Tâm lý tuổi dậy thì ở nam thay đổi thế nào? Cách giúp con vượt qua khủng hoảng tâm lý
Trong giai đoạn dậy thì, dù là con trai hay con gái, các em đều sẽ trải qua những thay đổi lớn về thể chất và tâm lý. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ có thể trở nên bướng bỉnh hay xấu hổ và ít khi chia sẻ với ba mẹ. Dạy con ở tuổi dậy thì không hề đơn giản. Nếu bạn cũng đang băn khoăn không biết phải làm thế nào, hãy dành vài phút tham khảo cách dạy con tuổi dậy thì dưới đây nhé.
Những thay đổi trong tâm lý tuổi dậy thì ở nam
Tính cách của trẻ nam khi bước vào tuổi dậy thì sẽ trải qua nhiều thay đổi. Tuổi dậy thì ở các bé trai thường trong độ tuổi từ 12 đến 16. Những thay đổi tâm sinh lý điển hình sau đây sẽ xảy ra ở trẻ nam trong độ tuổi dậy thì:
- Tự đưa ra phán đoán của riêng mình: Sự thay đổi nội tiết tố và sự phát triển thần kinh đã làm tăng khả năng nhận thức và trí tuệ của thanh thiếu niên. Trẻ bắt đầu phát triển mạnh hơn các kỹ năng suy luận, tư duy logic,… và thường tự đưa ra những đánh giá của riêng mình.
- Luôn muốn khẳng định mình: Trẻ thường coi mình là người lớn và thích bắt chước người lớn.
- Muốn tự lập: Một trong những tâm sinh lý tuổi dậy thì ở các bé trai là mong muốn tự lập. Trẻ em dần sống khép kín và tách khỏi gia đình, thích ở gần bạn bè cùng lứa tuổi. Luôn muốn khẳng định bản thân nhiều hơn. Muốn có quyền tự chủ hơn đối với các quyết định, cảm xúc và hành động của mình và không muốn bị ba mẹ kiểm soát.
- Dễ bị tổn thương: Khả năng giải quyết các vấn đề xã hội của trẻ thành niên còn đang phát triển nên trẻ chưa tự chủ và dễ bị tổn thương trong các mối quan hệ xã hội như tình bạn, tình cảm khác giới,...
- Có nhiều sự tò mò: Có rất nhiều câu hỏi thắc mắc về tuổi dậy thì ở các bé trai. Chúng bắt đầu thích tìm hiểu thêm về các chủ đề chưa từng biết trước đây.
Cách giúp con trải qua tâm lý tuổi dậy thì ở nam
Làm gương cho con
Ba mẹ có thể trở thành hình mẫu của con trong các mối quan hệ tích cực với bạn bè và đồng nghiệp. Trẻ sẽ học được bằng cách quan sát các mối quan hệ có sự tôn trọng, đồng cảm và giải quyết xung đột một cách tích cực.
Ba mẹ cũng có thể là hình mẫu trong việc quản lý cảm xúc. Ví dụ, sẽ có những lúc ba mẹ cảm thấy cáu kỉnh và mệt mỏi. Thay vì né tránh hoặc cáu gắt với con cái ba mẹ có thể nói “Ba mẹ đang mệt, hiện tại không thể nói chuyện một cách bình tĩnh nên mình có thể trò chuyện sau được không?”.
Lắng nghe tâm sự của con
Lắng nghe tích cực có thể là một cách hiệu quả để củng cố mối quan hệ của ba mẹ với con cái trong giai đoạn này. Để chủ động lắng nghe, bạn phải dừng việc đang làm khi con muốn nói. Tôn trọng cảm xúc, ý kiến của con và cố gắng hiểu quan điểm của chúng, ngay cả khi quan điểm này khác với quan điểm của ba mẹ.
Cởi mở cảm xúc với con
Nói với con bạn những gì bạn nghĩ về hành vi của con sẽ giúp trẻ học cách đọc và kiểm soát lại cảm xúc của mình. Thông qua đó, trẻ học được cách kết nối tích cực và có thể xây dựng mối quan hệ lành mạnh với những người xung quanh.
