Thực đơn ăn dặm cho bé 7 - 8 tháng giúp tăng cân lại tiết kiệm thời gian cho mẹ
Thực đơn ăn dặm cho bé 7 - 8 tháng tuổi "đúng chuẩn" không chỉ tuân thủ đúng nguyên tắc dinh dưỡng mà còn giúp trẻ tăng cân dễ dàng hơn. Do đó, các bà mẹ cần chuẩn bị thật cẩn thận cho con để trẻ thích thú với việc ăn uống từ đó giúp cho quá trình phát triển của trẻ sẽ diễn ra tốt hơn.
Nhu cầu dinh dưỡng của bé ở tháng thứ 7 - 8
So với những tháng trước trẻ chỉ bú sữa mẹ và làm quen với cháo hay bột loãng, trẻ 7 - 8 tháng tuổi đã dần quen với các bữa ăn dặm. Do đó, bữa ăn của bé cần đa dạng nhiều thực phẩm hơn với 3 nhóm chính: Tinh bột, chất xơ, chất đạm. Ngoài ra, mẹ nên bổ sung thêm trái cây vào khẩu phần ăn của bé.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng với trẻ 7 tháng tuổi, việc tiếp xúc nhiều loại thức ăn sẽ giúp đường ruột phát triển tốt hơn. Trẻ ở độ tuổi này có thể bắt đầu mọc răng sữa đầu tiên. Vì vậy mẹ có thể cho bé ăn thức ăn thô bên cạnh những bữa ăn với bột ăn dặm và cháo loãng. Vậy trẻ 7 - 8 tháng tuổi ăn được những gì?
- Chất đạm: Bắt đầu từ tháng thứ 7 - 8, mẹ có thể bổ sung thêm đạm vào thực đơn ăn dặm của bé. Những loại thực phẩm mẹ nên sử dụng trong giai đoạn này gồm thịt heo, trứng, đậu phụ, cá,...
- Trái cây: Là nguồn bổ sung vitamin dồi dào cho bé. Với loại thực phẩm này mẹ sẽ dễ dàng chế biến, chỉ cần bỏ vỏ và hạt rồi nghiền nhỏ là bé đã có ngay bữa ăn bổ dưỡng.
- Rau xanh: Cung cấp nhiều chất xơ và vitamin tốt cho bé, hầu hết các loại rau xanh đều thích hợp cho bé. Mẹ nên luộc chín sau đó cắt sợi nhỏ trộn vào cháo.
![Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng tăng cân mà tiết kiệm thời gian cho mẹ 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thuc_don_an_dam_cho_be_7_8_thang_tang_can_ma_tiet_kiem_thoi_gian_cho_me_1_c3f1b8c86a.jpeg)
Nguyên tắc xây dựng thực đơn ăn dặm cho trẻ 7 - 8 tháng tuổi
Trẻ 7 - 8 tháng tuổi ít phụ thuộc dần vào sữa mẹ nên thời điểm này chế độ dinh dưỡng cần được cân bằng.
Đảm bảo bổ sung đầy đủ chất
Các chất dinh dưỡng cho bé 7 - 8 tháng tuổi cần được bổ sung là chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Mẹ nên kết hợp thức ăn ngọt để thay đổi khẩu vị và kích thích trẻ ăn ngon miệng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực đơn trong giai đoạn này cần lưu ý:
- Mẹ nên cho bé ăn dặm trước với tôm, cua với lượng thật ít. Nếu trẻ không bị dị ứng có thể tăng dần.
- Đối với thịt gà, mẹ nên chọn phần ức vì trong đó có nhiều chất dinh dưỡng và thịt khá mềm.
- Đối với thịt heo, thịt bò mẹ nên chọn phần thịt ít mỡ như thịt thăn lại ngọt và mềm.
- Đối với cá mẹ nên chọn các loại cá biển như cá ngừ, cá hồi,...
- Ngoài ra hãy tăng cường rau cho con để nhuận tràng và tốt cho hệ tiêu hoá.
Lượng ăn tùy theo nhu cầu của bé
Cân nặng và số lượng thức ăn của bé có mối liên hệ mật thiết với nhau, nếu trẻ 8kg cần dinh dưỡng khác với trẻ 9kg. Vì vậy, mẹ hãy lưu ý cân nặng để lên thực đơn phù hợp cho bé. Nếu 2 tháng mà bé không tăng cân hoặc tăng rất ít thì chắc chắn thực đơn đã thiếu dinh dưỡng hoặc quá nhiều chất đạm.
Cho trẻ ăn đúng giờ
Thời gian cho trẻ ăn là nguyên tắc cực kỳ quan trọng để trẻ tăng cân đều. Vì vậy, hãy lên một lịch trình khoa học. Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức khoảng 600 - 700ml mỗi ngày. Khi chế biến món ăn không nên thêm các loại gia vị. Nếu bé ăn cháo thì nấu theo tỷ lệ 1:7 tức là cứ 10g gạo thì nấu với 70ml nước.
Phương pháp ăn dặm cho bé 7 - 8 tháng tuổi
Cho bé dần dần làm quen với thức ăn, lúc này hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt nên từ từ làm quen là cách để ba mẹ biết bé thích hợp với những loại thức ăn nào. Lúc này thức ăn không nên xay nhuyễn và nên thay đổi nhiều loại thức ăn hằng ngày để trẻ có nhiều chất dưỡng và không biếng ăn. Khi cho trẻ ăn, mẹ nên để trẻ ngồi một chỗ, không cho xem tivi, điện thoại, chơi đồ chơi hay đi lại,... Điều này khiến bé mất tập trung khi ăn.
![Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng tăng cân mà tiết kiệm thời gian cho mẹ 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thuc_don_an_dam_cho_be_7_8_thang_tang_can_ma_tiet_kiem_thoi_gian_cho_me_2_da62ed8ac5.jpeg)
Thực đơn ăn dặm cho bé 7 - 8 tháng
Cháo thịt bò
Nguyên liệu:
- Thịt bò: 30g.
- Cháo trắng.
- Nấm rơm.
Cách làm:
- Thịt bò rửa sạch và băm nhỏ.
- Nấm rơm đem rửa sạch, để ráo, cắt miếng nhỏ.
- Nấu chín cháo thì cho thịt bò và nấm vào nấu cùng cho đến khi các nguyên liệu chín đều thì tắt bếp.
- Đổ cháo ra chén cho bớt nóng và cho trẻ ăn.
Cháo sườn rau củ
Nguyên liệu:
- Bột gạo lứt: 25g.
- Sườn non: 4 - 5 miếng.
- Cà rốt, đậu hà lan, bắp non.
- Dầu ăn cho trẻ.
Cách làm:
- Sườn non rửa sạch, để ráo rồi cho vào nồi ninh nhừ. Sau đó gỡ thịt và băm nhỏ.
- Bắp, cà rốt và đậu hà lan hấp chín và cắt nhỏ.
- Nấu gạo cho chín và cho các nguyên liệu chuẩn bị ở trên vào, nấu sôi thêm vài phút, chú ý khuấy đều tay để cháo không đọng lại ở đáy nồi.
- Sau khi tắt bếp cho một ít dầu ăn vào để nguội và cho bé ăn.
Cá hồi, cà rốt, đậu hà lan, khoai tây
Chuẩn bị 25g cá hồi rửa sạch, bỏ da, bỏ xương và luộc chín sau đó cắt thành từng miếng nhỏ. Rửa sạch ½ củ cà rốt nhỏ, 2 - 3 đậu hà lan và 1/2 củ khoai tây nhỏ, làm sạch vỏ, cắt khúc và hấp cho đến khi chín mềm. Đặt lên dĩa để bé tự chọn và ăn.
Cơm, tôm, súp lơ xanh, chuối
Chuẩn bị 2 - 3 viên cơm nhỏ, 3 gam bông cải xanh rửa sạch và hấp chín, thêm 3 con tôm rửa sạch, lột vỏ và hấp chín. ½ quả chuối chín cắt thành từng miếng nhỏ. Bày tất cả lên dĩa riêng của trẻ để trẻ tự chọn và ăn.
Thịt gà, nấm mộc nhĩ, khoai tây, bí đỏ
Chuẩn bị 2 - 3 gam thịt gà xay nhuyễn với nấm mộc nhĩ thành viên tròn và đem đi hấp chín. Khoai tây, bí đỏ cắt thành khúc nhỏ và hấp chín. Bày lên dĩa để trẻ tự ăn.
Ngoài ra các mẹ có thể tham khảo thêm một số thực đơn ăn dặm cho bé 7 - 8 tháng như:
- Thịt cua, măng tây, su su.
- Trứng gà luộc, nui, bí ngòi xanh.
- Mì trứng, thịt nạc, cải bó xôi, quả bơ.
- Tôm, bắp, đậu hà lan, cà rốt, nho.
- Thịt gà, cháo yến mạch, cà rốt.
![Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng tăng cân mà tiết kiệm thời gian cho mẹ 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thuc_don_an_dam_cho_be_7_8_thang_tang_can_ma_tiet_kiem_thoi_gian_cho_me_3_79cd41aae8.jpeg)
Trong toàn bộ bài viết đã chia sẻ các kiến thức về cách nấu thực đơn ăn dặm cho bé 7 - 8 tháng. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được nhiều cho các mẹ trong việc nuôi dạy con nhỏ. Nếu các mẹ có bất kỳ thắc mắc nào, hãy hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể nhất nhé.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp