Tổng hợp các bài thuốc dân gian từ cà độc dược

Trước đây, khi y học chưa phát triển, con người chủ yếu chữa bệnh bằng Y học cổ truyền. Có rất nhiều thảo dược mọc hoang trong tự nhiên đã được khai thác làm thuốc chữa bệnh. Một trong số đó là cây cà độc dược. Bài viết này dành cho những ai muốn tìm hiểu các bài thuốc dân gian từ cà độc dược.

Cà độc dược là gì?

Y học cổ truyền có khoảng 5000 cây thuốc khác nhau và chúng ta không thể không nhắc đến cây cà độc dược. Cây cà độc dược được xếp vào nhóm 50 vị thuốc cơ bản của Y học cổ truyền Trung Hoa và Y học cổ truyền Việt Nam. Ngoài ra, cà độc dược cũng được dùng thuốc ở nhiều quốc gia Châu Phi, Châu Á khác. 

Tại Việt Nam, cây dược liệu tự nhiên này được phân bố nhiều ở các tỉnh miền núi trung du phía Bắc và các tỉnh miền Trung. Ngày nay, cà độc dược được trồng trong các vùng dược liệu để khai thác làm vị thuốc.

Cà độc dược được biết đến với các tên gọi khác nhau như mạn đà la, cà diên, cà dược, sùa tùa theo các gọi của người Mông hay hìa kía piếu theo cách gọi của người Dao. Vị thuốc này có tên khoa học là Datura metel L. Tại nước ta, cà độc dược có 3 loại gồm: Cà độc dược hoa trắng, cà độc dược hoa tím, cà độc dược hoa lai trắng và tím.

bai-thuoc-dan-gian-tu-ca-doc-duoc-1.jpg
Cây cà độc dược phân bố ở nhiều nước trên thế giới

Công dụng, cách dùng, liều lượng của cây cà độc dược

Trước khi tìm hiểu các bài thuốc dân gian từ cà độc dược, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem vị thuốc này có những công dụng gì? Liều dùng và cách dùng ra sao nhé!

Theo Đông y, cà độc dược có vị cay, tính ôn, vào kinh phế. Vị thuốc này được dùng để chữa các bệnh như:

  • Chữa ho do hen suyễn.
  • Giảm co bóp dạ dày ở bệnh viêm loét dạ dày.
  • Chống say trong trường hợp sử dụng các phương tiện giao thông như máy bay, tàu xe.
  • Giảm sưng viêm do mụn nhọt ngoài da.
  • Dùng để xoa bóp giảm đau xương khớp, hay đau thần kinh tọa.
  • Dùng để chữa bệnh viêm xoang.
  • Chữa sâu răng cũng là một tác dụng của cây cà độc dược.

Ngoài tác dụng, vị thuốc này chữa thành phần độc tố nên cũng gây ra một số tác dụng phụ như: Khô miệng, bí tiểu, sốt, co thắt, da khô đỏ, tim đập nhanh, co giật, ảo giác, mắt mờ, hôn mê,… Tùy liều dùng và cơ địa từng người, tác dụng phụ lên mỗi người sẽ khác nhau về mức độ và triệu chứng.

Bộ phận thường được dùng làm thuốc chữa bệnh là lá và hoa cà độc dược. Lá bánh tẻ sẽ được thu hái khi cây sắp và đang ra hoa. Hoa cà độc dược được thu hái vào mùa thu. Ngoài ra, một số bài thuốc cũng dùng thân cây và hạt cà độc dược. Sau thu hoạch, các bộ phận của cây cà độc dược được mang phơi khô hoặc sấy nhẹ, bảo quản nơi khô ráo để dùng dần. Các bài thuốc dân gian từ cà độc dược chủ yếu là dạng sắc hoặc xông khói. Liều dùng tùy độ tuổi, tình trạng sức khỏe và vấn đề sức khỏe của người bệnh.

bai-thuoc-dan-gian-tu-ca-doc-duoc-2.jpg
Dùng cà độc dược cần tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc

Các bài thuốc dân gian từ cà độc dược

Dân gian lưu truyền một số bài thuốc chữa bệnh phổ biến từ cà độc dược như:

  • Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp: Dùng cành, lá, hoa, rễ cây cà độc dược rửa sạch, cắt khúc, phơi khô rồi đem ngâm rượu. Rượu ngâm khoảng 10 ngày có thể dùng để xoa bóp lên vùng xương khớp bị đau. Xoa bóp hàng ngày, kiên trì và đều đặn sẽ giảm đau đáng kể.
  • Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa: Dùng lá cà độc dược hơ trên lửa cho héo và nóng rồi đắp lên vùng bị đau nhức. Mỗi ngày đắp một lần, đắp liên tục trong ít nhất 1 tuần triệu chứng đau sẽ giảm.
  • Bài thuốc chữa ho, hen suyễn: Dùng lá cà độc dược thái nhỏ, phơi khô. Cuộn lá đã khô vào giấy giống cuộn thuốc lá. Dùng thuốc để hút hàng ngày, mỗi ngày hút tối đa 1g lá khô. Nếu thấy có triệu chứng ngộ độc cần dừng ngay lập tức.
  • Bài thuốc trị mụn nhọt: Dùng rượu cà độc dược xoa lên vết mụn sẽ giảm sưng đau nhanh chóng.
  • Bài thuốc chữa viêm xoang bằng cà độc dược: Dùng lá cà độc dược thái nhỏ rồi cho vào một vỏ lon sữa sạch. Đặt lon sữa lên bếp lửa, đun đến khi thấy khói bốc lên. Dùng một chiếc phễu, úp miệng phễu vào miệng lon sữa, đầu nhỏ của phễu cho lên mũi. Người bệnh hít khói bằng mũi và thở ra bằng miệng liên tục trong từ 3 - 6 phút. Mỗi ngày làm 2 lần, sau khoảng 1 tháng bệnh viêm xoang sẽ đỡ.
bai-thuoc-dan-gian-tu-ca-doc-duoc-3.jpg
Không tự ý dùng bài thuốc dân gian từ cà độc dược để tránh ngộ độc

Cẩn trọng khi dùng bài thuốc dân gian từ cà độc dược

Cà độc dược tuy là dược liệu nhưng lại chứa thành phần độc tố được xếp vào nhóm thuốc độc bảng A. Vì vậy, bất cứ ai trong chúng ta cũng cần cẩn trọng và cân nhắc kỹ trước khi dùng dược liệu này. Một số người sẽ gặp tác dụng phụ như đã nhắc đến ở trên khi dùng cà độc dược. Nhưng cũng có người do cơ địa nhạy cảm, thể trạng yếu hoặc dùng quá liều sẽ bị ngộ độc.

Người ngộ độc cà độc dược sẽ gặp một số triệu chứng như: Khô miệng, tim đập nhanh, giãn đồng tử, da nóng đỏ, mất định hướng, mất trí nhớ, ảo giác, suy giảm thị lực, mê sảng, hôn mê, phấn khích quá mức,… Khi bị ngộ độc, người bệnh cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

Một số đối tượng không nên áp dụng cách chữa bệnh bằng cà độc dược như: Phụ nữ mang thai, bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ em, người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, người đang bị các bệnh rối loạn tâm thần,...

Cà độc dược có thể tương tác với một số loại thuốc kháng cholinergic như scopolamine và atropine. Khi đang dùng các thuốc này, người bệnh không dùng cà độc dược dưới bất kỳ hình thức nào.

bai-thuoc-dan-gian-tu-ca-doc-duoc-4.jpg
Ngộ độc cà độc dược có thể đe dọa tính mạng người bệnh

Các bài thuốc dân gian từ cà độc dược có thể hiệu quả với một số người bệnh. Nhưng thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp ngộ độc nặng khi tự ý dùng cà độc dược hoặc vô tình ăn phải loại cà này. 

Khi có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cách chữa bệnh khoa học. Muốn dùng cà độc dược chữa bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc Đông y. Việc sử dụng dược liệu không đúng cách, không đủ lượng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường về sức khỏe.

Xem thêm:



Chat with Zalo