Rong kinh hậu sản có nguy hiểm không? Phải làm sao để điều trị
Rong kinh là hiện tượng kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày gây khó chịu cho chị em. Tình trạng rong kinh có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào nhưng lại xảy ra với các mẹ sau sinh nhiều hơn. Rong kinh hậu sản không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tạo tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, stress cho chị em trong thời kỳ chăm con và phục hồi sức khỏe sau sinh.
![Tình trạng rong kinh có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào nhưng lại xảy ra với các mẹ sau sinh nhiều hơn](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/rong_kinh_hau_san_co_nguy_hiem_khong_va_nhung_dieu_me_bim_sua_can_biet_1_aad206a670.jpg)
Rong kinh hậu sản là tình trạng gì?
Rong kinh là hiện tượng kinh nguyệt kéo dài bất thường. Không ít các bà mẹ bỉm sữa gặp phải tình trạng rong kinh hậu sản.
Thông thường, kinh nguyệt của phụ nữ trở lại bình thường vào khoảng 6 tháng sau khi sinh con. Tuy nhiên, nhiều người bị kinh nguyệt không đều, chu kỳ kinh không còn như trước, có thể dài hơn hoặc ngắn hơn, thậm chí là vô kinh, rong kinh. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai và sinh nở.
Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ khoảng 23 đến 35 ngày, thời gian hành kinh từ 3 đến 5 ngày. Kinh nguyệt trên 7 ngày thậm chí nửa tháng được coi là rong kinh.
Dấu hiệu của rong kinh hậu sản
Khi bị rong kinh hậu sản, các mẹ bỉm sữa sẽ bị ra máu nhiều ngày, thường xuyên phải thay băng vệ sinh, rất khó chịu. Ngoài ra, dấu hiệu rong kinh hậu sản bao gồm một số biểu hiện sau:
- Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày, thậm chí 15 ngày và lượng máu kinh mỗi chu kỳ vượt quá 80ml, trong khi lượng máu kinh trung bình chỉ khoảng 50 đến 80ml.
- Kinh nguyệt có thể bị vón cục.
- Thể chất mệt mỏi, thường kèm theo khó thở.
- Tâm lý căng thẳng, stress.
Rong kinh hậu sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe và tâm lý của sản phụ. Vì vậy, tình trạng này cần được phát hiện và điều trị sớm.
Nguyên nhân gây nên tình trạng rong kinh hậu sản
Khi không được thụ thai, niêm mạc tử cung dày lên và bong ra mỗi tháng, tạo thành kinh nguyệt. Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ diễn ra rất nhiều thay đổi, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt và rong kinh hậu sản.
Rong kinh hậu sản có thể do một số nguyên nhân phổ biến sau:
Mất cân bằng nội tiết tố
Đây là lý do chính và là lý do phổ biến nhất. Khi mang thai, nội tiết tố của người phụ nữ thay đổi và không thể cân bằng lại ngay dẫn đến hiện tượng rong kinh hậu sản.
![Khi mang thai, nội tiết tố của người phụ nữ thay đổi và không thể cân bằng lại ngay dẫn đến hiện tượng rong kinh hậu sản](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/rong_kinh_hau_san_co_nguy_hiem_khong_va_nhung_dieu_me_bim_sua_can_biet_2_ff38e47982.jpg)
Sự hoạt động trở lại của buồng trứng
Buồng trứng của phụ nữ không hoạt động trong thời kỳ mang thai. Sau khi sinh con xong, buồng trứng bắt đầu hoạt động trở lại, hàng tháng sẽ có kinh nguyệt. Tuy nhiên, sau một thời gian dài không hoạt động, buồng trứng có thể gặp một số vấn đề và không thể trở lại trạng thái bình thường như trước nên có thể dẫn đến rong kinh hậu sản.
Do sử dụng thuốc tránh thai
Sau khi sinh, nhiều phụ nữ chọn viên uống như một biện pháp tránh thai an toàn. Một trong những tác dụng phụ do loại thuốc này gây ra là rong kinh, kinh nguyệt không đều…, vì loại thuốc này có khả năng làm mất cân bằng nội tiết tố ở nữ giới.
Mắc bệnh phụ khoa
Cơ quan sinh sản của phụ nữ dường như nhạy cảm hơn sau khi sinh nở. Nếu không được vệ sinh và chăm sóc đúng cách thì khả năng cao sẽ vị viêm nhiễm. Phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung…, những bệnh này có thể dẫn đến rong kinh hậu sản.
Rong kinh hậu sản có nguy hiểm không?
Đây là câu hỏi được rất nhiều chị em quan tâm vì hiện tượng rong kinh hậu sản thường gặp ở nhiều chị em. Nó không chỉ khiến chị em cảm thấy mệt mỏi, cản trở sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm.
Những nguy hại của rong kinh hậu sản trước hết là do kinh nguyệt ra nhiều sẽ dẫn đến mất một lượng máu lớn, khiến cơ thể suy nhược, thậm chí là thiếu máu, nhất là chị em vừa trải qua thời kỳ sinh con tiêu tốn rất nhiều máu.
Mất máu khiến chị em phải đối mặt với tình trạng chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, thậm chí có thể ngất xỉu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của phụ nữ và việc chăm sóc con nhỏ.
Ngoài ra, kinh nguyệt tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của các bào tử vi khuẩn và nấm. Nếu bị rong kinh, thời gian này càng kéo dài thì khả năng các chất độc hại phát triển và gây bệnh càng lớn. Từ đó, có thể dẫn đến viêm nhiễm vùng kín và nhiều bệnh lý phụ khoa khác.
Đặc biệt là rong kinh hậu sản còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống chăn gối vợ chồng. Nó cũng khiến phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, tức giận và cáu gắt hơn bình thường.
Làm sao để khắc phục tình trạng rong kinh hậu sản?
Điều trị rong kinh hậu sản phải phù hợp với tình trạng và nguyên nhân gây bệnh của mỗi người.
Nếu rong kinh do thay đổi nội tiết tố thì không cần dùng thuốc mà chỉ cần một thời gian sau sinh tình trạng này sẽ trở lại bình thường nên bạn đừng quá lo lắng.
Nếu rong kinh hậu sản do bệnh lý thì chị em cần đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
![Rong kinh hậu sản do bệnh lý thì bạn cần đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/rong_kinh_hau_san_co_nguy_hiem_khong_va_nhung_dieu_me_bim_sua_can_biet_3_22908a3000.jpg)
Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý để tình trạng rong kinh hậu sản nhanh chóng chấm dứt.
- Vệ sinh vùng kín hàng ngày đúng cách và luôn giữ cho vùng kín luôn sạch sẽ, khô thoáng.
- Khi vệ sinh vùng kín, chỉ rửa bên ngoài, không thụt rửa quá sâu vì có thể dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương.
- Bạn không nên quan hệ tình dục khi đang có kinh vì có thể dẫn đến nhiễm trùng và làm bệnh nặng hơn.
- Thay quần lót và băng vệ sinh thường xuyên để tránh nhiễm trùng.
- Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất sắt để cải thiện tình trạng mất máu do rong kinh.
- Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng để phát hiện sớm những bất thường.
- Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai vì nó có thể gây rối loạn nội tiết tố. Thay vào đó, để an toàn, hãy sử dụng bao cao su trong khi quan hệ tình dục.
Hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp các mẹ bỉm sữa hiểu thêm về tình trạng rong kinh hậu sản và cách khắc phục. Trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào, chị em hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt kết quả tốt nhất nhé.
Thuý Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp