Tổng quan và các phương pháp điều trị hội chứng vành mạn

Hội chứng vành mạn là biểu hiện của bệnh tim mạch nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong. Việc phát hiện bệnh muộn và không được theo dõi, áp dụng phương pháp điều trị hợp lý có thể dẫn đến những biến chứng đặc biệt nguy hiểm cho tim mạch.

Tổng quan về hội chứng vành mạn

Phần lớn bệnh nhân mắc hội chứng vành mạn tính còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định. Được chẩn đoán dựa trên tiền sử đau thắt ngực điển hình với sự có mặt của các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch. Bệnh tim thiếu máu cục bộ là thuật ngữ liên quan đến việc cơ tim không được cung cấp máu đầy đủ cho do động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc bị hẹp, thường do xơ vữa động mạch. Bệnh mạch vành gồm 2 thể là bệnh mạch vành cấp tính (không ổn định) và bệnh mạch vành mạn tính (ổn định).

Đau thắt ngực là sự khó chịu ở ngực xảy ra khi lượng máu cung cấp không đủ cho nhu cầu oxy của cơ tim. Đau thắt ngực ổn định xảy ra khi gắng sức đến mức độ nào đó, mỗi lần gắng sức đến mức đó, bệnh nhận sẽ giảm hoặc hết đau ngực khi ngừng gắng sức hoặc dùng thuốc nitroglycerin.

Các trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng đau thắt ngực điển hình mà xuất hiện các triệu chứng như khó thở khi gắng sức, mệt hoặc thiếu máu cục bộ thầm lặng (đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường). Ở những bệnh nhân này, chẩn đoán có thể được xác định bằng cách đánh giá xâm lấn hoặc xét nghiệm gắng sức.

Mục tiêu chính trong chăm sóc bệnh nhân mắc hội chứng vành mạn là chẩn đoán chính xác, đánh giá mức độ, điều trị giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến cố tim mạch trong tương lai.

Tổng quan và các phương pháp điều trị hội chứng vành mạn 1 Hội chứng vành mạn được theo dõi qua kỹ thuật ECG

Cơn đau thắt ngực điển hình trong hội chứng vành mạn:

  • Vị trí: Thường sau xương ức và là vùng đau (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên vai, cổ, hàm dưới, thượng vị, sau lưng, tay trái. Hay gặp nhất là hướng lan lên vai trái rồi xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón út hay áp út.
  • Hoàn cảnh xuất hiện: Thường xuất hiện khi gắng sức, gặp lạnh, xúc cảm nhiều, sau bữa ăn nhiều, khi nằm.
  • Tính chất: Hầu hết bệnh nhân mô tả cơn đau thắt ngực như bó nghẹt, thắt lại hoặc bị đè nặng trước ngực, đôi khi cảm giác buốt. Một số bệnh nhân có đau đầu, buồn nôn, khó thở, mệt lả, vã mồ hôi.
  • Cơn đau: Thường kéo dài vài phút (3 - 5 phút), có thể dài hơn nhưng thường sẽ không quá 20 phút (nếu đau dài hơn và xuất hiện khi nghỉ ngơi cần nghĩ đến hội chứng mạch vành cấp). Những cơn đau do xúc cảm thường kéo dài hơn đau do gắng sức. Những cơn đau mà chỉ dưới 1 phút thì nên nghĩ do nguyên nhân khác ngoài tim.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau thắt ngực như do tim, phổi, tiêu hóa, thần kinh và cơ. Do đó để xác định cơn đau thắt ngực này do động mạch vành hay không, cần dựa trên 3 yếu tố sau:

  • Đau thắt chẹn sau xương ức có tính chất và thời gian điển hình.
  • Xuất hiện khi gắng sức hoặc xúc cảm mạnh.
  • Đỡ đau khi nghỉ ngơi hoặc dùng nitrates.

Đau thắt ngực điển hình (kiểu động mạch vành) bao gồm 3 yếu tố trên.

