Nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sinh non phổi yếu bạn nên biết
Trẻ sinh thiếu tháng luôn gặp thiệt thòi về mặt thể chất khi chào đời. Một trong những vấn đề trẻ gặp phải là về sức khỏe đường hô hấp. Cần nắm bắt một số bệnh dễ xảy ra ở trẻ sinh non phổi yếu để chúng ta có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc chăm sóc cho trẻ. Dưới đây là các bệnh phổ biến về phổi mà trẻ sinh non hay mắc phải.
Thể trạng của trẻ sinh non
Trẻ được cho là sinh non khi ra đời trước mốc thời gian 37 tuần tuổi thai trong khi một chu kỳ thai nghén bình thường là 40 tuần. Chính vì sinh ra trước khi cơ thể vẫn chưa phát triển đủ vậy nên trẻ sinh non gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
![Nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sinh non phổi yếu bạn nên biết 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguy_co_mac_benh_o_tre_sinh_non_phoi_yeu_ban_nen_biet_1_6a0b9841bc.jpg)
Nhin chung có thể dễ dàng nhận ra ở trẻ sinh non có những đặc điểm sau: Cân nặng thấp, thông thường cân nặng 2.5kg trở xuống. Nguy cơ thiếu máu, nhiễm trùng trẻ sinh non mắc phải rất cao bởi hệ miễn dịch còn khiếm khuyết. Nội tạng của bé dễ bị tấn công bởi vi khuẩn gây ra viêm như viêm màng não, viêm phổi. Các chức năng thận, tim, dạ dày vẫn chưa hoàn thiện. Các triệu chứng này có thể vẫn bùng phát cho đến khi chúng lớn dần. Đặc biệt vào thời gian sau này, trẻ sinh non thường chậm tăng cân và chiều cao.
Trẻ sinh non phổi yếu và các nguy cơ mắc bệnh
Loạn sản phế quản phổi
Đây là bệnh phổi mãn tính thường gặp ở trẻ sinh thiếu tháng. Lúc này khi vừa chào đời, bé sẽ được sử dụng máy thở và oxy liệu pháp để can thiệp vào những rối loạn hô hấp mà bé gặp phải. Do buộc phải can thiệp máy móc vào cơ thể, đặc biệt là phế nang khi trẻ còn rất nhỏ cho nên có khả năng sau này bé phát triển chậm và dễ tổn thương vùng phổi hơn so với người thường.
Đa số khi được điều trị, bệnh sẽ tốt hơn theo thời gian. Tùy vào thể trạng của trẻ mà thời gian hồi phục là khác nhau. Tuy nhiên thời gian trẻ đã lớn sau này do những ảnh hưởng của loạn sản phế quản gây ra nên trẻ dễ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp.
Viêm phổi
![Nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sinh non phổi yếu bạn nên biết 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguy_co_mac_benh_o_tre_sinh_non_phoi_yeu_ban_nen_biet_2_b11a4b7bed.jpg)
Viêm phổi là một loại nhiễm trùng xuất hiện ở phổi, do virus, vi khuẩn gây ra. Bé là thai nhi trong tử cung vẫn có thể mắc viêm phổi, khi sinh ra trẻ cần được can thiệp điều trị ngay.
Trẻ sinh thiếu tháng bị viêm phổi sẽ được cho dùng kháng sinh, đôi khi buộc phải dùng thêm hỗ trợ oxy hoặc thở máy. Những trẻ sinh thiếu tháng bị viêm phổi không hiếm bởi hệ miễn dịch của bé còn yếu và phổi là cơ quan lý tưởng để virus hay vi khuẩn tấn công. Về sau, khi trẻ đã lớn, rất có thể chứng viêm phổi vẫn còn bùng phát ở cơ thể, thậm chí phải uống thuốc và chữa trị lâu dài.
Ngưng thở
Đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng xảy ra với trẻ sinh non phổi yếu. Đối với trẻ cần can thiệp máy thở ngay khi sinh ra sẽ khó phát hiện được cơn ngưng thở nhưng chúng có thể xuất hiện khi cai máy thở.
Có hai nguyên nhân để trẻ ngưng thở đó là do trẻ quên bởi hệ thần kinh trung ương chưa được hoàn thiện. Nguyên nhân khác là đường khí đạo bị cản trở khiến việc thông khí không thể diễn ra.
May mắn thay là cơn ngưng thở này sẽ thường biến mất khi trẻ đã lớn dần và sức khỏe đã hồi phục như một đứa trẻ đủ tháng tuổi khác. Tuy nhiên một số trường hợp cơn ngưng thở không biến mất hoàn toàn mà bộc phát thì trẻ chỉ được xuất viện khi đã ít xuất hiện cơn ngưng thở và lúc này phụ huynh sẽ được học cách cấp cứu cho trẻ khi khẩn cấp.
