Phụ nữ sau sinh có ăn được sữa chua không? Khi nào không nên ăn sữa chua?

Chế độ ăn hằng ngày của các mẹ bỉm luôn được cân nhắc dựa trên 2 yếu tố chính là làm sao có thể đảm bảo dinh dưỡng mà vẫn có thể lấy lại được vóc dáng một cách nhanh chóng. Bởi thế mà loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cao mà không có nhiều calo như sữa chua là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mẹ bỉm. Tuy nhiên không phải mẹ bỉm nào cũng có thể hiểu rõ và chắc chắn rằng sau sinh có ăn được sữa chua không.

Giá trị dinh dưỡng của sữa chua

Các nhóm chất dinh dưỡng của sữa chua bao gồm:

Lợi khuẩn (Probiotic)

Sữa chua có tên gọi khác là Yogurt, được sản xuất từ sữa trải qua quá trình lên men bởi các lợi khuẩn ở nhiệt độ thích hợp. Vì vậy, thực chất sữa chua là một chế phẩm từ sữa tươi, mà chủ yếu là sữa bò tươi.

Probiotic ở sữa chua thường gặp là 2 chủng Bifidobacterium và Lactobacillus. Đây cũng là 2 chủng lợi khuẩn hoạt động chủ yếu trong đường ruột, có công dụng chính là tăng cường hệ miễn dịch đường ruột và hỗ trợ hoạt động tiêu hóa.

Ngoài ra, probiotic còn tham gia vào quá trình tổng hợp ra các vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B9, B12) và vitamin K.

Phụ nữ sau sinh có ăn được sữa chua không? Khi nào không nên ăn sữa chua? 2
Vi khuẩn trong sữa chua đều là các vi khuẩn có lợi, không gây hại

Protein

Protein trong sữa chua là một nguồn protein lành mạnh. Sữa chua nguyên chất có 2 loại protein là whey – protein tan trong sữa và casein – protein sữa không tan. Protein whey hay còn được gọi là đạm whey, được biết đến nhiều như là một sản phẩm giảm cân và tăng cơ bắp cho các vận động viên, gymer,…  

Chất béo

Tùy thuộc vào nguồn sữa tươi (sữa nguyên kem, sữa ít béo, sữa tách béo) sản xuất ra sữa chua mà hàm lượng chất béo trong sữa chua sẽ thay đổi khác nhau. Thông thường các chế phẩm sữa chua sẽ chứa từ 0.5% (từ sữa tách béo) đến 3.5% (từ sữa nguyên kem). Thành phần chất béo có trong sữa chua chủ yếu là chất béo bão hòa. Chất béo không bão hòa chỉ chiếm một lượng rất nhỏ.

Đường

Sữa chua nguyên chất hầu như không chứa đường. Đường trong sữa chua chủ yếu là galactose và lactose từ sữa tươi. Trong đó, lactose sẽ bị phân giải thành glucose và galactose. Sau đó, glucose và galactose sẽ được chuyển hóa hoàn toàn tạo thành acid lactic. Đây là chất tạo nên vị chua đặc trưng trong sữa chua.

Vitamin và khoáng chất

Sữa chua là chế phẩm từ sữa tươi mà bản chất sữa tươi đã chứa rất nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Vậy nên sữa chua cũng có rất nhiều các vitamin và khoáng chất, trong đó phải kể đến canxi, photpho, sắt, kẽm vitamin A, vitamin nhóm B (thiamin – B1, riboflavin – B2, cobalamin – B12,…), vitamin D, vitamin K.

Sau sinh có ăn được sữa chua không?

Với các thành phần an toàn, lành tính và giàu dinh dưỡng, vậy mẹ sau sinh có ăn được sữa chua không? Sữa chua được khuyến cáo là một trong những loại thực phẩm cần bổ sung cho các mẹ bỉm sau sinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, các mẹ bỉm không nên ăn sữa chua ngay sau những ngày đầu sinh đẻ. Những trường hợp sinh thường nên đợi sau 3 ngày, còn với trường hợp sinh mổ nên đợi sau 1 tuần rồi sử dụng.

Sữa chua là nguồn bổ sung canxi, photpho và các dưỡng chất thiết yếu trong quá trình phục hồi cơ thể người mẹ sau sinh mà không khiến cơ thể nạp quá nhiều calo. Do đó, các mẹ bỉm sữa không thể bỏ qua loại thực phẩm này – một giải pháp hoàn hảo trên hành trình lấy lại vóc dáng.

Phụ nữ sau sinh có ăn được sữa chua không? Khi nào không nên ăn sữa chua? 3
Sau sinh có ăn được sữa chua không?

6 lợi ích tuyệt vời của sữa chua cho mẹ sau sinh

Giúp tiêu hóa khỏe

Thành phần vô cùng quan trọng tạo ra sữa chua là probiotic. Như đã đề cập bên trên, các chủng lợi khuẩn chứa trong sữa chua hầu hết là các lợi khuẩn có trong hệ tiêu hóa con người. Khi cơ thể sau sinh của các bà mẹ đã và đang nạp rất nhiều chất vào cơ thể thì đẩy mạnh tiêu hóa là điều vô cùng thiết yếu.

Việc bổ sung sữa chua hằng ngày sẽ giúp mẹ bổ sung thêm lợi khuẩn, cạnh tranh với các vi khuẩn có hại khác trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Các lợi khuẩn này sẽ giúp hệ tiêu hóa thúc đẩy quá trình phân giải thức ăn, tăng cường hấp thu và tổng hợp ra các vitamin.

Ngoài ra, hai chủng lợi khuẩn được tìm thấy trong sữa chua là Bifidobacterium và Lactobacillus đã được chứng minh là có lợi trong việc làm giảm các triệu chứng khó chịu và hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích.

Tăng cường sức đề kháng

Trong sữa chua có chứa men vi sinh (probiotic) đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm trên các thử nghiệm lâm sàng. Qua đó, probiotic đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ điều trị các trường hợp rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn, nhiễm virus gây bệnh.

Bên cạnh đó, các khoáng chất vi lượng có trong sữa chua như kẽm, selen đều là các vi khoáng tham gia vào hoạt động của hệ miễn dịch. Trong đó, kẽm giúp duy trì hoạt động và sự phát triển của hầu hết các tế bào miễn dịch (bao gồm cả tế bào T, tế bào B và đại thực bào). Selen giữ vai trò thiết yếu trong men glutathione peroxidase, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và hoạt động của bạch cầu.

Giai đoạn vừa sinh xong, sức đề kháng của mẹ bỉm sẽ khá yếu ớt và dễ bị đánh gục bởi các vi khuẩn, virus gây bệnh bên ngoài. Vậy nên việc bổ sung các sản phẩm tăng cường sức đề kháng như sữa chua là rất cần thiết.

Bảo vệ sức khỏe tim mạch

Theo thành phần dinh dưỡng của sữa chua được đề cập phía trên, chất béo chiếm đa phần là chất béo bão hòa. Các nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra rằng việc hấp thu chất béo bão hòa từ sữa nguyên chất hoặc các chế phẩm từ sữa nguyên chất giúp cơ thể tăng lượng cholesterol HDL (cholesterol tốt) mà việc nâng cao chỉ số cholesterol HDL có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe tim mạch.

Không chỉ vậy, probiotic có trong sữa chua đa phần là các lợi khuẩn có khả năng chuyển đổi axit mật (axit steroid). Đây là một loại dịch tiêu hóa giúp đẩy lượng cholesterol xấu (cholesterol LDL) ra khỏi cơ thể. Từ đó, giúp các mẹ bỉm phòng ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch.

Phụ nữ sau sinh có ăn được sữa chua không? Khi nào không nên ăn sữa chua? 4
Sữa chua giúp mẹ tăng cướng sức khỏe tim mạch

Ngăn ngừa loãng xương

Phụ nữ sau sinh có nguy cơ loãng xương rất cao. Trong quá trình mang thai và cho con bú, cơ thể người mẹ đã tiêu hao rất nhiều canxi và vitamin D để nuôi dưỡng con. Chính vì vậy mà các mẹ cần phải lưu ý bổ sung đầy đủ để duy trì ở mức ổn định, tránh trường hợp loãng xương.

Sữa chua là chế phẩm trực tiếp từ sữa tươi, đây là một nguồn dồi dào canxi và vitamin D. Tạo thói quen sử dụng sữa chua thường xuyên sẽ giúp mẹ tăng cường mật độ xương, giúp xương chắc khỏe và phòng ngừa nguy cơ loãng xương.

Duy trì cân nặng lý tưởng

Sữa chua không có tác dụng giảm cân trực tiếp. Nhưng các mẹ nên nhớ rằng sữa chua là thực phẩm bổ sung hàm lượng lớn protein và dưỡng chất mà không khiến cho cơ thể nạp nhiều calo. Do đó, các mẹ bỉm có thể xây dựng thực đơn thay thế các loại thực phẩm có nguồn năng lượng cao khác bằng sữa chua để có thể kiểm soát cân nặng.

Hỗ trợ làm đẹp da

Nhờ thành phần giàu vitamin, sữa chua không chỉ giúp nuôi dưỡng các tế bào từ sâu bên trong mà còn hạn chế tiến trình lão hóa da ở mẹ bỉm. Bởi sau sinh, da mẹ thường dễ bị lão hóa và thô ráp. Vì thế, sữa chua chính là một vị cứu tinh giúp làn da trở nên căng bóng, mịn màng, tươi trẻ hơn.

Phụ nữ sau sinh có ăn được sữa chua không? Khi nào không nên ăn sữa chua? 4
Sữa chua còn mang đến công dụng tuyệt vời cho làn da

Trường hợp nào không nên ăn sữa chua?

Tuy sữa chua có rất nhiều công dụng khiến các mẹ bỉm yêu thích nhưng không phải mẹ bỉm nào cũng có thể sử dụng. Các mẹ nên lưu ý các trường hợp sau:

Không dung nạp lactose

Không dung nạp lactose là hiện tượng cơ thể đang thiếu men lactase. Lactase là một loại enzyme giúp phân giải đường lactose trong cơ thể. Đối với người đang thiếu men lactase, việc bổ sung sữa hay các chế phẩm từ sữa có chứa lactose sẽ khiến cơ thể không phân giải và hấp thu được lactose. Khi đó, cơ thể sẽ xuất hiện các tình trạng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn,…

Dị ứng protein sữa bò

Đây là trường hợp các bé sơ sinh nhạy cảm và không dung nạp được protein qua sữa mẹ khi mẹ sử dụng sữa bò hay các chế phẩm từ sữa bò. Sau khi bé bú sẽ có phản ứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nghiêm trong hơn là sốc phản vệ. Trong trường hợp này, mẹ bỉm nên đặc biệt cẩn thận quan sát và theo dõi tình trạng của con để kịp thời xử lý và đưa đến các cơ sở y tế khẩn cấp.

Thường xuyên sử dụng sữa chua rất có lợi cho sức khỏe, đồng thời giúp các mẹ bỉm có thể lấy lại và duy trì vóc dáng sau sinh hiệu quả. Hy vọng từ những thông tin cần thiết và liên quan đến vấn đề sau sinh có ăn được sữa chua không tại bài viết này sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về sữa chua và có thể xây dựng chế độ ăn kèm sữa chua một cách hợp lý.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com, vinmec.com



Chat with Zalo