Những dấu hiệu trẻ bị lồng ruột và cách xử lý
Lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng xảy ra nhiều ở trẻ em. Khi rơi vào tình trạng này, các phần ruột của bé sẽ xoắn lại với nhau gây tắc nghẽn và đau đớn, thậm chí là còn đe dọa đến tính mạng. Nếu phát hiện các dấu hiệu trẻ bị lồng ruột thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hiện tượng lồng ruột là gì?
Lồng ruột là một trường hợp cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột cạnh bên. Tuy rằng bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ từ 4 - 9 tháng tuổi, đặc biệt là ở bé trai (chiếm 70% các trường hợp).
Hiện tại, nguyên nhân gây ra lồng ruột vẫn chưa được xác định rõ, nhưng có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh như sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột, viêm nhiễm ở ruột và các tổn thương khác.
![Tìm hiểu về các triệu chứng lồng ruột ở trẻ nhỏ 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/N_Hung_dau_hieu_tre_bi_long_ruot_va_cach_xu_ly_1_98742a5b2e.jpg)
Lồng ruột làm tắc nghẽn, ứ trệ thức ăn phía trên khối lồng, gây hiện tượng tắc ruột hoặc bán tắc ruột. Đoạn ruột bị tắc nhanh chóng giãn to, và các mạch máu kèm theo cũng bị tắc nghẽn. Nếu không được xử lý kịp thời, khối lồng ruột có thể gây hoại tử ruột, dẫn đến nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột và xuất huyết.
Khi trẻ bị lồng ruột, việc đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức là cần thiết để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Nếu được phát hiện sớm, bác sĩ có thể tháo lồng ruột bằng hơi. Nếu không thì phẫu thuật sẽ là lựa chọn phù hợp để xử lý bệnh.
Dấu hiệu trẻ bị lồng ruột
Một vài dấu hiệu trẻ bị lồng ruột có biểu hiện gần giống với các bệnh lý về tiêu hóa khác mà bạn cần lưu ý:
- Trẻ đang ăn uống bình thường đột ngột khóc thét, bỏ bú, ngừng chơi, da tím tái. Đây là một tín hiệu rằng ruột đang lồng vào nhau. Sau đó, trẻ có thể tạm thời ngừng khóc hoặc bú lại. Khi cơn đau tái phát, trẻ khóc từng cơn, uốn éo cơ thể, không thể bú, có thể nôn ói thức ăn hoặc chất lỏng xanh, vàng. Sau vài giờ, trẻ sẽ trở nên mệt mỏi, da xanh mượt.
- Khoảng 6 - 12 giờ sau đó, trẻ sẽ đi ngoài phân có máu hoặc màu nâu, thỉnh thoảng có chất nhầy. Da bé tái nhợt, môi khô, mạch nhanh, cơ thể lạnh, mắt trũng.
- Nếu không được xử lý trong vòng 24 giờ, thì trẻ sẽ tiếp tục nôn ói, bụng căng cứng, da lạnh, nhợt nhạt, mạch nhỏ và nhanh, thở khò khè, tiểu ít, sốt cao, lơ đãng, hoặc bất tỉnh, và có dấu hiệu mất nước nặng,...
- Khi sờ vào bụng, bạn có thể cảm nhận được khối ruột lồng như một đoạn dồi.
![Tìm hiểu về các triệu chứng lồng ruột ở trẻ nhỏ 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/N_Hung_dau_hieu_tre_bi_long_ruot_va_cach_xu_ly_2_5ecbdec0fc.png)
Cách xử lý khi trẻ bị lồng ruột
Khi trẻ bị lồng ruột, việc xử lý cần được thực hiện ngay lập tức. Dưới đây là những bước xử lý cơ bản:
- Liên hệ với bác sĩ: Nếu bạn nghi ngờ rằng trẻ bị lồng ruột, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể về việc xử lý.
- Đưa trẻ đến bệnh viện: Nếu bác sĩ khuyên bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện, hãy làm ngay. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và chẩn đoán tình trạng của trẻ.
- Giảm đau cho trẻ: Trong trường hợp trẻ bị đau do lồng ruột, bạn có thể giảm đau bằng cách đặt chườm lạnh lên bụng hoặc cho bé uống thuốc giảm đau được chỉ định bởi bác sĩ.
- Không cho trẻ ăn uống: Trẻ sẽ không được cho ăn uống trong một thời gian nhất định để giúp đường ruột giảm áp lực, đồng thời tránh các biến chứng có thể xảy ra.
- Điều trị chuyên môn: Điều trị phụ thuộc vào tình trạng và độ lồng ruột của trẻ. Nếu đưa trẻ đến viện muộn quá 6 tiếng, cần phẫu thuật ngay để tháo khối ruột lồng. Nếu sau 24 tiếng, ruột đã có dấu hiệu hoại tử, cần phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột đó. Việc chăm sóc và hồi sức sau mổ cũng tương đối khó khăn, trẻ dễ tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.
- Theo dõi và chăm sóc trẻ: Sau khi điều trị, bạn cần phải theo dõi và chăm sóc trẻ một cách thận trọng để đảm bảo rằng tình trạng của trẻ đang ổn định và tránh các biến chứng.
![Tìm hiểu về các triệu chứng lồng ruột ở trẻ nhỏ 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/N_Hung_dau_hieu_tre_bi_long_ruot_va_cach_xu_ly_3_0d5b7478ae.jpg)
Hiện tại, vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân chính gây ra lồng ruột ở trẻ nhỏ nên chưa có các biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Cách phòng tránh biến chứng tốt nhất là cha mẹ cần nhận ra sớm dấu hiệu trẻ bị lồng ruột.
Trong bài là các dấu hiệu trẻ bị lồng ruột và cách xử lý khi con trẻ rơi vào tình trạng này. Nói chung, việc chủ động đưa trẻ đi thăm khám sớm khi xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường là điều cực kỳ cần thiết. Các bác sĩ chuyên môn sẽ nhanh chóng thăm khám, đồng thời thực hiện chẩn đoán cận lâm sàng thông qua xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang,... Từ đó họ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất đối với trẻ.
Bảo Vân
Nguồn tham khảo: vinmec.com