Suy hô hấp sơ sinh
Suy hô hấp sơ sinh hay được gọi là hội chứng suy hô hấp. Khi phổi của trẻ không sản xuất đủ số lượng surfactant cần thiết thì bé sẽ mặc suy hô hấp. Có thể hiểu đơn giản nhờ vào surfactant mà phế nang được giữ ổn định, không bị xẹp. Và khi trẻ thiếu surfactant thì hô hấp kém đi dẫn đến suy nhược.
Bệnh suy hô hấp sẽ rất dễ mắc ở trẻ sinh thiếu tháng càng non bởi phôi của thai nhi không sản xuất surfactant trước tuần thứ 30 thai kỳ. Trẻ sinh non rơi vào trường hợp mắc suy hô hấp sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng surfactant nhân tạo.
![Nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sinh non phổi yếu bạn nên biết 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguy_co_mac_benh_o_tre_sinh_non_phoi_yeu_ban_nen_biet_3_0cd18ac159.jpg)
Cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà
Trẻ sinh non ngay khi chào đời sẽ được chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp. Sau khi trẻ được các bác sĩ theo dõi và can thiệp chữa trị một số tình trạng bệnh mắc phải, nếu trẻ có sức khoẻ ổn định và có thể nuôi dưỡng như bình thường thì trẻ sẽ được ra viện. Sau khi ra viện đặc biệt là những trẻ sinh non phổi yếu thì phải được bố mẹ chăm sóc khoa học nhất.
Luôn luôn theo dõi bé
Bố mẹ phải chủ động chăm non gần như là 24/24 trong những ngày bé vừa được trở về nhà. Cần đặc biệt chú ý quan sát tình trạng của trẻ như về thân nhiệt, hơi thở, màu da, tri giác. Chỉ cần một dấu hiệu bất thường xảy ra cũng không được chủ quan mà phải đưa bé ngày vào bệnh viện để được khám kịp thời.
Chú trọng vào dinh dưỡng
Tại thời điểm này thì sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho bé. Trẻ sinh non nên hạn chế dùng sữa công thức do hệ đường ruột còn yếu, tốt nhất cho bé bú sữa mẹ bởi sữa mẹ chứa nhiều kháng thể và các protein giúp tăng hệ miễn dịch. Chính vì thế người mẹ phải chủ động ăn uống đa dạng, đầy đủ chất và khoa học để cho ra nguồn sữa tốt nhất dành cho bé. Bên cạnh đó cần trao đổi với bác sĩ để có thể bổ sung sắt, vitamin E, C, D, B1, canxi đầy đủ.
![Nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sinh non phổi yếu bạn nên biết 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguy_co_mac_benh_o_tre_sinh_non_phoi_yeu_ban_nen_biet_4_d0940949fe.jpg)
Quan tâm đến thời gian ngủ
Trẻ sơ sinh cần được ngủ sâu giấc và ngủ nhiều trung bình khoảng 16 đến 20 giờ mỗi ngày để tăng trưởng tốt nhất. Đặc biệt đối với trẻ sinh non, khi hệ thần kinh trung ương chưa phát triển tốt như trẻ bình thường thì giấc ngủ lại cần được quan tâm hơn. Lúc ngủ nên cho bé mặc áo quần thoải mái, nên nằm ngửa.
Tiêm phòng đầy đủ
Vốn dĩ trẻ sinh non đã có hệ miễn dịch yếu nên tiêm phòng cho trẻ sơ sinh là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Nên chủ động đến các cơ quan y tế gần nhất để tiêm chủng cho bé. Nhiệm vụ của bố mẹ lúc này là theo dõi lịch tiêm phòng cũng như tìm hiểu các loại mũi tiêm cần thiết cho trẻ và đưa trẻ đi tiêm đúng thời gian.
![Nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sinh non phổi yếu bạn nên biết 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguy_co_mac_benh_o_tre_sinh_non_phoi_yeu_ban_nen_biet_5_a5993cc650.jpg)
Đặt vệ sinh lên hàng đầu
Vệ sinh cá nhân cho trẻ rất quan trọng để tránh các bệnh lây nhiễm cho bé. Nên tắm nước ấm sạch và khăn mềm kết hợp với sữa tắm có độ PH trung tính chuyên dùng cho trẻ sơ sinh. Cần tắm cho bé ít nhất 3 - 4 lần/tuần. Bố mẹ phải vệ sinh thật nhẹ nhàng và cẩn thận. Chú ý các bộ phận như rốn, bộ phận sinh dục, tai, nách cần được rửa sạch sẽ.
Trẻ sinh non phổi yếu cần được chăm sóc tận tình từ khi sinh ra để trẻ có được sức khoẻ tốt. Khi sinh non, cơ thể trẻ con đã chịu nhiều thiệt thòi khi không được phát triển bình thường như trẻ đầy tháng, vậy nên bạn hãy chủ động chăm con khoa học để bé có cuộc sống khỏe mạnh, bền vững về sau.
Bảo Thanh
Nguồn: Tổng hợp