Tìm hiểu quy trình chụp HSG buồng tử cung và vòi trứng
Trong quá trình kiểm tra và chẩn đoán các bệnh lý phụ khoa, chụp HSG là một phương pháp không thể bỏ qua. Đây là kỹ thuật X-quang đặc biệt giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng bên trong tử cung và ống dẫn trứng, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe phụ khoa. Hãy cùng Hà An Pharmacy tìm hiểu quy trình chụp HSG và những rủi ro trong bài viết dưới đây.
Chụp HSG là gì?
Hysterosalpingography (gọi tắt là chụp HSG, hay chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang) là một xét nghiệm X-quang nhằm kiểm tra tình trạng bên trong tử cung và ống dẫn trứng. Phương pháp này thường được sử dụng để chẩn đoán tình trạng tắc nghẽn ống dẫn trứng, dù chỉ là một phần hay hoàn toàn. Bên cạnh đó, chụp HSG còn giúp phát hiện các bất thường về kích thước và hình dạng của tử cung, những yếu tố có thể dẫn đến vô sinh hoặc các rối loạn khác liên quan đến thai kỳ.
Ngoài ra, đối với những trường hợp triệt sản qua cổ tử cung, chụp HSG là một xét nghiệm cần thiết để xác nhận ống dẫn trứng đã được đóng hoàn toàn và việc triệt sản đã thành công hay chưa. Tuy nhiên, chụp HSG không áp dụng với các đối tượng sau:
- Đang mang thai.
- Viêm vùng chậu.
- Chảy máu tử cung nghiêm trọng tại thời điểm làm xét nghiệm.
- Tiền sử dị ứng với chất cản quang.
Quy trình chụp HSG
Chụp HSG thường được tiến hành tại bệnh viện, phòng khám hoặc trung tâm hình ảnh. Thời điểm lý tưởng để thực hiện xét nghiệm này là trong nửa đầu chu kỳ kinh nguyệt (thường từ ngày 6 - 11), khi khả năng thụ thai thấp nhất.
Quá trình chụp HSG bắt đầu bằng việc tiêm thuốc cản quang, thực chất là một chất lỏng chứa thuốc nhuộm vào tử cung và ống dẫn trứng. Chất nhuộm này giúp hiển thị các cấu trúc bên trong lên màn hình X-quang, từ đó bác sĩ có thể quan sát hình dạng và kích thước của tử cung cũng như ống dẫn trứng, đồng thời theo dõi cách thuốc nhuộm di chuyển qua các cơ quan này.
Cụ thể, quá trình chụp HSG diễn ra theo các bước sau:
- Bạn sẽ nằm ngửa với đôi chân đặt trên giá đỡ, giống như khi thực hiện xét nghiệm Pap. Bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ gọi là mỏ vịt vào âm đạo để mở rộng đường âm đạo, giúp quan sát cổ tử cung dễ dàng hơn. Sau đó, cổ tử cung sẽ được làm sạch bằng dung dịch sát khuẩn.
- Nếu cần, cổ tử cung có thể được tiêm thuốc gây tê cục bộ để giảm đau, bạn có thể cảm thấy hơi nhói khi tiêm.
- Tiếp theo, thuốc nhuộm sẽ được tiêm vào tử cung qua hai phương pháp: Một phương pháp là cố định cổ tử cung bằng thiết bị, sau đó đưa một ống thông vào cổ tử cung để truyền thuốc nhuộm. Phương pháp khác là sử dụng một ống nhựa mỏng, đưa qua cổ tử cung với một quả bóng nhỏ ở cuối ống. Quả bóng này sẽ được thổi phồng để giữ ống nhựa cố định trong tử cung.
- Sau khi thuốc nhuộm đã được tiêm, bác sĩ sẽ lấy mỏ vịt ra và di chuyển bạn đến vị trí dưới máy X-quang.
- Dòng chất cản quang chứa thuốc nhuộm sẽ di chuyển từ từ qua ống thông hoặc ống nhựa mỏng, vào tử cung và ống dẫn trứng. Trong quá trình này, bạn có thể cảm thấy hơi đau do chuột rút.
- Khi tử cung và ống dẫn trứng đã đầy thuốc nhuộm, bác sĩ sẽ chụp X-quang và quan sát hình ảnh trên màn hình. Nếu ống dẫn trứng không bị tắc, chất cản quang sẽ tràn ra khỏi đầu ống và được cơ thể hấp thụ.
- Sau khi quá trình chụp kết thúc, ống thông hoặc ống nhựa mỏng sẽ được lấy ra khỏi tử cung.
Một số rủi ro khi thực hiện chụp HSG
Rủi ro nghiêm trọng sau khi chụp HSG rất hiếm khi xảy ra, nhưng vẫn có một số trường hợp đã được ghi nhận. Những rủi ro này bao gồm phản ứng dị ứng với thuốc nhuộm, chấn thương tử cung hoặc viêm vùng chậu. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy liên hệ ngay với bác sĩ:
- Dịch âm đạo có mùi hôi;
- Nôn;
- Ngất xỉu;
- Đau bụng hoặc chuột rút dữ dội;
- Có thể xuất huyết âm đạo;
- Sốt, ớn lạnh.
Có thể mang thai sau khi chụp HSG không?
Chụp tử cung vòi trứng là một thủ thuật an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, sau khi thực hiện, chất cản quang sẽ thoát ra khỏi âm đạo, có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu âm đạo trong vài ngày. Nếu có thai ngay sau khi chụp và xuất hiện hiện tượng chảy máu âm đạo, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để gặp bác sĩ.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh sau khi chụp tử cung vòi trứng để ngăn ngừa viêm nhiễm tử cung hoặc vòi trứng. Tuy nhiên, nếu bạn có thai ngay sau khi chụp, việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyến cáo không nên có thai ngay sau khi chụp tử cung vòi trứng. Nên chờ cho đến khi chất cản quang được đào thải hoàn toàn và cơ thể ổn định trở lại.
Do đó, sau khi chụp tử cung vòi trứng, bạn không nên quan hệ tình dục ngay. Tốt nhất là đợi đến chu kỳ sau để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của thai nhi. Quan hệ quá sớm có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm cơ quan sinh dục.
Chụp HSG không chỉ giúp chẩn đoán các bệnh lý phụ khoa mà còn giúp kiểm tra khả năng sinh sản của nữ giới. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý phụ khoa, chị em nên đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.