Sốt xuất huyết có được đánh gió không?

Nếu bạn đang quan tâm đến câu hỏi “Sốt xuất huyết có được đánh gió không?” thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin tổng quan về sốt xuất huyết giúp bạn giải đáp thắc của mình.

Tổng quan về sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền qua muỗi Aedes aegypti là chủ yếu. Bệnh chủ yếu xảy ra ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, gây ra các đợt dịch bệnh với tỷ lệ mắc và tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Virus Dengue thuộc họ Flaviviridae và có bốn type huyết thanh khác nhau (DENV-1, DENV-2, DENV-3, DENV-4). Một người có thể bị nhiễm nhiều tuýp virus khác nhau trong đời nhưng việc nhiễm nhiều lần làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng.

goc-giai-dap-sot-xuat-huyet-co-duoc-danh-gio-khong 1
Sốt xuất huyết là gì?

Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết có thể được phân thành ba giai đoạn chính: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn 1 - Giai đoạn sốt (2 - 7 ngày)

Bệnh nhân xuất hiện sốt cao (39 - 40°C), kèm theo đau đầu dữ dội, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và phát ban. Một số trường hợp có triệu chứng buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Trong giai đoạn này, xét nghiệm máu có thể cho thấy giảm số lượng bạch cầu và xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết nhẹ như chấm xuất huyết dưới da hoặc chảy máu chân răng.

goc-giai-dap-sot-xuat-huyet-co-duoc-danh-gio-khong 2
Sốt cao là biểu hiện phổ biến của sốt xuất huyết

Giai đoạn 2 - Giai đoạn nguy hiểm (từ ngày 3 đến ngày 7 của bệnh)

Giai đoạn này có thể đánh dấu sự tiến triển nghiêm trọng của bệnh. Mặc dù nhiệt độ cơ thể có thể giảm hoặc hạ sốt, bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như thoát huyết tương, xuất huyết nội tạng, tụt huyết áp và sốc do mất dịch. 

Trong những trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến hội chứng sốc sốt xuất huyết do giảm thể tích tuần hoàn, gây tụt huyết áp, khó thở và suy đa cơ quan. Các dấu hiệu cảnh báo cho thấy bệnh nhân đang bước vào giai đoạn nguy hiểm bao gồm đau bụng dữ dội, nôn ói nhiều, xuất huyết nghiêm trọng hoặc thay đổi về trạng thái ý thức. Việc theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực trong giai đoạn này là cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Giai đoạn 3 - Giai đoạn hồi phục (sau ngày 7 của bệnh)

Nếu bệnh nhân vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, tình trạng sức khỏe sẽ dần cải thiện. Nhiệt độ cơ thể trở về bình thường, huyết áp ổn định và tình trạng xuất huyết dừng lại. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, cơ thể phục hồi chậm nhưng lượng tiểu cầu và bạch cầu sẽ tăng dần. Bệnh nhân cần theo dõi tình trạng sức khỏe cho đến khi khỏi hoàn toàn.

Những triệu chứng này cần được nhận biết và theo dõi sát sao để đảm bảo bệnh nhân được điều trị đúng cách, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Sốt xuất huyết có được đánh gió không?

Đánh gió là phương pháp dân gian dùng để chữa cảm lạnh và mệt mỏi giúp lưu thông máu nếu thực hiện đúng cách. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, việc tác động mạnh lên da có thể gây tổn thương cho lớp biểu bì và mô bên dưới, làm xuất hiện vết bầm tím, rướm máu và xuất huyết dưới da. Những người bị sốt xuất huyết vốn đã có hệ mạch yếu và tiểu cầu giảm nên đánh gió có thể làm tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. 

Ngoài ra, nguy cơ nhiễm trùng tăng cao khi dụng cụ đánh gió không được vệ sinh sạch sẽ, làm vi khuẩn dễ xâm nhập vào da bị tổn thương. Hơn thế nữa, hiện tại không có bằng chứng khoa học nào cho thấy đánh gió có hiệu quả trong việc điều trị sốt xuất huyết.

goc-giai-dap-sot-xuat-huyet-co-duoc-danh-gio-khong 3
Sốt xuất huyết có được đánh gió không?

Với những thông tin trên, câu trả lời cho câu hỏi “Sốt xuất huyết có được đánh gió không?” là không nên đánh gió. Phương pháp này không xử lý được nguyên nhân gây bệnh là do virus Dengue. Ngược lại, việc tin vào đánh gió và bỏ qua điều trị y tế đúng cách có thể khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. 

Lưu ý khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Việc chăm sóc đúng cách cho bệnh nhân là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những lưu ý cần thiết trong quá trình chăm sóc người bệnh:

  • Theo dõi sát các triệu chứng: Bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ, đặc biệt trong giai đoạn nguy hiểm (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7). Các dấu hiệu cảnh báo như xuất huyết, đau bụng, nôn mửa, chân tay lạnh, mệt mỏi quá mức hoặc khó thở cần được theo dõi liên tục. Nếu có các triệu chứng này, người bệnh phải được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
  • Bù nước và điện giải đầy đủ: Người bệnh cần uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, nước điện giải, nước trái cây hoặc oresol để bù lại lượng nước, khoáng chất mất đi do sốt cao và thoát huyết tương. Việc bù nước giúp duy trì sự ổn định tuần hoàn máu, hỗ trợ quá trình hồi phục.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bệnh nhân cần được cung cấp thức ăn dễ tiêu, nhẹ nhàng nhưng đủ dinh dưỡng như cháo, súp hoặc trái cây giàu vitamin C. Tránh các thực phẩm khó tiêu hoặc gây kích ứng đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân nôn nhiều và không thể ăn uống, cần đưa đến bệnh viện để truyền dịch.
  • Tránh sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt không phù hợp: Không sử dụng các thuốc hạ sốt và giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen vì chúng có thể gây xuất huyết.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Người bệnh cần được nghỉ ngơi tuyệt đối trong suốt thời gian bệnh để cơ thể hồi phục nhanh hơn và giảm nguy cơ biến chứng.
  • Kiểm soát môi trường sống: Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, tránh muỗi bằng cách sử dụng màn chống muỗi và các biện pháp phòng ngừa như thuốc xịt muỗi. Điều này giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh cho những người xung quanh.
goc-giai-dap-sot-xuat-huyet-co-duoc-danh-gio-khong 4
Việc chăm sóc đúng cách cho bệnh nhân là yếu tố quan trọng

Việc chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết cần tuân thủ các nguyên tắc trên để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Bài viết đã cung cấp các thông tin liên quan đến câu hỏi: “Sốt xuất huyết có được đánh gió không?”. Nhìn chung, trong trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, việc áp dụng các phương pháp dân gian như đánh gió không những không có cơ sở khoa học mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Thay vào đó, bệnh nhân cần được chăm sóc theo hướng dẫn y khoa. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc!

Xem thêm: Sốt xuất huyết có xông được không?



Chat with Zalo