Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đúng cách, mẹ đã biết chưa?
Trẻ sơ sinh là đối tượng không dễ chăm sóc đặc biệt đối với những bạn lần đầu làm ba mẹ hoặc chưa được chứng kiến người thân chăm sóc trẻ trước đó. Giống như người trưởng thành đánh răng hai lần mỗi ngày thì trẻ sơ sinh cũng nên được vệ sinh miệng bằng cách rơ lưỡi. Việc rơ lưỡi đúng cách sẽ giúp hình thành thói quen tốt, bé hợp tác sau này khi chải răng và giúp sức khỏe răng miệng của bé cải thiện tốt hơn. Vậy, rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đúng cách, mẹ đã biết chưa?
Lợi ích của việc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh?
Trong khoang miệng của trẻ sơ sinh thường có nhiều vi khuẩn, nếu mỗi ngày không được vệ sinh sạch sẽ, chăm sóc kĩ ngay từ chào đời, trẻ dễ sinh ra cảm giác bỏ bú và chán ăn. Khi lớn hơn rất có thể sẽ gặp các vấn đề về răng miệng do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, do chưa được hình thành thói quen vệ sinh răng miệng.
Thông thường, sau khi bú mẹ hoặc sau khi bú sữa công thức, trên lưỡi trẻ sẽ xuất hiện những đốm trắng lớn nhỏ dễ bong được gọi là cặn sữa. Rơ lưỡi sẽ giúp lưỡi của trẻ sơ sinh được sạch sẽ, loại bỏ những cặn sữa và ngăn ngừa nguy cơ hôi miệng, tưa lưỡi và tích tụ vi khuẩn răng miệng, vấn đề khiến trẻ bị đau miệng, khó chịu, quấy khóc, bỏ bú và biếng ăn hơn. Vệ sinh miệng hay rơ lưỡi sẽ cho trẻ sơ sinh cảm giác bú uống ngon hơn và còn giúp tránh các bệnh về răng miệng.
![Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đúng cách, mẹ đã biết chưa?1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ro_luoi_cho_tre_so_sinh_dung_cach_me_da_biet_chua_1_abc28f8488.jpg)
Tại sao trẻ sơ sinh cần rơ lưỡi mỗi ngày?
Như đã nói trên, khoang miệng của trẻ sơ sinh là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, vi sinh vật gây hôi miệng. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh còn rất nhỏ, chưa thể tự vệ sinh được do đó ba mẹ và người chăm sóc cần giúp con vệ sinh sạch sẽ những cặn sữa còn bám trên mặt lưỡi sau khi bú.
Việc rơ lưỡi sạch sẽ cho trẻ sơ sinh cũng giống như việc đánh răng của người trưởng thành, cần phải thực hiện mỗi ngày nhằm bảo vệ sức khỏe răng miệng. Bởi khi mặt lưỡi bị tưa lưỡi, trẻ sơ sinh sẽ không cảm nhận được hương vị ngon tinh khiết của sữa mẹ, dẫn tới biếng ăn và bỏ bú. Nghiêm trọng hơn, nếu để lâu ngày, vi khuẩn sẽ phát triển làm ảnh hưởng đến quá trình mọc răng của trẻ sau này, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về lợi (nướu). Do đó, các mẹ nên rơ lưỡi cho bé thường xuyên nhằm ngăn ngừa bệnh nấm lưỡi, cũng như giúp miệng bé sạch sẽ, bé cũng bú tốt.
![Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đúng cách, mẹ đã biết chưa?2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ro_luoi_cho_tre_so_sinh_dung_cach_me_da_biet_chua_2_e491ddb458.jpg)
Rơ lưỡi cho trẻ bao nhiêu lần là đủ?
Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh việc làm quan trọng nhằm bảo vệ răng miệng cho bé. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể của con mình, mẹ cần lựa chọn cách rơ lưỡi phù hợp với số lần áp dụng khác nhau. Cụ thể như sau:
Đối với những trẻ bú mẹ hoàn toàn
Trong trường hợp trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ có thể thực hiện rơ lưỡi bé mỗi ngày một lần trước khi ăn. Vì khi bú, lưỡi của bé cọ sát vào núm ti mẹ nên ít khi bị đọng cắn sữa.
Đối với trẻ bú sữa công thức
Đối với nhứng trẻ uống sữa công thức cần được rơ lưỡi nhiều hơn do lưỡi rất dễ bị đóng cặn dẫn đến tưa lưỡi và đẹn lưỡi. Nếu trẻ không được rơ lưỡi thường xuyên, sẽ dẫn tới tình trạng viêm lưỡi, viêm họng dẫn đến lười bú, lâu ngày sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Để tránh tình trạng này có thể xảy ra, sau mỗi cữ bú, các mẹ có thể tráng miệng cho trẻ bằng 1 – 2 thìa nước ấm và rơ lưỡi khoảng mỗi ngày hai lần trước khi bú nhé!
Lưu ý: Thời điểm tốt nhất để mẹ thực hiện rơ lưỡi cho bé là vào buổi sáng, tốt nhất là lúc sau khi trẻ bú cữ sáng xong khoảng 2 tiếng. Hạn chế không rơ lưỡi cho bé trước thời gian này vì lúc đó bé sẽ rất dễ bị nôn khan do bụng đang còn rỗng. Ngoài ra, cũng không nên rơ lưỡi ngay sau khi bé vừa bú no xong bởi có thể khiến bé bị nôn trớ.
Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đúng cách, mẹ đã biết chưa?
Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà sẽ có các cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh sạch khác nhau cụ thể như sau:
![Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đúng cách, mẹ đã biết chưa?3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ro_luoi_cho_tre_so_sinh_dung_cach_me_da_biet_chua_3_ea5be25b23.jpg)
Trẻ sơ sinh nhỏ hơn 12 tháng
Trẻ sơ sinh nhỏ hơn 12 tháng tuổi rất cần nhận được ba mẹ hỗ trợ quan tâm và thực hiện vệ sinh cá nhân chẳng hạn như rơ lưỡi. Trước khi thực hiện rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh, ba mẹ cần rửa tay và móng tay sạch sẽ. Chuẩn bị một bát nước ấm hoặc nước muối sinh lý natri clorid 0.9%, thực hiện theo các bước sau đây:
- Lấy miếng gạc rơ lưỡi trẻ sơ sinh quấn ngón tay trỏ.
- Nhúng miếng gạc vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý.
- Ôm trẻ vào lòng, hướng đầu trẻ cao lên. Tay trái ôm nhẹ nhàng đầu trẻ.
- Dùng tay phải đặt nhẹ nhàng lên môi và mở nhẹ miệng trẻ.
- Xoay ngón tay vệ sinh sạch những vị trí sau: Hai bên trong má, lợi (nướu) và lưỡi một cách nhẹ nhàng.
- Thực hiện rơ lưỡi ít nhất một lần mỗi ngày vào buổi sáng.
- Nên thực hiện rơ lưỡi trước khi cho bé bú nhằm hạn chế nôn trớ, khiến bé hoảng sợ và không hợp tác vào lần sau.
Trẻ giai đoạn từ 1 đến 5 tuổi
Trẻ em giai đoạn từ 1 đến 5 tuổi vẫn chưa thể tự chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng của mình. Do đó, ba mẹ cần thường xuyên hỗ trợ, giúp bé đánh răng bên cạnh việc làm sạch lưỡi hai lần mỗi ngày. Ba mẹ sử dụng gạc rơ lưỡi hoặc bàn chải lông mềm được thiết kế phù hợp với độ tuổi.
Khi con lớn hơn, bé có thể sử dụng kem đánh răng phù hợp với độ tuổi. Tuy nhiên, ba mẹ chỉ lấy lượng kem vừa phải, được khuyến cáo bằng hạt đậu xanh. Bên cạnh đó, bạn cũng nên nhắc nhở, hướng dẫn con không được nuốt kem dù nó có vị ngọt và mùi thơm dễ chịu. Ba mẹ nên nhớ rằng: Luôn phải vệ sinh răng trước, sau đó mới đến lưỡi. Việc tập cho con yêu thói quen bảo vệ răng miệng ngay từ khi còn nhỏ là điều hết sức cần thiết để trẻ có hàm răng chắc khỏe, đẹp sau này.
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo: Tổng hợp