Nuôi dưỡng tâm lý lành mạnh
Khi ba mẹ nói chuyện một cách cởi mở về các mối quan hệ, giáo dục giới tính mà không phán xét suy nghĩ của con, điều này có thể tạo dựng lòng tin giữa hai bên. Đồng thời phát triển tâm sinh lý lành mạnh đối với trẻ nam. Nhưng tốt hơn hết là ba mẹ nên tìm thời điểm thích hợp để nói về chủ đề này thay vì bắt buộc con không làm theo ý mình.
Nên khéo léo hỏi trẻ đã tìm hiểu chủ đề này chưa, sau đó đính chính thông tin và đưa tới thông tin đúng đắn cho trẻ biết. Ba mẹ nên có những cuộc trò chuyện nói về hành vi tình dục phù hợp. Và cho con biết rằng ba mẹ luôn sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào xung quanh vấn đề này.
Trò chuyện cùng con
Trẻ trong độ tuổi dậy thì thường không muốn nói chuyện, tâm sự với ba mẹ. Ngoài ra, các bé trai cũng khó bộc lộ cảm xúc của mình trong độ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, thay vì bực bội vì bị trẻ “phớt lờ” thì ba mẹ cần kiên nhẫn. Hãy thử các phương pháp sau đây để dạy trẻ vượt qua tuổi dậy thì lành mạnh:
- Hỏi trẻ những câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng để trẻ trả lời từng câu hỏi.
- Tận dụng thời gian cùng con chuẩn bị bữa ăn, đi bộ, dọn dẹp nhà cửa, trong bữa ăn,... để chia sẻ với nhau dễ dàng hơn.
- Khi nói chuyện với trẻ, bạn phải hết sức bình tĩnh, không tức giận hoặc thất vọng có thể khiến trẻ không muốn chia sẻ nữa.
- Hãy cho trẻ thời gian, không nên tức giận, khó chịu khi trẻ không thay đổi hành vi hoặc thái độ ngay lập tức, hãy để trẻ tiếp thu và tự xử lý thông tin.
Đặt ra giới hạn
Ba mẹ nên đặt ra các ranh giới và quy tắc dựa trên các giá trị sức khỏe, thời gian, những gì được phép và không được phép làm. Cũng cần giải thích cho trẻ hiểu tại sao lại tồn tại những quy tắc này và những quy tắc này chỉ áp dụng nếu trẻ đã hiểu và đồng ý. Đồng thời, ba mẹ cũng đưa ra hậu quả mà trẻ phải đối mặt nếu vi phạm các quy tắc. Ví dụ, trẻ phải về nhà sớm, làm việc nhà hoặc tiền tiêu vặt sẽ giảm đi. Tránh trừng phạt quá nghiêm khắc khi trẻ có hành vi sai trái hoặc không đúng vì đó không phải là cách hiệu quả để phát triển tâm lý tuổi dậy thì ở trẻ, thậm chí sẽ phản tác dụng khiến trẻ ngày càng xa lánh ba mẹ.
Dạy con biết chịu trách nhiệm
Để trẻ có thể tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, ba mẹ cũng phải dạy trẻ có trách nhiệm. Cung cấp những thông tin cơ bản về tự chăm sóc bản thân, hướng trẻ hình thành lối sống lành mạnh hay có trách nhiệm với những hành vi của mình, cũng là một điều cần dạy trẻ ở độ tuổi này.
Làm bạn với bạn của con
Làm quen với bạn bè của trẻ và chào đón chúng đến nhà chơi sẽ giúp trẻ duy trì các mối quan hệ xã hội. Hiểu bạn bè của con cái như thế nào để giúp con biết nên giao tiếp và tìm bạn chơi như thế nào. Tuyệt đối ba mẹ không cấm con kết bạn hay chỉ trích bạn bè của con, điều này có thể phản tác dụng, có nghĩa là con bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn cho một nhóm ba mẹ ngăn cấm.
Mong rằng với những thông tin về vấn đề tâm lý tuổi dậy thì ở nam đã chia sẻ trên đây, các bạn sẽ hiểu hơn về những thay đổi tâm sinh lý của con tuổi dậy thì và giúp con vượt qua những khủng hoảng tâm lý và có được bước đi vững chắc trong tương lai.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp