiện do di truyền mà không liên quan nhiều đến thói quen và mức độ sử dụng, điều tiết mắt của trẻ. Tuy nhiên, ta cũng không thể phủ nhận hoàn toàn sự ảnh hưởng của những yếu tố khác như chế độ ăn uống thiếu các chất dinh dưỡng cần dinh dưỡng cần thiết cho mắt, thói quen xem ti vi, máy tính, dùng điện thoại sai cách, đọc sách, học tập trong môi trường thiếu sáng,... Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như các tổn thương mắt, tiền sử phẫu thuật mắt, cận thị, viễn thị nặng,... cũng có thể gây ra tình trạng loạn thị ở trẻ.

Trẻ bị loạn thị có nên đeo kính thường xuyên? 2

Ngồi gần màn hình tivi, máy tính có thể làm tăng độ loạn thị

Trẻ bị loạn thị có nên đeo kính thường xuyên?

Loạn thị có thể tăng độ theo thời gian, chỉ đến khi người bệnh trên 18 tuổi thì mới dừng lại hoặc tăng chậm hơn và tùy vào từng đối tượng cũng như thói quen sinh hoạt, chăm sóc mắt mà mức độ tăng loạn thị sẽ khác nhau. Vì vậy, khi phát hiện con mình mắc tật loạn thị, phụ huynh nên cho con đeo mắt kính thường xuyên để trẻ có thể nhìn rõ hơn, tránh việc mắt điều tiết quá mức làm độ loạn tăng lên và dẫn đến nhược thị.

Thông thường, khi độ loạn thị cao hơn 1 độ thì mới xuất hiện hiện tượng nhìn mờ, nhòe nên nếu các bé có độ loạn thấp, mắt không bị khô, mỏi và vẫn có thể nhìn rõ thì không nhất thiết phải cho trẻ đeo kính thường xuyên. Với trường hợp cảm thấy tầm nhìn bị hạn chế, mắt đau nhức, mỏi, khô, phải nheo mắt liên tục khi nhìn thì tốt hơn hết hãy sử dụng kính thuốc trị loạn thị.

Đối với những trẻ bị loạn thị nặng hơn, phụ thuộc vào hướng điều trị của bác sĩ và độ tuổi của bệnh nhân mà có thể áp dụng các biện pháp khác để cải thiện chất lượng thị giác.

Ortho-K: Đây là phương pháp chữa trị loạn thị bằng cách sử dụng kính tiếp xúc cứng (kính áp tròng cứng) vào ban đêm trong lúc ngủ nhằm chỉnh sửa tạm thời hình dạng giác mạc, giúp mắt người bệnh nhìn rõ hơn vào ngày hôm sau. 

Phẫu thuật: Nếu cách điều chỉnh bằng việc sử dụng kính thuốc không đem lại hiệu quả, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Phương pháp này dùng tia laser và dao vi phẫu để chỉnh sửa, định hình lại giác mạc để ánh sáng có thể hội tụ đúng trên võng mạc và đem lại chất lượng hình ảnh rõ nét hơn.

Trẻ bị loạn thị có nên đeo kính thường xuyên? 3

Đeo mắt kính thường xuyên để nhìn rõ hơn, tránh việc mắt điều tiết quá mức

Biện pháp phòng tránh tật loạn thị ở trẻ nhỏ

Để phòng tránh hiệu quả tật loạn thị, phụ huynh cần hướng dẫn bé thực hiện một số điều sau:

  • Hướng dẫn các bé ngồi học và vui chơi đúng tư thế (thẳng lưng, khoảng cách từ mắt đến vở khoảng 30cm).
  • Không gian học tập đủ ánh sáng, sử dụng bàn ghế phù hợp với chiều cao của trẻ.
  • Cân bằng thời gian học tập và vui chơi. Không cho các bé xem thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy vi tính quá 2 giờ mỗi ngày.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ chất, đặc biệt là chất xơ, vitamin và khoáng chất, ưu tiên bổ sung thực phẩm tốt cho mắt.

Trẻ bị loạn thị có nên đeo kính thường xuyên? 4

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ bị loạn thị

Loạn thị gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt, học tập và sự phát triển thể chất về sau của trẻ. Do vậy, nếu thấy các dấu hiệu của loạn thị ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần đưa con đến các trung tâm y tế để có phương pháp chữa trị hiệu quả nhất, giúp bảo vệ đôi mắt sáng khỏe của con trẻ nhé!

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp



Chat with Zalo