Nguyên nhân và cách xử lý tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách xử lý và phòng tránh tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi, từ đó giúp cho trẻ có sức khỏe tốt mà không gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân tai trẻ có mùi hôi

Do cha mẹ không thể tự kiểm tra được phần sâu bên trong tai của con, nên họ có thể không nghĩ đến việc vệ sinh và kiểm tra tai thường xuyên, đặc biệt là khi con có mùi hôi. 

Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này, bao gồm việc vệ sinh tai không đúng cách hoặc không đủ thường xuyên, xỏ lỗ tai không đảm bảo vệ sinh vô trùng, nhiễm trùng, nhiễm nấm hoặc vi khuẩn, nhiễm trùng sau vết mổ hay chấn thương ở tai, không che kín tai trẻ khi tắm. 

Việc hiểu rõ những nguyên nhân này sẽ giúp cha mẹ đưa ra cách xử lý phù hợp và giữ cho tai của trẻ sơ sinh luôn sạch sẽ, khỏe mạnh.

Nguyên nhân và cách xử lý tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi 1
Vệ sinh không đúng cách dẫn đến tai trẻ sơ sinh có mùi hôi

Điều trị tai trẻ sơ sinh có mùi hôi

Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?

Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, khi tai của bé có mùi hôi bất thường thì cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và xác định liệu bé có bị nhiễm trùng tai hay không. Bác sĩ sẽ sử dụng đèn soi tai để xác định dấu hiệu của vi khuẩn gây nhiễm trùng, ví dụ như màng nhĩ sưng đỏ và chảy dịch. Nếu bé được xác định bị nhiễm trùng, khả năng cao bé sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Đối với trẻ lớn hơn, nếu tai của bé có mùi hôi ở cả hai bên kèm sốt cao hơn 38.5 độ C, đau tai ngày càng tăng, khả năng nghe giảm hoặc dịch tiết bất thường như máu, dịch vàng hay xanh, cha mẹ cần cân nhắc đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ kiểm tra tai của bé và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu tình trạng của bé không cải thiện sau 48 - 72 giờ, cha mẹ nên cho bác sĩ biết để được hướng dẫn tiếp theo, có thể cần phải điều chỉnh liều thuốc hoặc chuyển sang thuốc kháng sinh mạnh hơn nếu bé đã sử dụng thuốc trước đó.

Nguyên nhân và cách xử lý tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi 2
Đưa trẻ tới bác sĩ nếu tình trạng bệnh trở nặng

Tai trẻ sơ sinh có mùi hôi phải xử trí như thế nào?

Dưới đây là một số cách chăm sóc để giúp giảm đau và khắc phục tình trạng nhiễm trùng tai cho trẻ sơ sinh khi tai trẻ có mùi hôi:

  • Sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh được chỉ định bởi bác sĩ: Để giảm đau và điều trị nhiễm trùng tai. Bác sĩ có thể kê đơn acetaminophen hoặc ibuprofen (chỉ dành cho trẻ từ 6 tháng trở lên). Tuy nhiên, nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi, hãy hỏi bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào. Kháng sinh cần được uống đúng liều và đủ số ngày để đảm bảo điều trị nhiễm trùng hiệu quả.
  • Áp dụng phương pháp chườm ấm: Sử dụng khăn sạch chườm ấm lên tai của trẻ để giảm đau.
  • Tăng cường cung cấp nước cho trẻ: Khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn để giúp thoát dịch viêm trong tai và giảm đau. Nếu có con nhỏ, hãy cho bé bú mẹ hoặc bú sữa công thức thường xuyên hơn.
  • Tái khám định kỳ để bác sĩ có thể nắm bắt tình trạng bệnh của bé.
Nguyên nhân và cách xử lý tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi 3
Khi tai trẻ có mùi hôi hãy cho trẻ bú nhiều hơn

Lưu ý không nên làm khi tai trẻ có mùi hôi:

  • Không cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc ho hay cảm lạnh (như thuốc giảm sổ mũi hoặc thuốc kháng histamin) nếu không được bác sĩ kê đơn, đặc biệt là đối với trẻ từ 3 tuổi trở xuống.
  • Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc aspirin vì nguy cơ khiến trẻ dễ mắc hội chứng Reye. Đây là một căn bệnh hiếm gặp và có khả năng tử vong.

Các phương pháp phòng tránh tai trẻ sơ sinh có mùi hôi

Giữ ấm cơ thể trẻ

Việc giữ ấm cơ thể của bé sẽ giúp bé hạn chế được các bệnh truyền nhiễm như ho, cảm cúm, sốt, quai bị... Nguyên nhân là vì đa số tai trẻ sơ sinh có mùi hôi sau khi mắc phải các căn bệnh này.

Tránh cho bé tiếp xúc với môi trường ô nhiễm

Nếu trẻ sống trong môi trường ô nhiễm hay đầy khói thuốc, trẻ dễ mắc phải hội chứng đột tử SIDS hay các bệnh hô hấp (cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản) thì nguy cơ trẻ sơ sinh nhiễm trùng tai cũng sẽ cao hơn.

Nguyên nhân và cách xử lý tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi 4
Không cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá

Cho trẻ bú đúng cách và không nên cai sữa quá sớm

Trẻ được bú sữa mẹ có nguy cơ tránh được nguy cơ nhiễm trùng ở tai cũng như ngăn ngừa tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi.

Hạn chế việc cho trẻ cai sữa sớm, chú ý đến việc cho bé bú sữa đúng cách, không đặt trẻ ngồi cao khi bú bình hay cho trẻ ngậm bình sữa khi ngủ để tránh sữa chảy vào tai bé. Khi trẻ bú xong không nên cho trẻ nằm liền vì có thể gây nôn ói, trào ngược sữa khiến dịch dạ dày lên vùng mũi họng, tai gây viêm tai giữa và viêm mũi.

Giữ vệ sinh cho trẻ

Giữ vệ cơ thể trẻ sạch sẽ, không cho trẻ ngậm đồ chơi bẩn, mút tay bẩn, nghịch đồ chơi dưới đất... là cách đơn giản nhất để tránh tình trạng trẻ bị nhiễm bệnh.

Nếu tai trẻ sơ sinh có mùi hôi nhưng vẫn khô ráo, không ra dịch vàng, không ra nước và trẻ không sốt, không quấy khóc thì mẹ có thể vệ sinh tai nhẹ nhàng cho trẻ bằng nước muối sinh lý trong 2 - 3 ngày để hết mùi ngay. Cha mẹ cần chú ý không để nước vào tai bé khi tắm và không nên dùng tăm bông hoặc thuốc nhỏ để lấy ráy tai cho trẻ sơ sinh vì cấu trúc tai của trẻ rất phức tạp.

Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ

Để giúp trẻ chống lại các bệnh truyền nhiễm, nên thực hiện đúng lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh. Điều này là cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ, vì sức đề kháng của trẻ còn rất yếu và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi cũng như cách xử trí và phòng tránh cho trẻ. Tuy nhiên, nếu lỗ tai bé có mùi hôi ngày càng nghiêm trọng và kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường, nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị.

Ánh Tuyết

Nguồn tham khảo: youmed.vn, voh.com.vn



Chat with Zalo