Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu có nguy hiểm không?
Dây rốn có vai trò cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ. Khi trẻ sơ sinh ra đời, em bé không còn cần dây rốn để cung cấp chất dinh dưỡng nữa. Do đó các bác sĩ sẽ cắt dây rốn. Sau đó, dây rốn sẽ từ từ khô và rụng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu làm cho bố mẹ vô cùng lo lắng.
Tại sao rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu?
![Nguyên nhân rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu thường là do rốn trẻ sơ sinh bị bong tróc vảy và rỉ máu](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ron_tre_so_sinh_bi_chay_mau_co_nguy_hiem_khong_1_136e7a9d07.jpg)
Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu là hiện tượng khá thường gặp, nhất là trong quá trình trẻ rụng rốn hoặc sau khi rốn rụng 1 tuần. Nguyên nhân rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu thường là do rốn trẻ sơ sinh bị bong tróc vảy và rỉ máu. Ngoài máu thì trong quá trình rụng rốn, rốn trẻ còn có thể tiết một ít dịch có màu vàng hoặc xanh lá, giống như mủ.
Nếu rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu nhưng chưa rụng thì nguyên nhân có thể là do:
- Rốn bị trầy xước do tã cọ xát với rốn. Hoặc có thể là do bạn vô tình cọ xát quá mạnh khi chăm sóc và vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh.
- Do chăm sóc không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công làm cho rốn bị nhiễm trùng. Tình trạng này thường gặp nếu bạn băng rốn của bé quá kín hoặc băng rốn bị ẩm ướt.
Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu có sao không?
Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu thường không nghiêm trọng. Bố mẹ chỉ cần ấn giữ rốn bằng miếng gạc sạch thì sẽ cầm máu được. Sau đó, bố mẹ cần chăm sóc đúng cách thì sau vài ngày rốn sẽ tự liền lại.
![Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu thường không nghiêm trọng](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ron_tre_so_sinh_bi_chay_mau_co_nguy_hiem_khong_2_57204cc1a1.jpg)
Tuy nhiên, nếu bé gặp phải một trong những trường hợp sau thì bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để xử lý kịp thời:
- Dù đã băng ép hơn 10 phút những rốn vẫn chảy máu.
- Rốn bị rỉ máu, có mùi hôi khó chịu và vùng da xung quanh đỏ. Bố mẹ không được chủ quan vì vết thương của trẻ có thể đã bị nhiễm trùng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
- Trẻ sơ sinh xuất hiện các triệu chứng bất thường như trẻ sốt, quấy khóc, bỏ bú,...
Cách chăm sóc khi rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu
Khi rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu thì bố mẹ cần bình tĩnh quan sát xem có mùi hôi hay dịch gì bất thường hay không. Nếu trẻ chỉ bị chảy máu nhẹ thì cách xử lý rất đơn giản. Bố mẹ chỉ cần cầm máu và vệ sinh cho con đúng cách như sau:
- Bố mẹ có thể dùng tăm bông hay băng gạc sạch ấn nhẹ vào vùng rốn để cầm máu. Cần thực hiện nhẹ nhàng và chậm rãi để tránh làm trẻ bị đau, hoặc gây chảy máu nhiều hơn.
- Sau khi cầm được máu, bố mẹ cần để vùng da xung quanh rốn thoáng mát, không nên băng kín lại. Vì khi thoáng khí, rốn trẻ sơ sinh sẽ nhanh lành hơn.
- Nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và thấm hút mồ hôi. Bố mẹ tránh mặc đồ quá chật cho bé vì có thể gây cọ sát vào rốn gây chảy máu.
- Bố mẹ nên thường xuyên thay tã cho bé. Lưu ý, nên để tã nằm dưới rốn để tránh các vi khuẩn có trong nước tiểu, phân xâm nhập vào vết thương hở gây viêm nhiễm.
![Để tã nằm dưới rốn để tránh các vi khuẩn có trong nước tiểu, phân xâm nhập vào vết thương hở gây viêm nhiễm](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ron_tre_so_sinh_bi_chay_mau_co_nguy_hiem_khong_3_5afc788a6c.png)
- Không nên tắm bé quá lâu trong nước. Và sau khi tắm xong thì cần dùng khăn sạch để lau thật khô vùng rốn. Phải hạn chế môi trường ẩm ướt quanh rốn vì nó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Bố mẹ không nên dùng xà phòng, các chất tẩy rửa hay bài thuốc dân gian trong quá trình vệ sinh rốn cho bé. Bởi vì, vùng rốn của bé rất nhạy cảm với những sản phẩm này. Chúng có thể gây kích ứng, hay thậm chí là gây viêm nhiễm khiến cho vết thương lâu lành. Thế nên, bố mẹ chỉ cần dùng nước muối sinh lý để làm sạch rốn cho con.
- Hãy để rốn rụng một cách tự nhiên. Đặc biệt khi rốn sắp rụng, bố mẹ không nên tác động lực để giật đứt cuống rốn.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu thì bố mẹ cũng cần chú ý cẩn thận trong quá trình vệ sinh rốn cho bé. Trong lúc rốn liền lại sau khi rụng thì bố mẹ cũng cần tránh cạy các mảng bám trên rốn. Đặc biệt, không được tự ý dùng các bài thuốc dân gian được truyền là có thể giúp rốn trẻ sơ sinh mau lành.
Hy vọng qua bài viết này, các bậc phụ huynh đã biết cách xử lý khi rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu. Khi con gặp phải tình trạng này, bố mẹ cần bình tĩnh và quan sát xem có kèm theo những triệu chứng bất thường gì không. Nếu không có thì bố mẹ có thể chăm sóc vết thương cho con một cách cẩn thận tại nhà.
Ngọc Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp