Trẻ 6 tháng bị sổ mũi do nguyên nhân gì? Phòng ngừa bệnh như thế nào?

Hệ miễn dịch của trẻ em, đặc biệt là trẻ 6 tháng tuổi còn chưa phát triển hoàn thiện nên cơ thể bé khá non nớt, dễ mắc bệnh, nhất là bệnh về đường hô hấp, chẳng hạn như sổ mũi, ho, hắt hơi… Dù đây là tình trạng thường gặp nhưng vẫn khiến cha mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng. Trên thực tế, đa phần những trường hợp trẻ 6 tháng bị sổ mũi đều không đáng ngại và phụ huynh có thể điều trị, khắc phục bệnh cho bé tại nhà.

Nguyên nhân khiến bé 6 tháng bị sổ mũi

Trong giai đoạn từ 6 đến 36 tháng tuổi, trẻ nhỏ rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa. 

Nguyên nhân của vấn đề này là do các loại virus, vi khuẩn thường phát triển mạnh trong điều kiện nắng nóng, độ ẩm tăng cao. Trong khi đó, hệ miễn dịch của trẻ trong độ tuổi này thường non yếu, không đủ sức chống chọi các tác nhân gây bệnh. Chính vì thế, các con thường đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe và thường xuyên bị nhiễm khuẩn đường hô hấp nếu không được bảo vệ cẩn thận.

Trẻ 6 tháng bị sổ mũi do nguyên nhân gì? Phòng ngừa bệnh như thế nào? 1
Trẻ 6 tháng bị sổ mũi do hệ miễn dịch còn non yếu

Hệ miễn dịch chiếm vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Một hệ miễn dịch tốt sẽ giúp bé ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn, tiêu diệt khi chúng xâm nhập vào cơ thể, ghi nhớ chúng để phản ứng nhanh chóng hơn vào lần xuất hiện tiếp theo của mầm bệnh. Ngược lại, nếu hệ miễn dịch yếu thì bé sẽ thường xuyên bị virus, vi khuẩn tấn công ồ ạt gây bệnh, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp.

Trước 6 tháng tuổi, bé sẽ nhận kháng thể từ cơ thể mẹ truyền sang con nên trẻ sẽ sở hữu hệ miễn dịch khỏe mạnh. Giai đoạn 6 - 36 tháng tuổi không còn kháng thể từ mẹ truyền sang nữa, hệ miễn dịch lại chưa thể tự sinh được đủ kháng thể nên cơ thể trẻ không đủ sức chống chọi, luôn có nguy cơ mắc bệnh. 

Một số nguyên nhân hàng đầu gây sổ mũi ở bé có thể kể đến là:

  • Thời tiết lạnh: Nhiệt độ lạnh kích hoạt cơ thể trẻ tiết ra nhiều chất nhầy hơn.
  • Viêm mũi dị ứng: Khi tiếp xúc với một số chất kích thích hoặc chất gây dị ứng như bụi, khói, phấn hoa, lông vật nuôi… thì trẻ có thể bị hắt hơi, sổ mũi.
  • Cảm lạnh và cảm cúm: Virus xâm nhập vào mũi sẽ gây kích ứng niêm mạc mũi và xoang, kích thích mũi tiết ra các nhất nhầy trong suốt để bẫy virus và tống chúng ra khỏi xoang mũi.
  • Có dị vật trong mũi: Chất nhầy sẽ tiết ra nhiều hơn nếu xuất hiện dị vật trong mũi, khiến cho bé bị chảy nước mũi.
  • Nhiễm trùng Adenoids: Adenoids là tên gọi của các mô ở phía sau mũi. Tình trạng nhiễm trùng các mô này cũng có thể gây chảy nước mũi.
Trẻ 6 tháng bị sổ mũi do nguyên nhân gì? Phòng ngừa bệnh như thế nào? 2
Cảm cúm khiến trẻ nhỏ bị hắt hơi, sổ mũi

Phương pháp điều trị cho trẻ 6 tháng bị sổ mũi

Trong trường hợp con trẻ bị sổ mũi, nước mũi trắng đục hoặc trong suốt, cơ thể vẫn khỏe mạnh, không bị sốt hoặc sốt nhẹ thì bố mẹ có thể tự chăm sóc bé tại nhà bằng các phương pháp như:

  • Cho bú nhiều hơn: Việc cho con bú với tần suất nhiều hơn ngày thường sẽ giúp cơ thể bé tránh tình trạng bị mất nước.
  • Hút mũi: Bố mẹ hãy dùng bóng hút mũi để hút bớt chất nhầy trong mũi ra ngoài, hỗ trợ cho đường thở của con được thông thoáng. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn hãy bóp xẹp bóng hút rồi đưa đầu hút vào trong mũi. Sau đó, bạn buông ngón tay bóp bóng ra để bóng phình lên, trở về hình dạng ban đầu. Cuối cùng, bạn rút đầu hút ra khỏi mũi rồi bóp bóng để xả sạch chất nhầy trong bóng ra ngoài. Để vệ sinh, bạn hãy dùng nước và nước rửa bình sữa.
  • Nước muối sinh lý: Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi trẻ có công dụng làm ẩm đường mũi và làm lỏng chất nhầy đặc trong mũi. Bạn cần cho trẻ nằm ngửa đầu nhẹ ra sau, nhỏ nước mũi vào và để trong 30 giây rồi dùng bóng hút để hút chất nhầy ra ngoài.
  • Tắm nước gừng: Hơi nước có chứa dược tính từ củ gừng sẽ giúp làm lỏng dịch mũi và mẹ có thể vệ sinh đường mũi bé dễ dàng bằng dụng cụ hút mũi.
Trẻ 6 tháng bị sổ mũi do nguyên nhân gì? Phòng ngừa bệnh như thế nào? 3
Cho con bú nhiều hơn khi bị sổ mũi để ngừa tình trạng cơ thể mất nước

Nếu trẻ 6 tháng bị sổ mũi do nguyên nhân dị ứng, phụ huynh cần:

  • Tránh để con tiếp xúc với môi trường có tác nhân gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, lông thú cưng.
  • Đóng cửa sổ vào mùa dị ứng.
  • Người chăm sóc bé cần thay quần áo và tắm rửa sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ.

Cách phòng ngừa sổ mũi cho trẻ 6 tháng tuổi

Các chuyên gia y tế luôn khuyến nghị rằng, biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ nhỏ chính là phòng bệnh. Để ngăn ngừa trẻ 6 tháng bị sổ mũi nói riêng hay mắc bệnh viêm đường hô hấp nói chung, bố mẹ nên lưu ý:

  • Thường xuyên giặt giũ chăn, drap, gối, nệm cho trẻ.
  • Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để tránh bụi bẩn, nấm mốc.
  • Giữ ấm cho bé vào những ngày thời tiết lạnh, chuyển mùa hay vào ban đêm.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ các loại thực phẩm tốt, bổ sung nhiều nước, rau xanh, trái cây tươi.
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày cho bé, nên nấu thức ăn lỏng hơn bình thường khi con đang bị ốm. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa lúc này hoạt động kém hơn, cơ thể trẻ sẽ không hấp thu được nhiều dưỡng chất.
  • Đặt bé nằm nghiêng khi bị sổ mũi nhằm giúp con dễ thở hơn, các chất nhầy trong cơ thể dễ được đào thải hơn.
  • Giữ cho mũi con luôn khô ráo và sạch sẽ bằng cách vệ sinh mũi cho bé hàng ngày khi thấy con có biểu hiện bị viêm mũi.

Trong trường hợp quan sát thấy con xuất hiện những triệu chứng dưới đây, bố mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện uy tín để bác sĩ khám và đưa ra hướng xử lý phù hợp:

  • Trẻ bị sổ mũi, quấy khóc ngày càng nghiêm trọng hơn.
  • Trẻ 6 tháng bị sổ mũi 10 ngày nhưng không cải thiện.
  • Dịch nhầy có màu vàng hoặc màu xanh lá cây liên tục từ 10 đến 14 ngày.
  • Các dấu hiệu khác như ho dai dẳng, sốt hơn 3 ngày không khỏi…

Một trong những vấn đề về sức khỏe mà trẻ 6 tháng tuổi dễ mắc phải chính là bị sổ mũi. Tình trạng này không quá nguy hiểm và có thể được điều trị, chăm sóc tại nhà. 

Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bố mẹ có thêm nhiều thông tin bổ ích để biết cách xử trí khi trẻ 6 tháng bị sổ mũi. Phụ huynh không nên chủ quan mà cần theo dõi, chú ý các triệu chứng bất thường kèm theo như ho lâu ngày, quấy khóc, sốt, chảy dịch nhầy màu bất thường… để kịp thời đưa bé đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo