Thể dục trong điều trị ung thư

Ngay cả nếu trước khi bị ung thư, bạn không phải là người năng động thì một chương trình tập thể dục theo nhu cầu của riêng bạn vẫn có thể giúp bạn di chuyển an toàn và thành công. Ngoài ra, khi xây dựng kế hoạch và thực hiện tập thể dục thường xuyên không những có tác dụng làm tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, bệnh huyết áp, tiểu đường mà còn đem lại nhiều tác dụng bất ngờ trong việc phòng ngừa ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư gan...

Hơn thế nữa, việc luyện tập thể dục đúng cách còn hỗ trợ hiệu quả cho việc điều trị của các bệnh nhân ung thư. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về vấn đề thể dục trong điều trị ung thư mà bạn đọc có thể tham khảo.

Thể dục trong điều trị ung thư 1 Việc luyện tập thể dục đúng cách còn hỗ trợ hiệu quả cho việc điều trị của các bệnh nhân ung thư

Thể dục trong điều trị ung thư

Thể dục trong và sau khi điều trị ung thư

Những bài tập thể dục được thiết kế tốt có thể đem lại hiệu quả cho việc:

  • Giảm khả năng bị tác dụng phụ, chẳng hạn như mệt mỏi, bệnh lý thần kinh, phù do hệ bạch huyết, loãng xương và buồn nôn.
  • Giảm nguy cơ trầm cảm và lo âu.
  • Giúp bạn linh hoạt và độc lập nhất có thể.
  • Cải thiện khả năng thăng bằng để giảm chấn thương do té ngã.
  • Ngăn ngừa sự tiêu cơ và tăng sức bền.
  • Ngăn ngừa tăng cân và béo phì – những bệnh lý có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư.
  • Cải thiện giấc ngủ.
  • Giảm thời gian nằm viện.
  • Điều trị hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư.
  • Cải thiện tỷ lệ sống cho một số bệnh ung thư như: Ung thư vú và đại trực tràng và các bệnh ung thư khác.
  • Ngăn ngừa các bệnh mãn tính khác như bệnh tim hay đái tháo đường.
  • Nâng cao chất lượng sống.
Thể dục trong điều trị ung thư 2 Thể dục trong điều trị ung thư

Thể dục trước khi điều trị ung thư

Trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục trong hoặc sau khi điều trị ung thư, hãy trao đổi với các bác sĩ trước khi thực hiện. Mặc dù tập thể dục được chứng minh là an toàn trong các loại điều trị ung thư khác nhau, khả năng cho phép để bạn tập thể dục cũng như các loại bài tập bạn có thể làm phụ thuộc vào:

  • Loại ung thư bạn mắc phải.
  • Các phương pháp điều trị đang được sử dụng.
  • Các tác dụng phụ mà bạn đang gặp phải.
  • Cường độ tập thể dục của bạn.
  • Các vấn đề sức khỏe khác của bạn.

Bạn có thể không tập được những bài thể dục như trước khi điều trị bạn đã từng. Sau khi điều trị, để đạt mức độ tập như trước khi bị ung thư, bạn cần phải có thời gian. Hãy đề nghị bác sĩ của bạn giới thiệu một chuyên gia chuyên về tập thể dục trong ung thư, họ có thể thiết kế một bài tập tốt nhất cho riêng bạn. Bạn có thể theo một chương trình riêng. Hoặc bạn có thể cần phải tham vấn với chuyên gia tập thể dục.

Bên cạnh đó còn có các chương trình thể dục nhóm được thiết kế để giúp cho những người sống chung hoặc vượt qua bệnh ung thư duy trì được hoạt động thể chất.

Chương trình tập thể dục của bạn nên có gì?

Chìa khóa cho một chương trình tập thể dục an toàn và hiệu quả trong và sau khi điều trị ung thư chính là một chuỗi các loại bài tập khác nhau là. Nói chung, một chương trình hoàn chỉnh nên có:

Bài tập thở

Một số người bị ung thư có thể bị ngộp thở hoặc khó thở. Vì vậy hoạt động thể chất của họ bị hạn chế. Các bài tập thở giúp lưu thông không khí có thể cải thiện sức bền cho bạn. Những bài tập này cũng có thể giúp giảm những căng thẳng và lo âu.

Thể dục trong điều trị ung thư 3 Một số người bị ung thư có thể bị ngộp thở hoặc khó thở

Kéo căng

Bài tập kéo căng thường xuyên có thể giúp cải thiện tính linh hoạt và dáng điệu của bạn. Nó giúp tăng lưu lượng máu và oxy đến cơ bắp và cũng có thể giúp cơ thể bạn tự phục hồi. Bài tập kéo căng thường hữu ích đối với những bệnh nhân ít vận động trong giai đoạn hồi phục sau điều trị ung thư. Ví dụ như xạ trị có thể gây hạn chế phạm vi di chuyển của bạn và làm cơ bắp cứng lại. Sau phẫu thuật, bài tập này có thể giúp phá vỡ mô sẹo.

Thể dục trong điều trị ung thư 4 Bài tập kéo căng thường xuyên có thể giúp cải thiện tính linh hoạt và dáng điệu của bạn

Bài tập thăng bằng

Mất thăng bằng có thể là tác dụng phụ do bệnh ung thư và do điều trị. Các bài tập thăng bằng có thể giúp bạn lấy lại chức năng và khả năng vận động để bạn có thể quay trở lại cuộc sống hàng ngày một cách an toàn. Thăng bằng tốt cũng giúp ngăn ngừa chấn thương, chẳng hạn như té ngã.

Bài tập aerobic

Còn được gọi là tập tăng cường nhịp tim. Nó củng cố khả năng của tim và phổi để bạn có thể cảm thấy bớt mệt mỏi trong và sau khi điều trị.Trong bài tập này, đi bộ là một phương pháp dễ thực hiện. Ví dụ, bạn có thể được bác sĩ đề nghị đi bộ 40 đến 50 phút, 3 đến 4 lần mỗi tuần với tốc độ vừa phải.

Với mục tiêu là theo các hướng dẫn tập Aerobic của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khuyến cáo tập thể dục 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải cho người lớn. Hoặc bạn có thể thực hiện 75 phút nếu cường độ mạnh.

Rèn luyện sức bền

Tình trạng mất cơ thường xảy ra ở một người ít vận động trong quá trình điều trị và phục hồi. Một số liệu pháp điều trị cũng gây yếu cơ. Việc rèn luyện sức bền, rèn sức chịu đựng giúp bạn duy trì và tăng sức mạnh của cơ bắp. Tăng khối cơ có thể giúp bạn thăng bằng, giảm mệt mỏi và cảm thấy các hoạt động thường nhật trở nên dễ dàng hơn. Nó cũng giúp ngăn ngừa loãng xương, yếu xương gặp trong một số bệnh ung thư hoặc một số liệu trình điều trị.

CDC khuyến cáo rèn sức bền toàn thân hai ngày mỗi tuần. Một chương trình rèn sức bền có thể dùng tạ tay, máy tập thể dục, dây kháng và chính cân nặng cơ thể bạn.

Tập thể dục an toàn trong quá trình điều trị

Nếu bạn đang có tác dụng phụ do bệnh ung thư hoặc từ điều trị, bạn phải thận trọng trong khi tập thể dục. Bạn có thể phải thay đổi chương trình tập thể dục tùy thuộc vào vấn đề cụ thể của bạn. Ví dụ, nếu việc điều trị có ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở tay, sử dụng tạ máy có thể an toàn hơn tạ tay. Hoặc nếu việc điều trị gây loãng xương, bạn nên tránh các bài tập gây căng vùng cổ và tăng nguy cơ bị té ngã. Dưới đây là một vài cách khác để đảm bảo rằng bạn hoàn thành tối đa chương trình tập luyện nhưng vẫn an toàn:

Tập từ từ

Ngay cả khi trước điều trị bạn là một người hoạt động thể chất, hãy thiết kế mức độ vận động một cách từ từ. Điều này có thể giúp bạn tránh các chấn thương và không nản lòng.

Tập thể dục trong môi trường an toàn

Việc điều trị đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn, vì vậy hãy tránh các phòng tập thể dục lớn vì vi trùng lây lan dễ dàng ở đây.

Lắng nghe cơ thể của chính bạn

Nếu mức năng lượng của bạn thấp, hãy điều chỉnh thời gian hoặc mức độ chuyên cần của bạn cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn.

Giữ nước

Uống nhiều nước trong quá trình tập luyện của bạn để tránh mất nước.

Thể dục trong điều trị ung thư 5 Uống nhiều nước trong quá trình tập luyện của bạn để tránh mất nước

Chế độ ăn dinh dưỡng

Các loại thực phẩm phù hợp, đặc biệt là những thực phẩm giàu protein giúp cơ thể bạn phục hồi sau các tập thể dục. Chuyên gia dinh dưỡng ung thư có thể giúp bạn lên một kế hoạch dinh dưỡng phù hợp.

Khám thường xuyên

Sức khỏe của bạn có thể thay đổi trong suốt quá trình điều trị. Hãy đảm bảo rằng bác sĩ của bạn kiểm tra các chỉ số sức khỏe quan trọng, chẳng hạn như số lượng các dòng tế bào máu, để bạn biết liệu có an toàn để tập thể dục không.

Tập thể dục là một phần của phục hồi chức năng trong bệnh ung thư

Đôi khi tập thể dục được coi như là một phần của chương trình phục hồi ung thư. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu được sự khác biệt giữa tập thể dục và phục hồi chức năng bệnh ung thư. Phục hồi chức năng bệnh ung thư là một chương trình điều trị toàn diện giúp cho một người bệnh có thể duy trì được các hoạt động chức năng của cơ thể trong và sau khi điều trị ung thư. Các bài tập trong chương trình phục hồi ung thư là các liệu pháp được sử dụng để điều trị chuyên sâu về các vấn đề sức khỏe và vận động cụ thể.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com



Chat with Zalo