Tình trạng cong vẹo cột sống học đường đáng lo ngại

Biến dạng cột sống là sự thay đổi về hình dạng hoặc cấu trúc của cột sống so với bình thường. Để điều trị hiệu quả bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ em, ba mẹ cần xác định đúng nguyên nhân gây rồi mới quyết định hướng điều trị phù hợp. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những nguyên nhân phổ biến nhất gây cong vẹo cột sống ở trẻ nhỏ. Từ đó các bậc phụ huynh phòng tránh hoặc phát hiện ở con em mình.

Nguyên nhân khiến trẻ bị cong vẹo cột sống

Tình trạng vẹo cột sống ở trẻ ngày càng phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là 3 yếu tố thường gặp gây nên triệu chứng này ở trẻ.

Vẹo cột sống bẩm sinh

Theo thống kê, tình trạng vẹo cột sống bẩm sinh rất hiếm khi xảy ra. Nguyên nhân là do sự hình thành bất thường của xương sống từ khi trong bụng mẹ như cột sống không được hình thành hoàn chỉnh hoặc các đốt sống không phân tách hoàn toàn. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân. Tuy nhiên, giả thuyết này cần được nghiên cứu thêm để xác định mức độ chính xác.

Tình trạng cong vẹo cột sống học đường đáng lo ngại 1 Vẹo cột sống bẩm sinh là trường hợp hiếm gặp nhưng không phải không xảy ra

Vẹo cột sống do bệnh lý thần kinh cơ

Một số rối loạn thần kinh như bại não, liệt não,... khiến phần thân của trẻ bị yếu. Tình trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc của cột sống và gây ra tình trạng cong vẹo.

Vẹo cột sống do bàn chân dẹt

Khoảng 30% trẻ em châu Á mắc chứng bàn chân bẹt, tức là tình trạng bàn chân không cong và lõm xuống khiến bàn chân xoay vào trong. Bàn chân bẹt có thể khiến xương cẳng chân của trẻ có thể xoay qua xoay lại khi trẻ đi hoặc chạy khiến các khớp gối cũng xoay lệch dẫn đến thoái hóa khớp gối. Nghiêm trọng hơn là dẫn đến cong vẹo cột sống. Nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời sẽ gây ra những trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Do một số thói quen xấu

Trên thực tế, hầu hết các trường hợp cong vẹo cột sống do thói quen sinh hoạt hàng ngày của bé làm tổn thương đến cột sống như:

  • Ngồi sai tư thế khi sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại. Ngoài ảnh hưởng đến mắt, thói quen chơi điện thoại quá lâu khi trẻ nằm, ngồi không đúng tư thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cột sống.
  • Đôi khi trọng lượng ba lô quá nặng do đựng nhiều sách vở và dụng cụ học tập. Lúc này, một số trẻ có thể vô tình tác dụng lực vào một bên vai để mang cặp. Tình trạng này kéo dài khiến cột sống phát triển lệch hẳn sang một bên dẫn đến cong vẹo. 
  • Tư thế ngồi không đúng: Theo nghiên cứu, tư thế ngồi học không đúng là nguyên nhân phổ biến nhất gây cong vẹo cột sống ở trẻ em trong độ tuổi đi học. Một số tư thế ngồi sai mà trẻ thường mắc phải như cúi mặt quá sát vào sách vở khi viết hoặc đọc. Tựa ngực vào thành bàn hoặc thậm chí dựa cả người vào bàn khi viết. Khoảng cách giữa sách, vở và mắt bé quá xa. Khi viết bài sử dụng một tay để chống một bên đầu.
Tình trạng cong vẹo cột sống học đường đáng lo ngại 2 Thói quen đọc sách, học bài kkhi nằm hoặc ngồi không đúng tư thế rẩ dễ tổn thương cột sống

Ba mẹ nên phòng ngừa cong vẹo cột sống cho trẻ như thế nào?

Bàn ghế học tập khi phải có kích thước, chiều cao phù hợp với từng trẻ khác nhau. 

Tạo thói quen ngồi học đúng tư thế cho trẻ. Khi ngồi xuống, hai chân phải được đặt ngay ngắn, vuông góc và chắc chắn trên sàn. Cẳng chân và đùi tạo thành một góc 90 độ, ghế nên có chỗ tựa lưng để tăng thêm điểm tựa tránh đau lưng và ngồi chùng xuống. Khi ngồi lưng phải thẳng, đầu và cổ hơi nghiêng về phía trước, hai tay đặt ngay ngắn trên bàn.

Nếu những thói quen đúng đắn này không được hướng dẫn ngay từ ngày đầu tiên đi học thì sau này sẽ rất khó để sửa chữa. Bàn ghế dù có đầy đủ nhưng tư thế ngồi không đúng không chỉ gây cong vẹo cột sống mà còn có thể dẫn đến các bệnh rối loạn cơ xương khớp khác và nguy cơ cận thị cao hơn.

Nơi học tập phải đảm bảo đủ ánh sáng, nên nghỉ giải lao sau mỗi 45 phút học để thư giãn mắt và cơ thể. Ở nhà ngoài ánh sáng chung thì cần trang bị đèn học riêng cho trẻ để đảm bảo ánh sáng tốt nhất cho trẻ học tập. 

Học sinh không nên đeo ba lô quá nặng, trọng lượng của ba lô không quá 15% trọng lượng cơ thể. Ba lô phải có 2 quai, nên mang hai bên vai, tránh mang một bên. 

Lập thời gian biểu để học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý cả ở trường cũng như ở nhà sao cho phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học. Tăng cường các hoạt động ngoài trời, rèn luyện thể lực. 

Cung cấp khẩu phần ăn hợp lý, đa dạng về dinh dưỡng trong từng bữa ăn, đặc biệt là các bữa ăn chính. Đặc biệt chú ý đến những thực phẩm giàu canxi và vitamin D, đây là những yếu tố hỗ trợ xương trong giai đoạn phát triển. 

Khám phát hiện cong vẹo cột sống định kỳ để phát hiện kịp thời và điều trị hoặc có cách phòng ngừa thích hợp. Ngoài ra, việc khám sàng lọc phát hiện cong vẹo cột sống định kỳ giúp nhà trường, gia đình và bản thân học sinh quan tâm hơn đến sức khỏe của mình và tích cực tham gia chương trình phòng chống cong vẹo cột sống học đường.

Tình trạng cong vẹo cột sống học đường đáng lo ngại 3 Hướng dẫn trẻ cách ngồi học đúng tư thế ngay từ đầu để trở thành thói quen tốt

Cong vẹo cột sống học đường không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, hình dáng thẩm mỹ bên ngoài mà còn ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của trẻ nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, nếu có những biểu hiện bất thường về hình dáng cột sống của trẻ, ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa uy tín ngay từ đầu để được điều trị hiệu quả và an toàn.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo