Nguyên nhân và triệu chứng viêm amidan mủ ở người lớn
Cùng tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng viêm amidan mủ ở người lớn nhé!
1. Nguyên nhân và yếu tố gây viêm amidan mủ ở người lớn
Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm amidan mủ ở người lớn, tuy nhiên một số nguyên nhân chính phải kể tới:
Do cấu trúc amidan:
Amidan được chia thành nhiều hốc lại nằm ở “cửa ngõ” đường ăn và thở do vậy rất dễ bị virus, vi khuẩn tấn công, xâm nhập và hình thành các ổ mủ.
Ô nhiễm môi trường:
Thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây hại khác như khói bụi, chất thải, các tác nhân gây ô nhiễm môi trường... cũng thúc đẩy quá trình xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn.
Sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng:
Khi hệ miễn dịch yếu hoặc chưa được hoàn thiện, cùng với sức đề kháng không đủ khả năng chống bệnh dẫn đến dễ mắc bệnh viêm amidan mủ.
Do các bệnh tai mũi họng:
Tai – mũi – họng có mối quan hệ mật thiết với nhau, thông nhau qua các lỗ xoang, do vậy khi virus, vi khuẩn tấn công một cơ quan, nếu không xử lý kịp thời các yếu tố này có thể tấn công các cơ quan khác và gây ra bệnh.
Do vệ sinh răng miệng kém:
Bệnh nhân không có thói quen vệ sinh răng miệng cẩn thận và thường xuyên, ăn uống không hợp vệ sinh, bệnh amidan cấp tính dẫn đến biến chứng viêm amidan mủ ở người lớn.
Do thời tiết:
Thời tiết thay đổi thất thường, chuyển mùa đột ngột cũng khiến cơ thể không kịp thích ứng cũng có thể gây bệnh.
Ngoài ra, viêm amidan mủ ở người lớn cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân như hút thuốc, uống rượu bia, ăn lạnh, đồ cay nóng nhiều khiến niêm mạc amidan bị tổn thương, gây ra bệnh.
2. Triệu chứng viêm amidan mủ ở người lớn
Một số triệu chứng điển hình của viêm amidan mủ ở người lớn như sau:
- Có thể xuất hiện sốt khoảng 38 độ.
- Đỏ và sưng amidan.
- Khi quan sát chúng ta có thể thấy amidan và vùng vòm họng xuất hiện nhiều đốm mủ trắng, xanh. Sau vài ngày các đốm mủ sẽ tự động bật ra khỏi vùng viêm và có mùi hôi rất khó chịu.
- Đau cổ họng hoặc khó nuốt.
- Hạch ở cổ sưng to, mềm, ấn đau.
- Khàn giọng, hôi miệng.
Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ mà triệu chứng bệnh lại có sự khác biệt. Cụ thể:
Viêm amidan mủ cấp tính: Người bệnh sốt cao, khàn tiếng, ngực đau tức, ho có đờm, lưỡi trắng bẩn, niêm mạc họng sưng to, cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
Viêm amidan mủ mãn tính: Bệnh nhân sốt nhẹ, cổ họng ngứa rát, hơi thở có mùi, ho khan, khàn giọng, thở khò khè, đêm ngáy to.
Nếu thấy bản thân xuất hiện các dấu hiệu trên, bạn đọc cần nhanh chóng đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị phù hợp, tránh để lâu, bệnh tiến triển phức tạp và có thể gây ra biến chứng.
3. Viêm amidan mủ ở người lớn có nên cắt không?
Nhiều bệnh nhân có thắc mắc viêm amidan mủ ở người lớn có nên cắt không, bởi bệnh thường gây ra không ít khó chịu, phiền toái cho cuộc sống.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Phương cắt amidan là giải pháp cuối cùng để điều trị bệnh, không phải ai cũng có thể tiến hành cắt amidan. Chỉ cắt trong các trường hợp:
Bệnh tái phát nhiều, kéo dài không dứt dù đã được điều trị bằng nhiều phương pháp mà không đem lại hiệu quả.
Bệnh tái phát nhiều lần, đồng thời người bệnh xuất hiện viêm hạch cổ. Ở tình trạng này, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán bởi đây có thể là dấu hiệu ung thư amidan.
Người bệnh gặp biến chứng bệnh như áp – xe quanh amidan. Tình trạng này phải nhập viện điều trị.
Bệnh ở giai đoạn nặng, làm tắc đường hô hấp, khiến bệnh nhân khó thở, khó nuốt, ngủ không yên giấc,…
Amidan là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch giúp bảo vệ vòm họng khỏi các tác nhân gây bệnh. Do vậy, không phải trường hợp nào cũng nên cắt amidan. Hơn nữa, việc cắt amidan cũng có thể xuất hiện một số biến chứng như:
Làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh nhân trên 45 tuổi cắt amidan dễ gây chảy máu do amidan xơ dính hoặc có các bệnh khác đi kèm như huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường.
Có thể gây tử vong do máu chảy trong và sau khi cắt.
Bởi những lý do này, người bệnh cần hết sức cân nhắc khi quyết định cắt amidan. Không nên tùy tiện cắt bỏ bởi việc này vừa tốn kém chi phí điều trị, chăm sóc sau phẫu thuật mà còn có thể gây ra nhiều hậu quả lâu dài.
4. Phòng tránh viêm amidan mủ ở người lớn như thế nào?
- Điều trị triệt để các ổ viêm nhiễm vùng miệng, hầu họng.
- Thường xuyên vệ sinh răng miệng.
- Hạn chế tiếp xúc những nơi có nhiều khói, bụi, ô nhiễm môi trường.
- Luyện tập thể dục, thể thao, sử dụng các thuốc bổ tăng cường sức đề kháng của bản thân.
Viêm amidan mủ ở người lớn có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, nên khi có những dấu hiệu của bệnh người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và được điều trị triệt để tránh những biến chứng của bệnh.
Thanh Hoa