Sơ cứu hóc dị vật ở trẻ
Tình trạng hóc dị vật đường thở thường gặp ở đối tượng trẻ em hơn là người lớn. Tình trạng này có thể khiến trẻ bị ho sặc liên tục, nói khó, quấy khóc hay khó thở, hôn mê do dị vật bịt kín đường thở khiến trẻ bị thiếu oxy. Hóc dị vật đường thở là một cấp cứu y tế, phụ huynh cần nhanh chóng thực hiện sơ cứu hóc dị vật ở trẻ để tránh di chứng nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.
Hóc dị vật ở trẻ là tình trạng gì?
Hóc dị vật là cụm từ để chỉ tình trạng có vật lạ mắc trong đường thở từ thanh quản, khí quản hay sâu hơn là phế quản của người bệnh. Hóc dị vật đường thở có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là trẻ có độ tuổi từ 10 đến 25 tháng tuổi.
Đây là một tai nạn sinh hoạt đặc biệt nguy hiểm, cần được xử trí cấp cứu. Vì dị vật có thể gây tắc đường thở, khiến trẻ thiếu oxy cung cấp cho các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi…Và có thể để lại di chứng nếu không được sơ cứu kịp thời, nặng nhất có thể dẫn tới tử vong.
Nguyên nhân gây hóc dị vật ở trẻ
Hóc dị vật là kết quả khi vật lạ mắc lại trong đường thở của trẻ. Dị vật có thể là những vật thể rắn như đồ chơi, các loại hạt ngũ cốc, viên kẹo…cũng có thể mềm, đặc như cháo, súp…Vì vậy, hóc dị vật ở trẻ thường xảy ra ở một số tình huống sau đây:
- Trẻ thường có thói quen ngậm đồ ăn trong miệng hoặc cắn đồ chơi, vì một tác động khiến trẻ hít mạnh và khiến dị vật theo đó mà đi vào đường thở.
- Trẻ có thể chạy, nhảy, chơi…trong khi mồm đang ngậm thức ăn khiến thức ăn dễ đi sâu và tắc trong đường thở.
- Dị vật có thể lẫn trong cháo, bột dặm của trẻ. Đặc biệt nguy hiểm hay gặp là xương cá, xương gà.
- Trẻ uống viên thuốc quá to mà không được nghiền nhỏ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ em bị hóc
Tùy vào kích thước của dị vật cũng như vị trí mà nó mắc lại trong đường thở, trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau:
- Trẻ đột nhiên có biểu hiện bất thường như nói khó, khạc đờm liên tục…
- Đặc biệt chú ý biểu hiện ho nhiều, ho kéo dài, ho sặc sụa.
- Nếu dị vật bịt kín đường thở có thể nhanh chóng dẫn tới biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh, thở rít gắng sức, co kéo hõm trước xương ức, mạch nhanh, tím tái, vã mồ hôi…
- Trẻ có thể hoảng loạn, khóc to, kích động hay ngất lịm đi.
Khi trẻ có biểu hiện bất thường, nghi ngờ trẻ hóc dị vật, cần nhanh chóng thực hiện các bước sơ cứu hóc dị vật ở trẻ, tránh để lại di chứng vĩnh viễn hoặc trẻ tử vong do thiếu oxy.
Sơ cứu trẻ em bị hóc dị vật
Sơ cứu trẻ em bị hóc dị vật cần được tiến hành nhanh chóng vì đây là một trường hợp cấp cứu y tế. Nếu hóc dị vật trong thời gian kéo dài có thể để lại di chứng vĩnh viễn cho trẻ hay nghiêm trọng hơn là đe dọa tới tính mạng của trẻ. Vì vậy, bậc phụ huynh cần thật bình tĩnh và thực hiện sơ cứu trẻ em bị hóc dị vật theo hướng dẫn sau đây:
Nguyên tắc chung
Nếu trẻ vẫn còn hồng hào, chưa tím tái và trẻ vẫn khóc, ho thành tiếng chứng tỏ dị vật chưa bít hoàn toàn đường thở. Phụ huynh cần bình tĩnh và xử trí như sau:
- Cổ vũ trẻ tiếp tục ho vì phản xạ ho hay nôn ọe có thể đẩy dị vật khỏi đường thở.
- Nếu sau đó cơn ho của trẻ dịu dần nhưng vẫn còn ho hay còn tiếng thở rít cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để xử lý triệt để. Vì có thể dị vật đã đi sâu vào trong đường thở và có thể gây bít tắc bất cứ lúc nào.
- Tuyệt đối không dùng tay vuốt xuôi dọc lưng hay ngực của trẻ vì có thể vô tình đẩy dị vật xuống sâu hơn.
- Không cho trẻ uống hay ăn bất cứ thứ gì cho tới khi đã xác định và loại bỏ được dị vật.
Nếu trẻ xuất hiện tím tái kèm các biểu hiện như khó thở, nói khó, phụ huynh cần nhanh chóng gọi cấp cứu y tế, đồng thời tiến hành sơ cứu trẻ em bị hóc nhanh chóng, đúng cách.
Nếu trẻ có dấu hiệu mê man, ngất lịm hay ngừng thở, cần gọi cấp cứu y tế ngay lập tức, đồng thời bắt đầu các bước hồi sức tim phổi. Quy trình hồi sức gồm bước hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực luân phiên với tỷ lệ là 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt.
Tiến hành sơ cứu với trẻ dưới hai tuổi
Trong quá trình chờ xe cấp cứu cần thực hiện động tác vỗ lưng và vỗ ngực:
Bước 1: Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc đùi của bạn sao cho đầu chúc xuống thấp hơn mức của ngực.
Bước 2: Dùng gốc bàn tay hay đoạn cuối của lòng bàn tay để vỗ mạnh 5 lần vào vị trí ở vùng lưng, giữa hai xương bả vai của trẻ.
Bước 3: Kiểm tra miệng của trẻ xem có dị vật nào vừa xuất hiện. Chú ý, cần cẩn thận giữ nguyên tư thế đầu chúc để kiểm tra, tránh để dị vật trôi lại vào trong đường thở.
Bước 4: Nếu thực hiện biện pháp vỗ lưng ba lần và không hiệu quả, cần chuyển sang động tác ấn ngực.
Biện pháp vỗ lưng trong sơ cứu hóc dị vật ở trẻ dưới hai tuổi
Đối với phương án hai là biện pháp ấn ngực, thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Đặt trẻ nằm ngửa trên cánh tay hoặc trên đùi của bạn sao cho đầu chúc xuống thấp hơn mức của ngực.
Bước 2: Dùng hai ngón tay ấn 5 lần vào vùng nửa dưới xương ức nằm ở giữa ngực của trẻ.
Bước 3: Kiểm tra nhanh miệng của trẻ xem có dị vật nào xuất hiện. Chú ý vẫn giữ nguyên tư thế đầu thấp.
Bước 4: Nếu trẻ vẫn có dấu hiệu tắc đường thở như thở gắng sức, thở khò khè, ho…Cần làm luân phiên 5 lần động tác vỗ lưng rồi tới 5 lần động tác ấn ngực.
Tiến hành sơ cứu với trẻ từ hai tuổi trở lên
Đối với trẻ từ hai tuổi trở lên, cần tiếp cận với biện pháp Heimlich hay biện pháp ấn bụng. Đây là một động tác đơn giản làm tăng áp lực trong bụng và ngực từ đó tống dị vật ra ngoài. Biện pháp Heimlich được thực hiện như sau:
Bước 1: Nếu trẻ còn tỉnh và giữ được ý thức, đứng sau lưng, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nếu trẻ đã đi vào trạng thái hôn mê, để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng hai chân đặt cạnh đùi của trẻ.
Bước 2: Một tay nắm chặt thành nắm đấm, đặt ở vùng thượng vị (vùng nằm ngay dưới mũi xương ức). Bàn tay còn lại ôm lấy nắm đấm.
Bước 3: Ấn 5 lần dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng, theo hướng từ dưới lên trên, từ trước ra sau.
Bước 4: Quan sát xem trẻ có nhổ ra vật gì không. Ngược lại, nếu trẻ vẫn còn biểu hiện tình trạng tắc nghẽn, cần tiếp tục động tác ấn bụng như trên.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp