Tác hại của việc đeo tai nghe nhiều
Tai nghe là một trong những thiết bị cá nhân được dùng phổ biến nhất. Trong thời đại mọi việc diễn ra trên nền tảng online, tai nghe thậm chí còn là vật bất ly thân của nhiều người. Không thể phủ nhận, thiết bị này mang đến sự riêng tư, thoải mái, không gây phiền toái đến người khác. Nhưng tác hại của việc đeo tai nghe nhiều cũng rất đáng cảnh báo.
Âm thanh truyền qua tai nghe khác âm thanh nghe trực tiếp thế nào?
Muốn tìm hiểu tác hại của việc lạm dụng tai nghe, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu cơ chế truyền âm thanh của tai người và tai nghe khác nhau như thế nào. Trước hết, bạn cần biết âm thanh bạn nghe thấy bình thường và âm thanh truyền qua tai nghe hoàn toàn khác nhau.
Trong cơ chế nghe của tai người, vành tai sẽ hứng âm thanh và đưa âm thanh vào ống tai hình phễu. Âm thanh đập vào màng nhĩ khiến màng nhĩ rung lên và chuyển đổi chúng thành các rung động truyền tới chuỗi xương con nằm ở tai giữa, rồi tác động lên ốc tai. Chất dịch trong ốc tai kích thích các tế bào lông tạo ra các xung điện, truyền tới dây thần kinh thính giác và đưa lên não.
Khi chúng ta đeo tai nghe, âm thanh được truyền thẳng qua ống tai làm tăng áp lực lên tai. Nếu đeo tai nghe quá nhiều, không chỉ đôi tai, thính lực mà cả sức khỏe của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tác hại của việc đeo tai nghe nhiều
Nếu như chưa lường trước hết những tác hại của việc đeo tai nghe nhiều, có thể sau bài viết này bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ. Có thể kể đến những tác động tiêu cực mà đôi tai nghe mang lại nếu như bạn không sử dụng nó một cách khoa học như:
- Đeo tai nghe nhiều dễ khiến vùng da quanh vùng ống tai của bạn sẽ bị ảnh hưởng thậm chí bị bào mòn. Điều này có thể tạo cảm giác đau đớn ở tai ngoài.
- Sau một thời gian dài tiếp xúc với luồng âm thanh lớn từ tai nghe, đôi tai của chúng ta sẽ phát sinh cơ chế tự bảo vệ. Đó là khi những sợi lông trong tai tiết ra chất làm giảm độ phân giải của âm thanh. Đây là nguyên nhân của tình trạng mất hoặc giảm thính lực tạm thời ở nhiều người.
- Âm thanh quá lớn kích thích liên tục lên tai trong thời gian dài khiến các tế bào thần kinh trong ốc tai chịu nhiều áp lực. Điều này có thể dẫn đến giảm thính lực tạm thời hoặc điếc. Tình trạng suy giảm thính lực ở người trẻ sẽ xảy ra khi đôi tai tiếp xúc âm thanh có cường độ 85 – 90 decibels liên tục hơn 2 giờ đồng hồ và kéo dài trong 1 - 2 năm.
- Nhiều người gặp tình trạng đau đầu dữ dội khi nghe tai nghe quá nhiều. Một số khác bị ù tai, nhức đầu, tức ngực, hoa mắt, mệt mỏi, chóng mặt... Những biểu hiện này được các chuyên gia gọi là những chấn thương âm thanh cấp tính.
- Các loại tai nghe ít nhiều sẽ sản xuất là những sóng điện từ có thể gây hại cho hệ thần kinh của con người. Chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về vấn đề này nhưng sóng điện từ của tai nghe ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến não bộ.
- Khi chúng ta đeo tai nghe nhiều, lỗ tai bị bịt kín quá lâu khiến không khí khó lưu thông và làm tăng nguy cơ viêm tai.
- Một số mẫu tai nghe có thiết kế cần nhét sâu vào trong tai, làm tăng nguy cơ tích tụ ráy tai. Ráy tai nhiều làm tăng nguy cơ viêm tai và cũng làm giảm khả năng nghe của đôi tai.
- Trong thực tế, không ít trường hợp vì đeo tai nghe nên người dùng đã không nhận ra những tình huống khẩn cấp như còi xe, còi báo cháy, còi báo trộm...
- Những người vừa đeo tai nghe, vừa lái xe sẽ bị xao lãng, mất tập trung, gây nguy hiểm cho chính mình và những người xung quanh.
Đeo tai nghe thế nào cho an toàn?
Để hạn chế tác hại của việc đeo tai nghe nhiều, chúng ta cần lưu ý:
- Theo các chuyên gia, muốn đeo tai nghe mà không bị mất thính giác, âm thanh cần có mức tối đa chỉ nên là 70 decibel. Nếu đeo tai nghe nhiều với mức âm thanh 85 decibel trở lên đều có thể gây mất thính lực. Tuy nhiên, nếu không thể đo đếm chính xác, bạn có thể điều chỉnh volume tai nghe không vượt quá 60% là phù hợp.
- Hiện nay cũng có rất nhiều ứng dụng đo cường độ âm thanh có thể cài đặt trên điện thoại. Những ứng dụng này sẽ giúp bạn xác định được độ ồn của môi trường cũng như độ lớn của âm thanh phát ra từ các thiết bị. Bạn có thể cài một ứng dụng miễn phí và sử dụng thường xuyên mỗi lần dùng tai nghe. Với ứng dụng này, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh âm thanh về mức không gây hại.
- Trong trường hợp bắt buộc phải đeo tai nghe nhiều để phục vụ học tập, công việc hay họp hành, bạn nên dùng tai nghe chống ồn. Ưu điểm của loại tai nghe này là hạn chế tạp âm bên ngoài lọt vào tai nghe. Khi đó bạn có thể nghe rõ mà không cần để âm lượng quá lớn.
- Nếu đang sử dụng loại tai nghe true wireless hoặc bluetooth, bạn tuyệt đối không nên vừa sạc pin vừa sử dụng để tránh gặp nguy hiểm.
- Tốt nhất, bạn không nên đeo tai nghe quá 2 tiếng mỗi ngày.
- Đôi tai nghe cũng có thể là nơi trú ngụ của vi khuẩn. Vì vậy đừng quên vệ sinh tai nghe thường xuyên bạn nhé!
- Một số người có thói quen đeo tai nghe 1 bên, điều này là không tốt. Khi đeo 1 bên bạn buộc phải tăng âm lượng để nghe rõ hơn. Điều này không những gây đau tai, làm ảnh hưởng đến thính lực của bên thường xuyên đeo tai nghe mà còn làm lệch khả năng nghe giữa hai tai.
Không thể phủ nhận tác hại của việc đeo tai nghe nhiều đúng không nào? Tai nghe là thiết bị hữu ích trong cuộc sống hiện đại. Nhưng nếu sử dụng sai cách, nó có thể mang đến những mối nguy cho sức khỏe. Hãy chọn tai nghe đúng loại, dùng tai nghe đúng cách để bảo vệ đôi tai của mình bạn nhé!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Hellobacsi