Người bị tiểu đường có ăn được quả bơ không?
Trong các loại thực phẩm, quả bơ là loại quả có hương vị thơm ngon và được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng. Đối với bệnh nhân tiểu đường, loại quả này có nhiều ảnh hưởng. Vậy thì người bị tiểu đường có ăn được quả bơ không?
Vì sao bệnh nhân tiểu đường nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học?
Chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bất kỳ loại bệnh đái tháo đường nào (tiểu ̣đường type 1 và type 2 hoặc đái tháo đường thai kỳ). Bởi lẽ, theo ý kiến của các chuyên gia, thực đơn và khẩu phần ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc kiểm soát đường huyết của cơ thể.
Theo đó, chế độ dinh dưỡng cho người bị tiểu đường loại 2 là nên bổ sung những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, qua đó mới có thể giúp kiểm soát mức đường trong máu không tăng cao. Điều này là thực sự cần thiết đối với người bệnh khi muốn tự kiểm soát và phòng ngừa các biến chứng của đái tháo đường.
![Kiến thức y khoa: Người bị tiểu đường có ăn được quả bơ không 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Kien_thuc_y_khoa_nguoi_bi_tieu_duong_co_an_duoc_qua_bo_khong_1_f6f923cacc.png)
Người bị tiểu đường có ăn được quả bơ không?
Người bị tiểu đường có ăn được quả bơ không là một thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân đặt ra cho bác sĩ điều trị của mình.
Quả bơ có chứa các vitamin và khoáng chất, chất xơ, chất béo lành mạnh. Mặc dù chứa nhiều chất béo nhưng đây đều là những chất béo rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường type 2. Đồng thời, loại quả này còn cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể con người như magie, kali và vitamin B6, C và E.
Trên thực tế, loại quả này chính là một sự lựa chọn tuyệt vời cho người mắc bệnh tiểu đường. Nếu bổ sung bơ vào thực đơn một cách hợp lý người bệnh có thể kiểm soát lượng đường trong máu, giảm cân, giảm cholesterol và cải thiện độ nhạy insulin đáng kể.
Lợi ích của quả bơ đối với người tiểu đường tuýp 2
Hạn chế chỉ số đường huyết tăng đột biến
Bơ là loại trái cây có ít carbohydrate, do đó ảnh hưởng của nó đến lượng đường trong máu cũng rất thấp. Một nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Dinh dưỡng đã đánh giá tác động của việc bổ sung nửa quả bơ vào bữa trưa tiêu chuẩn đối với cả người khỏe mạnh và người thừa cân.
Kết quả cho thấy ăn bơ không gây ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường trong máu của họ. Đây cũng là lý do tại sao quả bơ trở thành một loại thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng cho hầu hết những bệnh nhân đái tháo đường.
Nguồn cung cấp chất xơ dồi dào
Chất xơ là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người bị tiểu đường, vì nó giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và duy trì sự ổn định của đường huyết. Bơ là một nguồn giàu chất xơ, giúp cung cấp lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể.
Chất xơ trong bơ không chỉ giúp tạo cảm giác no lâu hơn mà còn hỗ trợ quá trình tiêu hóa và kiểm soát mức đường huyết sau khi ăn. Điều này có lợi cho bệnh nhân tiểu đường, giúp duy trì sự ổn định về mức đường trong máu và quản lý cân nặng.
![Kiến thức y khoa: Người bị tiểu đường có ăn được quả bơ không 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Kien_thuc_y_khoa_nguoi_bi_tieu_duong_co_an_duoc_qua_bo_khong_2_bc5cb88a16.jpg)
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Bệnh tiểu đường có thể là nguyên nhân của những biến chứng nguy hiểm. Trong đó, biến chứng tim mạch do bệnh tiểu đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng như: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...
Trong quả bơ có chứa nhiều acid béo không no, giúp làm tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt) và giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu). Chất béo lành mạnh trong bơ có thể giúp cải thiện chức năng tim mạch, hỗ trợ quá trình hấp thụ các vitamin và khoáng chất quan trọng, và duy trì sự cân bằng hormone trong cơ thể.
Quả bơ giúp người bệnh đái tháo đường, tiểu đường thai kỳ phòng ngừa biến chứng tim và đột quỵ một cách hiệu quả.
Bệnh nhân tiểu đường cần ăn bao nhiêu bơ là đủ?
Một quả bơ thông thường chứa khoảng 250 - 300 calo. Mặc dù bơ là một nguồn chất béo lành mạnh, nhưng việc tiêu thụ quá nhiều calo từ bơ có thể dẫn đến tình trạng tăng cân khi vượt quá nhu cầu calo cá nhân. Cơ quan FDA khuyến nghị rằng người mắc bệnh tiểu đường nên ăn khoảng 1/5 quả bơ, tương đương với khoảng 50 calo.
Nếu bạn đang thực hiện một chế độ ăn kiêng để giảm cân, thì hãy chú ý kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày của bạn. Thay vì bổ sung bơ vào chế độ ăn uống hiện tại, bạn có thể sử dụng bơ như một sự thay thế cho các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, ví dụ như bơ nhân tạo và phô mai.
![Kiến thức y khoa: Người bị tiểu đường có ăn được quả bơ không 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Kien_thuc_y_khoa_nguoi_bi_tieu_duong_co_an_duoc_qua_bo_khong_3_d2b988566d.jpg)
Vậy người bị tiểu đường có ăn được quả bơ không? Tóm lại, quả bở là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những người mắc bệnh đái tháo đường cả type 1 và type 2. Bơ giúp kiểm soát đường huyết ổn định, đồng thời hạn chế các biến chứng do tiểu đường gây ra.
Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên ăn bơ với số lượng vừa đủ. Điều quan trọng là bạn nên ăn đầy đủ protein và rau quả, uống nhiều nước, tập thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng bên cạnh việc bổ sung bơ vào lượng thức ăn của bạn.
Bảo Vân
Nguồn tham khảo: laodong.vn