Hội chứng suy hô hấp sơ sinh: Nguy hiểm khôn lường

Hội chứng suy hô hấp sơ sinh là tình trạng bệnh xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh non tháng, với nguyên nhân chính do phổi chưa phát triển đủ, thiếu hoạt chất tạo tính bề mặt khiến diện tích bề mặt phế nang để trao đổi khí bị giảm. Từ đó, dẫn tới tình trạng suy hô hấp và có thể dẫn tới tử vong ở trẻ sinh non. 

Hội chứng suy hô hấp sơ sinh ở trẻ

Hội chứng suy hô hấp sơ sinh rất nguy hiểm và có thể đe doạ tính mạng trẻ nếu không cấp cứu kịp thời

Nguyên nhân gây ra hội chứng suy hô hấp sơ sinh

Ở phổi của trẻ sơ sinh đủ tháng, bên trong phế nang có chứa chất làm giảm hoạt bề mặt surfactant nhằm duy trì tính ổn định của phế nang, giúp các phế nang không bị xẹp. Chất surfactant này xuất hiện khi thau nhi 20 tuần tuổi, và đến tuần thứ 28 – 36 của thai kỳ sẽ phủ vách trong của phế nang và nước ối.

Còn với trẻ sinh non, phổi chưa thực sự trưởng thành, chưa được phát triển đầy đủ chất giảm hoạt bề mặt chưa hoàn thiện. Khi thiếu chất giảm hoạt này, phế nang sẽ xẹp, khiến huyết tương dễ dàng tràn vào phế nang. Từ đó, chất fibrin trong huyết tương sẽ lắng đọng phía trong phế nang và tiểu phế quản tạo ra một lớp màng. Lớp màng này chính là nguyên nhân gây ra sự cản trở lưu thông khí, trao đổi khí oxy và làm tăng lượng CO2 trong máu dẫn tới suy hô hấp và có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng suy hô hấp sơ sinh

Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, thông thường, sẽ xuất hiệu các triệu chứng điển hình như khó thở, nhịp thở nhanh trên 60 lần/phút, các khoang liên sườn, hõm trên ức, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái,… Những triệu chứng này sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút hoặc vài giờ trẻ bị suy hô hấp nặng.

Thở nhanh là một trong những triệu chứng của hội chứng suy hô hấp sơ sinh

Thở nhanh là một trong những dấu hiệu điển hình của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Nếu tình trạng suy hô hấp của trẻ sơ sinh không quá nghiêm trọng và được điều trị kịp thời, sau khoảng 72 giờ sau khi các triệu chứng giảm dần thì khả năng trẻ được cứu sống sẽ cao. Còn với những trường hợp trẻ bị suy hô hấp nặng, xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như tím tái, khó thở tăng, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt thì trẻ có thể tử vong chỉ sau vài giờ. Những trẻ được cứu sống trong trường hợp này, sau khi khỏi cũng bị một vài các di chứng như: Thiếu oxy não, xuất huyết não, hạ đường huyết

Làm thế nào để điều trị hội chứng suy hô hấp sơ sinh?

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, dù là một tình trạng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, nhưng vẫn có thể chẩn đoán và điều trị thông qua một số phương pháp.

Để nhận định xem trẻ có thực sự bị suy hô hấp sơ sinh hay không, các bác sĩ sẽ tiến hành một số các biện pháp như:

  • Chụp X-quang phổi.
  • Xét nghiệm khí máu nhằm kiểm tra xem nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu trẻ có bình thường không và có sự hiện diện của acid thừa trong cơ thể hay không.
  • Siêu âm tim.
  • Quan sát hình dáng bên ngoài và kiểm tra hơi thở của trẻ.

Xét nghiệm khí máu

 Xét nghiệm khí máu là một trong những cách để các bác sĩ xác định xem trẻ sơ sinh có bị suy hô hấp hay không

Khi đã xác định được trẻ bị suy hô hấp, tuỳ vào tình hình bệnh lý cụ thể của trẻ, các bác sĩ sẽ lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp. Một số các phương pháp điều trị hội chứng suy hô hấp sơ sinh phổ biến gồm:

  • Liệu pháp thay thế surfactant: Đây là phương pháp được áp dụng khi phổi của trẻ bị thiết hoạt chất tạo tính bề mặt. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách đưa chất surfactant vào phổi qua đường nội khí quản. Sau đó, đặt máy thở hỗ trợ hô hấp cho trẻ. Tuỳ thuộc vào bệnh tình cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra thời gian và tần suất thực hiện liệu pháp.
  • Liệu pháp oxy: Phương pháp thường được áp dụng trong các trường hợp bệnh nhi các cơ quan quan trọng như phổi, não không đủ oxy để hoạt động.
  • Phương pháp thở CPAP: Để thực hiện phương pháp này, các bác sĩ sẽ đưa vào đường thở một áp lực dương liên tục nhằm duy trì độ mở của các phế nang bị xẹp và có khuynh hướng bị xẹp. Tuy nhiên, phương pháp này cũng gây ra một số các đau đớn nhất định cho trẻ, vì vậy tuỳ vào tình trạng bệnh lý các bác sĩ sẽ quyết định thời gian điều trị cũng như có sử dụng thuốc giảm đau hay không.
  • Tăng cường điều kiện để sửa chữa và hàn gắn tổn thương phổi: Phương pháp này có thể coi là phương pháp “lành tính”. Bởi nó giúp hạn chế xảy ra tình trạng ngộ độc oxy, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Mặc dù, hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh có biện pháp điều trị. Nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh, để các em bé sơ sinh không phải chịu những đau đớn trong điều trị, các mẹ nên lưu ý một số biện pháp phòng tránh suy hô hấp ở trẻ sơ sinh như sau:

  • Trong giai đoạn mang thai, chị em cần đảm bảo sức khoẻ, áp dụng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, bổ sung đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho sự phát triển của con.
  • Khi mang thai, chị em cũng nên thăm khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ nhằm phát hiện sớm những bất thường của thai nhi.
  • Với những thai phụ có nguy cơ cao như phải mổ lấy thai, băng huyết, chuyển dạ quá lâu, đái tháo đường thai kỳ, tiền sử gia đình có trẻ từng bị suy hô hấp,… cần trao đổi kỹ với các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và quản lý thai kỳ chặt chẽ.

Hội chứng suy hô hấp sơ sinh là một trong những hội chứng nguy hiểm với diễn tiến nhanh chóng. Đặc biệt, hội chứng này lại thường xuất hiện ở những trẻ sinh non tháng, sức đề kháng vô cùng kém, các cơ quan chưa phát triển hàn toàn. Bởi vậy, bố mẹ cần theo dõi còn kỹ càng, nhất là những bé sinh non, có nguy cơ cao bị suy hô hấp. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có được phác đồ điều trị phù hợp nhất, thời gian điều trị nhanh nhất.

Hồng Anh

Nguồn: Tổng hợp



Chat with Zalo