Nguyên nhân gây ra đau khớp ngón tay
Mỗi ngày chúng ta dùng bàn tay phục vụ cho rất nhiều việc trong cuộc sống, sinh hoạt. Để bàn tay có thể cử động linh hoạt thì vai trò của khớp ngón tay là vô cùng quan trọng. Đau khớp ngón tay là dấu hiệu cảnh báo bạn biết xương khớp có vấn đề. Chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra đau khớp ngón tay và cách điều trị cơn đau trong bài viết này.
Có nhiều nguyên nhân khiến khớp ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út và ngón út bị đau cứng khó chịu. Tuy nhiên, có bốn nguyên nhân chính gồm:
Chấn thương
Khi các thành phần kết cấu của khớp ngón tay bị chấn thương sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau nhức. Một số dạng chấn thương khớp ngón tay thường gặp gồm:
- Căng kéo: Do cơ, gân cơ bị giãn/rách;
- Bong gân: Do dây chằng giãn/rách;
- Nứt hoặc gãy các khớp ngón tay: Do đấm hoặc bị vật nặng rơi vào tay làm nứt/gãy các khớp ngón tay;
- Trật khớp: Đốt ngón tay bị lệch khỏi vị trí ban đầu.
Triệu chứng thường gặp khi khớp bị chấn thương (tùy loại và độ nặng của chấn thương):
- Đau nhẹ/nặng tại khớp, các khớp ngón tay bị chấn thương;
- Căng cơ/bong gân ở khớp ngón tay: Các biểu hiện như đau, sưng, khớp kém linh hoạt, cứng khớp, cử động bị hạn chế;
- Nứt/gãy khớp ngón tay sẽ có các triệu chứng bầm, giới hạn cử động hay hoàn toàn bất động, tê ngứa/cảm giác như kim châm ở ngón tay bị ảnh hưởng, sưng/trật khớp, ngón tay có dấu hiệu bị gập góc bất thường.
Hướng điều trị:
- Nghỉ ngơi: Hạn chế tối đa việc cử động hoặc sử dụng khớp ngón tay đang bị chấn thương, có thể dùng nẹp để bất động khớp đang chấn thương;
- Chườm đá: Có thể tiến hành chườm lạnh lên khớp bị chấn thương để giảm sưng, đau. Lưu ý không chườm đá trực tiếp mà phải dùng gạc hoặc khăn mềm bọc viêm đá rồi mới chườm lên chỗ đau, sưng;
- Đè ép: Bệnh nhân có thể bọc khớp bằng băng cá nhân hoặc băng buddy tape nếu khớp bị sưng;
- Nâng: Giữ khớp ngón tay bị thương nằm cao hơn tim để giảm sưng.
Trường hợp đã chẩn đoán là khớp ngón tay bị nứt, trật khớp hoặc gãy, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tiến hành cố định lại xương, nắn khớp đúng vị trí, sử dụng nẹp hoặc các dụng cụ cố định khác. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau như NSAIDS để giảm sưng, đau.
Viêm xương khớp
Đây là bệnh lý viêm khớp khá phổ biến, xảy ra khi tuổi ngày càng cao. Lão hóa xương khiến lớp sụn bị mài mòn cũng như thay đổi ở xương. Bệnh gây ảnh hưởng cho mọi khớp trên cơ thể, trong đó có khớp ngón tay khiến các khớp ở đầu, giữa ngón tay, sưng ở phần nền ngón tay cái.
Viêm xương khớp chủ yếu xuất hiện ở bệnh nhân trên 60 tuổi và không dừng lại ở đau sưng khớp mà còn kéo theo một số bệnh lý nguy hiểm khác, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, đau rễ thần kinh,...
![Nguyên nhân gây ra đau khớp ngón tay 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_gay_ra_dau_khop_ngon_tay_3_1a3b7fecb9.jpg)
Triệu chứng:
- Sưng khớp ngón tay (có thể một hoặc nhiều khớp);
- Cứng khớp, đặc biệt vào buổi sáng sau khi ngủ dậy;
- Yếu cơ gần các khớp ngón tay;
- Khớp viêm kém linh hoạt và hạn chế tầm vận động;
- Khi bẻ khớp ngón tay sẽ phát ra âm thanh.
Hướng điều trị:
- Dùng thuốc: Bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên tình trạng bệnh mà chỉ định bệnh nhân dùng các loại thuốc giảm đau (acetaminophen, ibuprofen), gel hoặc kem thoa tại chỗ (lidocain em, menthol, capsaicin), corticosteroids uống hoặc tiêm, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu;
- Phương pháp khác: Bên cạnh dùng thuốc, bệnh nhân cần tiến hành vật lý trị liệu (gia tăng sức mạnh cho khớp, giảm cứng khớp) và trong trường hợp cần thiết sẽ có thể được phẫu thuật để gỡ bỏ các sụn bị tổn thương.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn có thể gây viêm tại các khớp, cụ thể là gây ảnh hưởng tới các khớp ở bàn tay, cổ tay và đầu gối. Viêm khớp dạng thấp đầu tiên sẽ gây sưng đau tại các khớp nhỏ (khớp ngón tay, cổ tay), sau đó sẽ tiến triển đến những khớp và cơ quan lớn hơn. Đối tượng có độ tuổi từ 30 - 60 tuổi thường gặp phải bệnh lý này.
Triệu chứng:
- Nhạy cảm, đau ở các khớp ngón tay ở một hoặc cả hai bàn tay;
- Cứng khớp ngón tay, đặc biệt là buổi sáng sau khi ngủ dậy;
- Đau, cứng các khớp cổ tay, gối, hông;
- Mệt mỏi toàn thân, nhiều trường hợp còn bị sụt cân.
![Nguyên nhân gây ra đau khớp ngón tay 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_gay_ra_dau_khop_ngon_tay_2_331ee02046.jpg)
Hướng điều trị:
- Việc điều trị sẽ hướng đến mục tiêu làm giảm viêm, đau, cảm giác mệt mỏi, cải thiện chức năng lẫn cử động của các khớp; đồng thời còn ngăn ngừa đưa đến các biến chứng mạn tính như bệnh tim mạch, béo phì làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh;
- Phương pháp điều trị: Sử dụng thuốc chống miễn dịch, thuốc giảm viêm, giảm đau tại chỗ, vật lý trị liệu (tăng khả năng vận động cho khớp), nhiệt trị liệu (thư giãn các cơ ngón tay và tăng độ trơn của khớp), áp lạnh (giảm đau và viêm).
Nang bao hoạt dịch
Nang bao hoạt dịch là cấu trúc có hình tròn, chứa đầy dịch, thường xuất hiện trên mu bàn tay hoặc các ngón tay. Nó cũng có thể xuất hiện ở các khớp ngón tay gần đầu ngón tay nhất.
Về triệu chứng, nang bao hoạt dịch thường gây cảm giác đau khi chạm vào. Nó chỉ gây đau ở các khớp ngón tay khi xuất hiện. Về việc điều trị, nang bao hoạt dịch có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể dùng kim để loại bỏ dịch ra khỏi nang. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật nếu nang bao hoạt dịch tái phát hoặc khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân gây ra đau khớp ngón tay kể trên thì còn có một số nguyên nhân khác cần xem xét như tổn thương mô mềm bỏng hoặc nốt sần, bệnh gout, nhiễm trùng, sưng gân cơ (viêm gân cơ), ung thư xương, bệnh đa xơ cứng, xơ cứng bì, hội chứng Raynaud, bệnh lupus, viêm đa cơ,...
Trước các tình trạng trên, bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên nguyên nhân nền gây đau cứng khớp ngón tay, khám lâm sàng và thực hiện các kỹ thuật như MRI, X-quang, CT scan, siêu âm chọc hút dịch khớp.
![Nguyên nhân gây ra đau khớp ngón tay 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_gay_ra_dau_khop_ngon_tay_1_ec02df98ad.jpeg)
Bệnh nhân có thể tiến hành điều trị tại nhà bằng phương pháp chườm nóng/lạnh lên các khớp bị viêm, chấn thương; tránh viết, đánh máy hay các hoạt động sử dụng bàn tay để ngón tay được nghỉ ngơi; sử dụng các loại thuốc giảm đau; tập thể dục nhẹ nhàng để giúp các khớp ngón tay được thư giãn; ngồi thiền và thực hiện các bài tập hít thở để giảm stress...
Ngoài ra, người bệnh có thể giúp bảo vệ các khớp ngón tay như mang bao tay hoặc dụng cụ bảo vệ tay; cho bàn tay có thời gian nghỉ ngơi sau khi thực hiện các hoạt động gây áp lực lên khớp ngón tay; duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý; bỏ hút thuốc lá; kiểm soát tốt đường huyết,...
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau khớp ngón tay. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì bệnh nhân cũng cần theo dõi và có biện pháp chữa trị kịp thời. Cần đi khám bác sĩ nếu các cơn đau dai dẳng, không cải thiện khi dùng các biện pháp trị liệu tại nhà. Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và phương án điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Vinmec