Những điều cần biết về xuất huyết dạ dày ở trẻ em

Xuất huyết dạ dày ở trẻ em là biến chứng của tình trạng viêm loét dạ dày khi không được điều trị kịp thời. Bệnh có nhiều mức độ khác nhau và có thể gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Để đảm bảo điều trị và phòng ngừa hiệu quả, phụ huynh cần chú ý theo dõi các thông tin sau đây.

Xuất huyết dạ dày là gì?

Xuất huyết dạ dày là tình trạng máu chảy ra ngoài lòng mạch dạ dày với các biểu hiện như nôn ra máu, đi ngoài ra máu,... Đây là tình trạng cấp tính, cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe. Xuất huyết dạ dày thường phát sinh do biến chứng của nhiều bệnh liên quan đến dạ dày và đường ruột. Ngoài ra, việc tiêu thụ liên tục các chất kích thích như rượu, bia, cà phê cũng có thể góp phần gây ra tình trạng xuất huyết.

Những điều cần biết về xuất huyết dạ dày ở trẻ em 1
Xuất huyết dạ dày thường biến chứng của nhiều bệnh liên quan đến dạ dày và đường ruột

Mức độ ảnh hưởng của tình trạng xuất huyết sẽ thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và thể trạng từng người bệnh. Trong các trường hợp nghiêm trọng, xuất huyết có thể dẫn đến tình trạng huyết áp thấp, sốc hoặc thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết dạ dày ở trẻ em

Xuất huyết dạ dày ở trẻ em là tình trạng niêm mạc dạ dày của trẻ bị chảy máu. Sự xuất hiện của hiện tượng này do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những yếu tố sau đây:

  • Polyp dạ dày: Polyp dạ dày là bệnh lý mà niêm mạc dạ dày ở trẻ em sẽ xuất hiện những khối u nhỏ, phần lớn là dạng lành tính. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp trẻ mắc phải khối u bất thường và có khả năng bị vỡ. Khi khối u vỡ ra sẽ gây ra hiện tượng xuất huyết. Các chuyên gia chỉ ra rằng xuất huyết ở đường ruột xảy ra phổ biến hơn là ở dạ dày. Tình trạng xuất huyết ở niêm mạc dạ dày sẽ phổ biến với trẻ từ 2 tuổi trở lên và hiếm gặp ở trẻ sơ sinh.
  • Viêm loét dạ dày tá tràng: Trẻ em từ 2 tuổi trở lên thường có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến dạ dày. Trong đó, viêm loét dạ dày và tá tràng là phổ biến nhất. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này bao gồm: Trẻ hít phải khói thuốc lá, trẻ thuộc nhóm máu O, bắt đầu ăn dặm quá sớm, nhiễm khuẩn H.pylori, sử dụng các loại thuốc không steroid,... Ngoài ra, yếu tố khí hậu và yếu tố gia đình cũng ảnh hưởng đến việc xuất hiện tình trạng này.
  • Trẻ sinh non, thiếu tháng: Trẻ sinh non thường hay bị thiếu chất đông máu dẫn đến xuất huyết, đặc biệt ở dạ dày. Hơn nữa, trẻ sinh non có thể trạng yếu hơn bình thường, tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Triệu chứng báo hiệu xuất huyết dạ dày

Khi trẻ em bị xuất huyết dạ dày sẽ xuất hiện một số triệu chứng như đau bụng, tức ngực, khó thở, chán ăn và cảm giác mệt mỏi. Nếu tình trạng này kéo dài, xuất huyết đã trở nên nghiêm trọng hơn. Trẻ em mắc xuất huyết nặng thường có phân màu đen và nôn ra dịch có màu nâu hoặc đỏ.

Những điều cần biết về xuất huyết dạ dày ở trẻ em 2
Đau bụng, tức ngực, khó thở là những dấu hiệu xuất huyết dạ dày ở trẻ em

Nếu bạn thấy trẻ có những triệu chứng bất thường, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không?

Xuất huyết dạ dày là tình trạng bệnh nguy hiểm cho hệ tiêu hóa, có thể đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Giai đoạn đầu mắc bệnh, cơ thể sẽ không có nhiều sự biến đổi, lượng máu khi bị xuất huyết nhỏ nên khó phát hiện. Triệu chứng ban đầu thể hiện qua sự mệt mỏi, phân sẫm màu hoặc có máu. Trong thời gian dài, xuất huyết dạ dày có thể trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra hiện tượng hoa mắt, chóng mắt, lạnh lẽo, mạch yếu, thậm chí đe dọa tính mạng. Xuất huyết quá mức dẫn đến thiếu máu nghiêm trọng hoặc giảm công thức máu. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng, cần thiết.

Cách điều trị xuất huyết dạ dày

Khi gặp tình trạng xuất huyết dạ dày ở trẻ em, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành các biện pháp điều trị sau:

  • Truyền dịch và truyền máu: Việc truyền nước biển sẽ giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh chóng và cân bằng lượng chất trong cơ thể. Trong trường hợp trẻ mất máu do xuất huyết, truyền máu sẽ được thực hiện để khôi phục lượng máu ban đầu.
  • Thuốc chẹn thụ thể H2: Những loại thuốc này giúp giảm tiết axit dạ dày. Các thuốc thường được sử dụng như nizatidine, famotidine, ranitidine,...
  • Thuốc octreotide: Loại thuốc này giúp điều trị chảy máu do giãn tĩnh mạch. Nó làm giảm lưu lượng máu chảy ra ngoài và có tác dụng co mạch hiệu quả.
  • Thuốc ức chế bơm proton: Nhóm thuốc này giúp kiểm soát môi trường axit trong dạ dày bằng cách ức chế sự sản xuất axit. Chúng thường được dùng trong thời gian ngắn ở trẻ nhỏ.
Những điều cần biết về xuất huyết dạ dày ở trẻ em 3
Bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc phù hợp trong từng trường hợp xuất huyết dạ dày ở trẻ em

Trên đây là một số thông tin về xuất huyết dạ dày ở trẻ em. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn nắm được kiến thức cần thiết để chăm sóc sức khỏe của con mình hiệu quả. Trong mọi tình huống, việc tham khảo ý kiến chuyên gia y tế là rất quan trọng để được tư vấn về phương pháp điều trị thích hợp và ngăn chặn tình hình bệnh trở nên nghiêm trọng.



Chat with Zalo