Đau thắt ngực ít điển hình: Chỉ gồm 2 yếu tố trên.

Đau thắt ngực không đặc hiệu hoặc không phải đau thắt ngực: Chỉ có 1 hoặc không có yếu tố nào.

Tổng quan và các phương pháp điều trị hội chứng vành mạn 2 Vị trí xuất hiện đau thắt ngực điển hình trong hội chứng vành mạn

Các biện pháp điều trị hội chứng vành mạn

Điều trị không dùng thuốc

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc ở bệnh nhân bệnh mạch vành mạn bao gồm: Bỏ rượu bia, thuốc lá, xây dựng chế độ ăn giảm đường và mỡ, thường xuyên luyện thể dục thể thao, duy trì cân nặng trong ngưỡng cho phép, cân bằng tâm lý, hạn chế stress, tránh tiếp xúc và sống ở môi trường khói bụi, ô nhiễm.

Điều trị thuốc

Mục tiêu điều trị ở bệnh nhân vành mạn gồm 2 mục tiêu chính đó là giảm các triệu chứng do thiếu máu cơ tim và phòng ngừa biến cố tim mạch.

  • Các loại thuốc làm giảm triệu chứng: Có nhiều loại thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng đau thắt ngực nhanh chóng và lâu dài tuy nhiên việc lựa chọn và phối hợp thuốc còn phụ thuộc rất nhiều vào cá thể hóa từng bệnh nhân như nhóm nitrat (nitrat tác dụng ngắn và nitrat tác dụng kéo dài), thuốc chẹn beta giao cảm (metoprolol succinate, carvedilol, bisoprolol), chẹn kênh calci (gồm 2 nhóm là dihydropyridine và nondihydropyridine), thuốc khác (ivabradine, nicorandil, trimetazidine).
  • Các thuốc phòng ngừa biến cố tim mạch bao gồm: Thuốc kháng kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, prasugrel, ticagrelor), thuốc hạ lipid máu, thuốc ức chế hệ Renin - Angiotensin - Aldosterone, các thuốc khác (thuốc chống đông NOAC or VKA được chỉ định ở bệnh nhân hội chứng vành mạn có kèm rung nhĩ, thuốc ức chế bơm proton thường phối hợp điều trị trên bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa cao).
Tổng quan và các phương pháp điều trị hội chứng vành mạn 3 Thuốc điều trị hội chứng vành mạn cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ

Điều trị tái thông động mạch vành

Trước đây, điều trị nội khoa tối ưu trong hội chứng vành mạn là vấn đề rất quan trọng và được áp dụng ngay sau khi bệnh nhân được chẩn đoán, còn điều trị tái thông động mạch vành thường chỉ áp dụng khi hướng điều trị nội khoa đã thất bại.

Tuy nhiên, hiện nay việc chỉ định điều trị tái thông động mạch vành đã được mở rộng hơn. Cân nhắc lựa chọn phương pháp, thời điểm, vị trí tái thông mạch vành phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, các bệnh lý khác kèm theo, nguyện vọng của người bệnh và gia đình, khả năng theo dõi và uống thuốc sau khi tái thông, kinh nghiệm và trang thiết bị của cơ sở y tế thực hiện và quan trọng nhất là vị trí - hình thái - mức độ - số lượng nhánh động mạch vành bị hẹp hay tắc.

Có 2 hình thức tái thông động mạch vành bao gồm:

  • Can thiệp đặt stent động mạch vành qua da.
  • Mổ bắc cầu nối chủ vành.

Hội chứng vành mạn luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người bởi sự nguy hiểm, xuất hiện âm thầm và để lại nhiều hậu quả nặng nề. Các biến cố tim mạch có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào sau một thời gian ổn định hoặc phải trải qua nhiều can thiệp khác dù có hay không có các triệu chứng. Vì thế, bệnh nhân đã được chẩn đoán hội chứng vành mạn cần được điều trị và theo dõi lâu dài. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết trên của Hà An Pharmacy. Chúc bạn mạnh khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com



Chat with Zalo