Tìm hiểu chứng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là tình trạng phổ biến nhưng không quá nghiêm trọng. Đa số các trường hợp trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ sẽ dần khỏi sau 1 - 2 năm đầu đời và đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị.
Nguyên nhân nào gây chứng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh?
Tắc tuyến lệ là một dạng khuyết tật liên quan đến hệ tuyến lệ thường gặp ở trẻ nhỏ. Bất kỳ nguyên nhân nào gây cản trở sự lưu thông nước mắt từ mắt xuống mũi đều có thể gây ra tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh. Một số yếu tố nguy cơ phổ biến có thể kể đến gồm:
Do tuyến lệ chưa phát triển hoàn chỉnh
Khi còn là thai nhi trong bụng mẹ, hệ thống tuyến lệ ở thời kỳ đầu là một ống đặc. Sau đó mới trở nên rỗng vào những tháng cuối của thai kỳ. Sự biến đổi này của tuyến lệ được gọi là quá trình tạo ống. Đa số trẻ vừa ra đời, hệ thống tuyến lệ đã thông suốt để thực hiện nhiệm vụ dẫn lưu nước mắt. Nhưng có một số trường hợp, quá trình tạo ống vẫn tiếp tục ở trẻ mới sinh cho đến khi bé được 1 - 2 tuần tuổi mới hoàn chỉnh.
Tuyến lệ ở trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh nên dễ bị tắc
Do bẩm sinh
Là nguyên nhân phổ biến, có tới 50% trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ vì nguyên nhân này. Trẻ mắc chứng tắc tuyến lệ bẩm sinh thường do gặp các khuyết tật sau:
- Điểm lệ (điểm khởi đầu của ống lệ đạo) nằm ở góc trong của mắt không có hoặc bị hẹp.
- Các tế bào biểu mô không tạo được những ống dẫn để hình thành ống mũi lệ khi đi xuống mũi khiến cho nước mắt của bé không thoát ra ngoài được.
- Các hệ thống dẫn lưu nước mắt không phát triển đầy đủ hoặc có một hay vài ống bất thường.
- Dò ống lệ mũi bẩm sinh.
- Còn màng tắc tại đầu dưới của ống lệ mũi.
- Ống xương của ống lệ mũi bị biến dạng.
Do mắt bị nhiễm trùng
Khi mắt hay tuyến lệ bị nhiễm trùng hoặc viêm có thể làm cho hệ thống dẫn lưu nước mắt hay mũi bị tắc. Ống mũi lệ sẽ bị tắc một phần hay hoàn toàn. Khi đó, nước mắt không được lưu thông và không thể thoát ra ngoài sẽ làm cho đôi mắt của bé ngập nước.
Mắt bị nhiễm trùng nước mắt không được lưu thông cũng làm trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ
Do chấn thương
Trẻ gặp các chấn thương gần mũi hoặc tại mũi như bị gãy mũi nếu không xử lý kịp thời thì khả năng bị bệnh tắc tuyến lệ rất cao. Nguyên nhân là do các mô sẹo có thể làm tắc ống dẫn nước mắt. Các tai biến sau phẫu thuật cũng có thể gây nên tình trạng tắc hoặc hỏng ống lệ mũi.
Một số nguyên nhân khác
- Trẻ mắc hội chứng Down gây bất thường cho sự phát của hộp sọ và khuôn mặt. Điều này làm tăng khả năng tắc nghẽn của ống dẫn lệ ở trẻ gây tắc tuyến lệ.
- Bất kỳ khối u nào có khả năng gây chèn ép ống dẫn lệ đều là nguyên nhân của tắc tuyến lệ. Có nhiều khối u có thể gây ra tình trạng này trong đó có u nang hoặc sỏi.
- Polyp mũi ở trẻ sơ sinh cũng có thể gây tình trạng tắc tuyến lệ. Chúng là mẩu thịt thừa hình thành từ niêm mạc mũi hay gặp ở những trẻ bị viêm mũi dị ứng khiến hệ thống dẫn lưu nước mắt bị chèn ép.
- Trẻ bị ung thư cũng có thể gặp hiện tượng tắc tuyến lệ do tác dụng phụ của một số thuốc hóa trị và phương pháp xạ trị ung thư.
Biểu hiện cho thấy trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ
Một số biểu hiện mà phụ huynh có thể nhận thấy để kịp thời có biện pháp điều trị bao gồm:
- Mắt trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ lúc nào cũng ướt như vừa khóc. Nước mắt đọng ở khóe mi, ngấn đầy nước mắt, thậm chí nước mắt chảy thành dòng hay rơi thành giọt.
- Trẻ hay bị chảy nước mắt sống. Nước mắt liên tục chảy không ngừng dù cơ thể không bị tác động nào. Hiện tượng này xảy ra nhiều và nghiêm trọng hơn khi trời trở lạnh, có gió hoặc nắng…
- Trẻ hay dụi mắt, da bờ mi ửng đỏ.
- Viêm kết mạc lâu ngày kéo dài và dễ tái phát nhiều lần.
- Mỗi sáng khi ngủ dậy, mắt trẻ thường có nhiều gỉ màu vàng dính quanh mi mắt.
Khi tuyến lệ bị tắc mắt trẻ sơ sinh thường có nhiều gỉ màu vàng dính quanh mi mắt
Cách chữa tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh
Điều trị bảo tồn
Đa số trường hợp trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ sẽ tự khỏi mà không cần đến sự can thiệp y tế. Do đó, các chuyên gia có xu hướng đề nghị điều trị bảo tồn. Phương pháp được thực hiện kết hợp với việc theo dõi cẩn thận sức khỏe của trẻ. Biện pháp này có hiệu quả cải thiện đến 90% tình trạng tắc tuyến lệ trẻ sơ sinh đang mắc phải.
Các bác sĩ có thể đề nghị massage, day mắt và túi lệ cho trẻ sơ sinh. Nếu mắt của trẻ tiết ra nhiều dịch, thuốc nhỏ mắt kháng sinh sẽ được chỉ định bổ sung. Tuy nhiên, việc này sẽ không khắc phục được các vấn đề tiềm ẩn.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp cá biệt, tuyến lệ trẻ sơ sinh vẫn bị tắc kể cả khi quá trình điều trị bảo tồn đã được thực hiện trong thời gian dài. Khi đó, bác sĩ sẽ cần đến một phương pháp điều trị khác khả thi hơn. Phẫu thuật chữa tắc tuyến lệ sẽ chỉ định tiến hành dựa trên nguyên nhân gây bệnh.
- Nếu trẻ sơ sinh không có điểm lệ thì làm phẫu thuật rạch thông lệ đạo.
- Điều trị bằng phẫu thuật đóng lỗ dò trong trường hợp trẻ có dò túi lệ.
- Nếu trẻ bị tắc tuyến lệ do ống lệ mũi tắc nghẽn bẩm sinh, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp tùy theo độ tuổi của trẻ: Massage vùng túi lệ, bơm rửa thông ống lệ đạo, kết hợp kháng sinh tại chỗ hay phẫu thuật nối thông túi lệ mũi.
Phương pháp phẫu thuật điều trị tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh phổ biến nhất là mổ nội soi. Các dụng cụ y tế sẽ được bác sĩ đưa vào ống lệ để loại bỏ vật cản. Với trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi, phẫu thuật nội soi có thể thực hiện tại phòng mạch của bác sĩ mà không cần gây mê. Trẻ lớn hơn cần được gây mê toàn thân và trải qua quá trình trong phòng phẫu thuật đủ điều kiện y tế.
Quá trình phẫu thuật thường chỉ mất tầm 10 phút nhưng tỷ lệ thành công lên tới 80%. Tuy nhiên, trẻ cần ít nhất bảy ngày để cải thiện tình trạng sức khỏe sau khi điều trị bằng phương pháp này.
Tắc tuyến lệ là tình trạng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời trẻ có thể gặp tình trạng viêm ngứa, nhiễm trùng thậm chí là mù. Do đó, bố mẹ cần lưu ý theo dõi để nhanh chóng nhận thấy điểm bất thường và có biện pháp bảo vệ giúp đôi mắt bé luôn khỏe, long lanh, sáng đẹp mỗi ngày.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp