Tăng huyết áp ác tính là gì? Những triệu chứng nhận biết bệnh tăng huyết áp ác tính

Tăng huyết áp ác tính được mệnh danh là “kẻ sát nhân thầm lặng”, nếu người bệnh không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng như đột quỵ, đau thắt ngực, suy tim - phù phổi cấp thậm chí là tử vong. Vậy tăng huyết áp ác tính là gì? Làm sao để nhận biết bệnh tăng huyết áp ác tính? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Hà An Pharmacy để được giải đáp thắc mắc trên.

Tăng huyết áp ác tính là gì?

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch khi lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể. Sức cản ngoại vi và lực co bóp của tim là 2 yếu tố chính để tạo nên huyết áp. Trên thực tế, huyết áp của mọi người không hoàn toàn giống nhau mà sẽ có những độ chênh lệch nhất định. Tuy nhiên, với đặc điểm của dân cư Việt Nam, một người bình thường có huyết áp tâm thu khoảng 120mmHg, huyết áp tâm trương khoảng 80mmHg. Khi những chỉ số này đột ngột tăng rất cao và phát triển nhanh chóng, gây tổn thương cho cơ quan đích, đặc biệt là những cơ quan nhạy cảm với huyết áp như não, tim mạch, thận, mắt thì được gọi là tăng huyết áp ác tính. Ngày nay, thuật ngữ tăng huyết áp ác tính thường được sử dụng khi bệnh nhân có chỉ số huyết áp tăng nghiêm trọng như:

  • Huyết áp tâm thu trên 180mmHg.
  • Huyết áp tâm trương trên 120mmHg.

Một cơn tăng huyết áp ác tính cần phải được phát hiện và chữa trị ngay lập tức vì các cơ quan nội tạng chịu nhiều ảnh hưởng của huyết áp, nếu không nhanh chóng điều chỉnh để đưa huyết áp về mức độ an toàn thì rất dễ phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như suy tim, nhồi máu cấp, đột quỵ, mù lòa, suy thận… Trên thực tế, tăng huyết áp ác tính có thể trực tiếp đe dọa đến tính mạng của con người nếu không được chữa trị.

Tăng huyết áp ác tính là gì? Những triệu chứng nhận biết bệnh tăng huyết áp ác tính 1
Huyết áp cao trên 180/120mmHg được coi là tăng huyết áp ác tính

Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ác tính là gì?

Tình trạng tăng huyết áp ác tính thường rất hiếm gặp, đa số các trường hợp mắc bệnh thường là những người có tiền sử tăng huyết áp trước đó. Tuy nhiên, nó cũng phổ biến hơn ở nam giới và người có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Một nghiên cứu năm 2012 đã chứng minh rằng có khoảng 1 - 2% người mắc bệnh huyết áp cao tiến triển thành cơn tăng huyết áp ác tính. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Rối loạn chức năng thận, suy thận.
  • Chấn thương tủy sống.
  • Hẹp động mạch thận.
  • Hẹp van động mạch chủ.
  • Bệnh mạch máu collagen xơ cứng bì.
  • Rối loạn thần kinh trung ương, chẳng hạn như chấn thương đầu, nhồi máu não, xuất huyết não.
  • Do bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc điều trị huyết áp đột ngột hoặc không tuân thủ đúng phương pháp điều trị của bác sĩ.
  • Sử dụng nhiều các loại thuốc chứa thành phần cocaine, amphetamine, thuốc ngừa thai hoặc ức chế monoamin oxydase.
  • Tiền sản giật thường gặp ở mẹ bầu mang thai tuần thứ 20, nhưng đôi khi có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn trong thai kỳ, thậm chí một số chị em vẫn có thể gặp tình trạng này sau khi đã sinh nở.
Tăng huyết áp ác tính là gì? Những triệu chứng nhận biết bệnh tăng huyết áp ác tính 2
Những nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ác tính là gì?

Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp ác tính

Tăng huyết áp ác tính hay còn được gọi là “kẻ sát nhân thầm lặng”, bởi lẽ bệnh diễn biến khá âm thầm, không hề có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng nào nhưng lại gây ra những hậu quả hết sức nặng nề cho người bệnh. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu và rà soát, người ta đã tìm ra một số đặc điểm khác của bệnh tăng huyết áp ác tính so với bệnh tăng huyết áp thông thường đó là:

  • Đau đầu dữ dội.
  • Người bệnh có cảm giác khó thở, tức ngực giống như có vật nặng đang đè lên người.
  • Chóng mặt, buồn nôn, nôn.
  • Tầm nhìn bị thay đổi, hạn chế khả năng nhìn và đôi khi có thể dẫn đến nhìn mờ trong thời gian ngắn.
  • Tê cứng cơ mặt và các cơ ở tay và chân.
  • Đầu óc trở nên căng thẳng, khó tập trung để hoàn thành công việc.
  • Thay đổi trạng thái tinh thần: Lo lắng, lú lẫn, giảm tỉnh táo, giảm khả năng tập trung, mệt mỏi, buồn ngủ, sững sờ.
  • Thay đổi các thói quen tiểu tiện: Tiểu rắt, buồn tiểu nhưng không thể đi tiểu.
  • Huyết áp tăng nhanh từ 180/120mmHg trở lên.
  • Chảy máu, sưng tấy các mạch máu nhỏ trong võng mạc mắt.

Ngoài những triệu chứng thường thấy như trên, một số trường hợp bị tăng huyết áp ác tính do tổn thương não bộ còn xuất hiện các dấu hiệu khác như co giật, liệt nửa người, mất ý thức tạm thời…

Tăng huyết áp ác tính là gì? Những triệu chứng nhận biết bệnh tăng huyết áp ác tính 3
Người bệnh tăng huyết áp ác tính thường xuất hiện cơn đau đầu dữ dội

Biến chứng của tăng huyết áp ác tính là gì?

Tăng huyết áp ác tính có thể gây nhiều biến chứng nặng nề, đặc biệt những cơ quan chịu ảnh hưởng của huyết áp như não, tim mạch, thận. Vì vậy, nếu không kịp thời phát hiện và xử lý tăng huyết áp ác tính sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh.

  • Ở tim, tăng huyết áp ác tính có thể làm phì đại thất trái gây suy tim, bệnh mạch vành, phình động mạch chủ, loạn nhịp và cuối cùng dẫn đến ngừng tim.
  • Ở thận, tăng huyết áp ác tính có thể gây suy thận, giảm chức năng lọc của cầu thận.
  • Ở não, tăng huyết áp ác tính có thể gây đột quỵ, thường là nhồi máu não, xuất huyết não hoặc xuất huyết dưới màng nhện. 
  • Ở phổi, bệnh có thể tiến triển gây cơn phù phổi cấp làm cho người bệnh khó thở tăng dần.
  • Ở mắt, tăng huyết áp ác tính gây tổn thương mạch máu nhỏ ở đáy mắt, xuất tiết bông, hẹp tiểu động mạch, phù gai thị.
  • Tăng huyết áp ác tính còn là nguyên nhân dẫn đến hội chứng chuyển hóa, một hội chứng bất thường trong quá trình chuyển hóa của người bệnh, đây là nguy cơ của các bệnh tiểu đường, bệnh động mạch vành, đột quỵ, tổn hại thị lực, giảm sút trí tuệ…

Những biến chứng do tăng huyết áp ác tính gây ra thường rất nặng nề. Nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi có biến chứng ở những cơ quan này nên khi đó bệnh đã tiến triển rất nặng và khó cứu chữa.

Với những thông tin mà Hà An Pharmacy đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ bệnh tăng huyết áp ác tính là gì để từ đó có những biện pháp phòng ngừa thích hợp. Nói chung, đây là một tình trạng cần điều trị nhanh chóng, nhất là những người có tiền sử bệnh tăng huyết áp nên có lối sống lành mạnh đồng thời tuân thủ chế độ sử dụng thuốc hàng ngày để huyết áp luôn ổn định.

Vũ Ánh

Nguồn tham khảo: medlatec.vn, vinmec.com



Chat with Zalo