Thắc mắc: Khô mực bị mốc có ăn được không?
Khô mực được chế biến từ mực được phơi nắng hoặc sấy khô. Khô mực rất được ưa chuộng vì thời gian bảo quản lâu hơn nhưng vẫn giữ được hương vị thơm ngon như mực tươi.
Nguyên nhân khiến mực khô bị mốc
Nguyên nhân làm khô mực bị mốc cũng khá giống với nguyên nhân gây mốc ở các thực phẩm khác. Nguyên nhân dễ nhận biết nhất là bảo quản mực khô sai cách.
Có thể khi mua khô mực về mà bạn chưa có nhu cầu sử dụng ngay, bạn loay hoay và sau đó quên nó đi, vẫn để khô mực ở môi trường bên ngoài. Chỉ sau khoảng 5 - 7 ngày, mực khô sẽ bị lên mốc vì không được bảo quản đúng cách. Ngoài ra, trong trường hợp bạn đã bọc kín khô mực nhưng vẫn để chúng ở những nơi ẩm ướt thì nấm mốc vẫn có thể hình thành và phát triển nhanh chóng.
Nói như vậy không có nghĩa cho vào tủ lạnh thì mực khô không bị mốc. Nếu bạn cho vào tủ lạnh quá lâu mà không mang ra sử dụng, nấm cũng vẫn có thể phát triển và làm hỏng khô mực.
![Thắc mắc: Khô mực bị mốc có ăn được không? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thac_mac_kho_muc_bi_moc_co_an_duoc_khong_af1ad65a2b.jpeg)
Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân khách quan, đó là do khí hậu nước ta là nhiệt đới gió mùa ẩm, vì vậy mà độ ẩm trong không khí cao, dễ khiến khô mực bị mốc trong quá trình vận chuyển cũng như bảo quản. Hoặc, mua mực khô được bày bán ngoài chợ, không được bảo quản bằng gói hút chân không, tiếp xúc nhiều với không khí nên nếu mua về, chỉ trong một thời gian ngắn mực khô sẽ bị mốc nhanh chóng.
Nguyên nhân cuối cùng có thể là do bạn mua nhầm hàng kém chất lượng. Khô mực đã sản xuất lâu ngày, mực khô cũ cũng là một nguyên nhân có thể khiến mực nhanh bị mốc.
Cách nhận biết khô mực bị mốc
Để nhận biết khô mực bị mốc cũng khá đơn giản, chỉ cần khi mua hoặc trước khi dùng bạn tiến hành kiểm tra kĩ cẩn thận là được. Một số lưu ý khi kiểm tra để nhận biết khô mực bị mốc:
- Nếu khô mực bị mốc, phần thân của mực sẽ xuất hiện các hấm xanh đen. Mốc càng nhiều thì sẽ có nhiều chấm đen hình thành, nhờ vậy mà bạn có thể dễ dàng phát hiện khô mực đã bị mốc do diện tích bị mốc rất lớn, chấm đen đã tạo thành các mảng có thể nhìn bằng mắt thường. Còn với mực khô vừa mới chớm bị mốc, bạn cần kiểm tra cẩn thận hơn, thậm chí xem xét từng sợi râu mực, phần đầu và lật cả hai mặt để xem xét. Lúc này các chấm đen thường mờ, nhìn không rõ nên cần quan sát cẩn thận.
- Khi lựa chọn khô mực, chúng ta thường quan tâm đến lớp phấn trắng phủ bên ngoài. Mực ngon thì lớp phấn này rất mỏng, khi rơi trên tay sẽ giống như lớp bụi, thổi có thể bay. Còn nếu mực bị mốc trắng thì lớp này sẽ dày, sờ trên tay có cảm giác dính ướt, không thể thổi bay.
- Có thể kiểm tra khô mực có bị mốc hay không thông qua mùi thơm đặc trưng. Nếu mực bị mốc sẽ không còn hương thơm như ban đầu nữa, thay vào đó là mùi hắc của mốc khó chịu.
- Khi chế biến, mực khô bị mốc sẽ không có vị ngọt, vị nó sẽ đắng, tanh nồng khó ăn.
![Thắc mắc: Khô mực bị mốc có ăn được không? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thac_mac_kho_muc_bi_moc_co_an_duoc_khong_1_69331179f2.jpeg)
Khô mực bị mốc có ăn được không?
Tuỳ vào mức độ nấm mốc mà ta có thể xem xét. Khi khô mực đã bị lên mốc nhiều thì tốt nhất không nên dùng nữa mà hãy đem vứt bỏ ngay. Khi khô mực đã lên đến mốc xanh, mốc đen thì tuyệt đối không chế biến thành đồ ăn nữa mà cần vứt nhanh chóng. Mặc dù giá mực khô khá cao nhưng bạn không nên tiếc mà cố gắng tiêu thụ thực phẩm có hại cho sức khoẻ của mình, đặc biệt là ăn mực khô bị mốc.
Nguyên nhân là do trong nấm mốc có các chất men hóa học. Khi các chất này đi vào đường ruột sẽ gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí nặng hơn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, nấm mốc của hải sản thường sẽ tiết ra aflatoxin, theo nghiên cứu thì chất này là nguyên nhân dẫn tới ung thư gan. Do đó không nên tiếc mà cố sử dụng khô mực bị mốc.
Khô mực bị mốc nhẹ có xử lý được không?
Khô mực bị mốc nặng thì mang vứt đi, vậy khô mực bị mốc nhẹ thì sao?
Khô mực vừa mới chớm bị mốc, các chấm xanh đen xuất hiện thưa thớt thì có thể xử lý sơ qua để sử dụng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ rửa sạch, phơi nắng rồi sử dụng là cực kì sai. Nhiệt độ cao của mặt trời không thể phá hủy aflatoxin do vi khuẩn tiết ra vì nó khá “cứng đầu”.
Do đó, cách xử lý đúng đắn nhất lúc này là dùng dao khoét thật sâu vào khu vực bị nấm để làm sạch hết chân nấm. Sau đó ngâm khô mực trong nước ấm 60 độ khoảng 30 phút (có thể thay bằng dấm ăn thường ngày) để lâu sạch cả thân mực. Sau đó không nên bảo quản nữa mà cần đem chế biến ngay.
![Thắc mắc: Khô mực bị mốc có ăn được không? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://s3-sgn09.fptcloud.com/cms-prod/thac_mac_kho_muc_bi_moc_co_an_duoc_khong_2_017d1cc20f.jpeg)
Khi phát hiện khô mực bị mốc nặng, bạn không nên sử dụng nữa mà cần nhanh chóng vứt đi. Nếu mực mốc ở dạng nhẹ thì bạn có thể áp dụng cách xử lý khô mực mốc kể trên.
Hy vọng với những thông tin hữu ích trên, quý đọc giả đã biết được khô mực bị mốc có ăn được không cũng như cách xử lý nếu thực phẩm này bị mốc. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khoẻ tốt nhất bạn nên bảo quản khô mực đúng cách và dùng ngay khi khô mực còn thơm ngon.
Thảo Nhi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp