Tại sao khóc đến không thở được, có cảm giác vướng ở cổ khi khóc?
Khóc là một trong những hành động tự nhiên của con người chúng ta, giúp thể hiện những cảm xúc đau khổ, buồn bã và cũng có thể là sự vui mừng. Đặc biệt là khi trải qua những chuyện lớn trong cuộc đời hoặc khi mất mát những người thân thương. Khi cảm xúc quá mạnh mẽ, sự tổn thương và đau khổ quá sâu sắc có thể đẩy cơn khóc lên cao trào, khiến chúng ta khóc đến không thở được. Đồng thời còn có cảm giác vướng nghẹn ở cổ.
Tại sao chúng ta khóc?
Khóc là trạng thái chảy nước mắt do một cảm xúc nào đó. Đa số cảm xúc dẫn tới khóc là buồn khổ, đau đớn nhưng đôi khi cũng có thể là vui sướng.
![Tại sao khóc đến không thở được, có cảm giác vướng ở cổ khi khóc? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tai_sao_khoc_den_khong_tho_duoc_co_cam_giac_vuong_o_co_khi_khoc_1_b8810d94b1.jpg)
Một số nguyên do dẫn đến việc chúng ta khóc có thể kể đến là:
- Khóc để giải tỏa cảm xúc: Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến đó chính là để xử lý về mặt cảm xúc. Khi chúng ta chất chứa quá nhiều cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc liên quan đến nỗi đau tinh thần thì đều có thể dẫn đến khóc. Nỗi đau càng lớn sẽ càng đẩy mạnh cảm xúc, khiến bạn khóc nhiều đến mức khó thở.
- Khóc để giảm đau: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi khóc cơ thể sẽ tiết ra hai loại chất là endorphin và oxytocin. Đây là những chất tự nhiên giúp cơ thể xoa dịu nỗi đau thể xác và cảm xúc đau khổ tột cùng. Vì thế khóc được xem là một hành vi xoa dịu nỗi đau của cơ thể.
- Khóc để được giúp đỡ: Khóc là một phản ứng của cơ thể mà hầu hết mọi người không thể kiểm soát được khi đau buồn hoặc lúc gặp khó khăn. Vì vậy, nước mắt có thể được xem là một kiểu “yêu cầu giúp đỡ” trong lúc bạn không thể nói nên lời.
- Khóc thể hiện sự hạnh phúc, vui sướng tột độ: Khi con người đang ngập tràn trong cảm xúc tích cực, vui mừng tột độ thì cũng có thể dẫn đến việc khóc.
Tại sao lại gặp tình trạng khóc đến không thở được, khó thở và vướng ở cổ khi khóc?
Có rất nhiều lý do dẫn tới tình trạng khóc tới không thở được và có cảm giác vướng ở cổ ngoại trừ do các bệnh lý như viêm amidan, viêm họng, các khối u, trào ngược dạ dày, thực quản, dị ứng,...
Khi chúng ta khóc quá lâu, khóc nhiều và quá mạnh mẽ thì có thể kèm theo tình trạng khó thở, tức ngực, khó chịu và nghẹn ở cổ họng. Có thể đây là do hệ quả của các vấn đề liên quan tới tinh thần, thần kinh như lo lắng và căng thẳng quá độ.
Triệu chứng trên tuy không quá nghiêm trọng và có thể biến mất nếu tinh thần của người bị được cải thiện. Tuy nhiên cũng không nên quá chủ quan, mà cần luôn theo dõi sát sao các dấu hiệu sức khỏe để có thể đến các cơ sở y tế thăm khám và được chẩn đoán kịp thời.
Gợi ý một số cách giúp giảm tình trạng khó thở khi khóc
Khi gặp tình trạng khó thở lúc khóc, bạn có thể tham khảo một số các phương pháp giúp làm giảm tình trạng này như sau:
Thở sâu
Việc hít thở sâu có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng khó thở khi khóc. Bạn có thể thực hiện theo các bước đó là:
- Bước 1: Nằm xuống, đặt hai tay của mình lên bụng.
- Bước 2: Hít sâu qua mũi, phình bụng để phổi chứa đầy không khí.
- Bước 3: Giữ nguyên bước 2 trong vài giây.
- Bước 4: Thở ra chầm chậm cho đến khi phổi hết không khí. Sau đó bạn lặp lại các bước trên từ 5 đến 10 phút.
![Tại sao khóc đến không thở được, có cảm giác vướng ở cổ khi khóc? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tai_sao_khoc_den_khong_tho_duoc_co_cam_giac_vuong_o_co_khi_khoc_2_b4f4b075b7.jpg)
Thở mím môi
Kỹ thuật thở mím môi là một cách khá đơn giản và dễ thực hiện để giúp bạn giảm cảm giác khó thở. Nó sẽ mở rộng đường để không khí đi vào và đi ra dễ hơn, sâu hơn. Bạn thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Thư giãn cơ thể, thả lỏng phần vai và cổ.
- Bước 2: Đặt một tay của mình lên thành bụng, hít sâu vào bằng đường mũi 2 nhịp. Lưu ý, lúc này miệng vẫn mím lại và bạn hãy thực hiện sao cho vùng bụng cảm thấy hơi căng ra là đã đúng kỹ thuật.
- Bước 3: Thở mím môi lại để hơi thở thoát ra khỏi kẽ môi một cách từ từ, thành bụng dần xẹp xuống là được.
Uống trà gừng
Một trong những cách mà bạn có thể tham khảo để hỗ trợ góp phần khắc phục tình trạng không thở được đó chính là uống một ly trà gừng ấm. Gừng là một nguyên liệu dễ kiếm mà bất kỳ ai cũng có thể mua được ở chợ hoặc các cửa hàng bách hóa. Sau khi mua về, bạn hãy gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng lát mỏng. Tiếp đó cho vào một ly nước ấm rồi thêm vào một ít mật ong, chanh theo khẩu vị và uống là được.
![Tại sao khóc đến không thở được, có cảm giác vướng ở cổ khi khóc? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tai_sao_khoc_den_khong_tho_duoc_co_cam_giac_vuong_o_co_khi_khoc_3_0861b0dea9.jpg)
Sau khi uống xong, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Cơ thể cũng được làm ấm, tinh thần sẽ được thư giãn hơn.
Khi gặp trường hợp khóc đến không thở được, nếu đã thử hết các phương pháp nhưng không cải thiện được tình trạng này thì bạn nên theo dõi sát tình hình sức khỏe và các triệu chứng đi kèm để có thể xử lý và tới các cơ sở y tế kịp thời, đảm bảo cho sức khỏe của mình. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm các phương pháp cải thiện sức khỏe tinh thần của mình như tập thể dục nhẹ, tập yoga, xem phim hài, tìm người tâm sự,... để giúp giải tỏa căng thẳng, đau buồn và các áp lực trong cuộc sống. Từ đó mà hạn chế tối đa tình trạng khóc mạnh mẽ đến mức không thở được nhé!