Nghiện tập Gym và những tác động xấu đi kèm
Chứng nghiện tập gym diễn ra trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tập. Tuy không được phân loại như là dạng rối loạn sức khỏe tâm thần nhưng nghiện tập gym vẫn mang đặc trưng của nghiện là những tác động tiêu cực với người mắc.
Nghiện tập Gym là gì?
Nghiện tập Gym là một chứng bệnh tâm lý gây ám ảnh ở con người. Cũng giống như các thể loại nghiện khác, nghiện tập gym cũng có các biểu hiện như: Thực hiện hành vi dù biết có thể gây ra hậu quả xấu, ám ảnh với hoạt động tập thể hình, tập gym trong bí mật và kể cả khi không muốn.
Nghiện tập Gym có thể do nhiều nguyên nhân gây ra
Nguyên nhân gây nghiện tập gym
Trong quá trình tập luyện, cơ thể tiết endorphins và dopamine tạo nên khoái cảm như khi bạn đạt được một thành tựu nào đó. Những chất này vốn có chức năng kích thích đồng thời khiến việc tập luyện hăng hái hơn. Nhu cầu quá cao của cơ thể với các chất dẫn truyền thần kinh dẫn đến chứng nghiện tập gym, người nghiện buộc phải tập luyện nhiều hơn để giải phóng chúng.
Những ám ảnh về cơ thể, về việc mình phải tăng cân hoặc xuống ký, chế độ ăn kiêng hà khắc dẫn đến các loại mất cân bằng dinh dưỡng… cũng được xem là những nguyên nhân hình thành nên chứng nghiện tập gym ở một số đối tượng.
Một nghiên cứu của Đại học Nam California cho biết: Có 15% những người nghiện tập gym nghiện rượu, thuốc lá và ma túy. Trong khi đó, 25% số người nghiện tập thể hình tham gia khảo sát mắc các chứng nghiện khác như tình dục hay mua sắm. Có thể thấy, nhiều người tìm đến thể hình như một biện pháp để thay thế chỗ trống mà các chứng nghiện khác để lại và lại nghiện tập gym. Đối tượng này rất dễ mắc phải những sai lầm khi tập gym gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nghiện tập Gym sẽ khiến người tập dễ mắc phải những sai lầm ảnh hướng sức khỏe
Biểu hiện của chứng nghiện tập gym
Nếu có những biểu hiện dưới đây, khả năng cao bạn đang có xu hướng nghiện tập gym:
- Đầu óc luôn suy nghĩ về chuyện tập gym, thể hình và tránh tăng cân.
- Tập luyện càng ngày càng nhiều, thường xuyên tập thể dục mọi lúc có thể với các bài tập cường độ cao nhiều lần trong ngày.
- Phần lớn các buổi tập đều có thời gian tập luyện lâu hơn dự kiến ban đầu. Việc xác lập lại thời gian và cường độ tập luyện phù hợp gặp nhiều khó khăn.
- Mất quan điểm cân bằng cuộc sống, đặt việc tập luyện thể thao lên trên tất cả những khía cạnh khác của cuộc sống như: Gia đình, công việc, sở thích cá nhân khác hay nghĩa vụ xã hội.
- Vẫn cố gắng mải mê luyện tập mỗi ngày dù đang bị bệnh. Thậm chí dù gặp các chấn thương, đau ở cơ, xương, khớp hay những vùng khác trên cơ thể nhưng vẫn không bỏ tập.
- Cảm thấy mệt mỏi, lo âu và căng thẳng khi không được tập gym.
- Giảm các tương tác xã hội không liên quan đến tập gym.
Những tác hại khi bạn nghiện tập gym
Chứng nghiện tập gym làm thay đổi cả về tâm lý và sinh lý, từ đó ảnh hưởng cả thể chất lẫn tinh thần của bạn.
Về thể chất
Nghiện tập gym làm tăng nguy cơ chấn thương, đặc biệt là những chấn thương liên quan đến luyện tập như: Chấn thương khớp, bong gân, mất cơ, căng cơ, rách cơ… thậm chí tăng nguy cơ gãy xương do mệt mỏi.
Nghiện tập Gym sẽ khiến người tập dễ mắc phải những chấn thương không đáng có
Với nữ giới, hoạt động thể lực quá nhiều khi tập gym còn làm tăng nguy cơ loãng xương. Điều này xảy ra do buồng trứng sản xuất ra ít hormone estrogen dẫn đến giảm mật độ xương khi tập luyện quá sức. Ngoài ra, ở những người đã có chấn thương từ trước, nghiện tập gym có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn và khiến vết thương cũ lâu lành.
Bất kỳ trạng thái tập luyện quá mức nào kể cả nghiện hay ám ảnh tập gym hay đều gây tổn hại nghiêm trọng đến sự cân bằng nội tiết đồng thời xuất hiện các vấn đề liên quan đến tuyến thượng thận. Chúng thường gây tăng hoặc tụt huyết áp, giảm cân hoặc tăng cân, cơ thể thiếu năng lượng, thèm ăn ngọt hoặc mặn, tâm trạng lo lắng...
Về tinh thần
Người nghiện tập gym cũng thường có những lệch lạc nhận thức về thói quen tập luyện của bản thân. Những suy nghĩ lệch lạc đó có thể bao gồm: Việc suy nghĩ một chiều, khái quát hóa quá mức, suy nghĩ mê tín, suy nghĩ trừu tượng chọn lọc, suy luận độc đoán, cá nhân hóa và những suy nghĩ coi thường.
Ví dụ: Những người nghiện tập gym mê tín thường tin rằng sẽ xảy ra những điều không tốt. Đặc biệt nếu họ chạy không đúng những con số trên máy chạy bộ hay không chạy đủ số km mục tiêu đặt ra.
Quan hệ xã hội
Mải mê tập gym cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội. Điều này là do nó lấy đi của bạn quá nhiều thời gian khiến người thân và bạn bè nghĩ rằng bạn đang bỏ rơi họ. Ngay cả khi những người xung quanh bạn không có suy nghĩ tiêu cực trên thì mâu thuẫn trong các mối quan hệ cũng có thể xảy ra nếu bạn luôn đề cập đến việc tập luyện quá mức trong các cuộc trò chuyện.
Nghiện tập Gym cũng tác động ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội
Gợi ý cách phòng ngừa chứng nghiện tập gym
Bạn cần một tinh thần tự chủ cực kỳ cao để nhận thức được tình trạng và đưa ra những hướng giải quyết phù hợp cho bản thân để khắc phục chứng nghiện tập gym. Bạn có thể cần ngừng tập gym mỗi ngày một thời gian để kiểm soát ham muốn luyện tập. Bên cạnh đó, để phòng ngừa chứng nghiện tập gym cần lưu ý các điểm sau:
- Phòng ngừa ban đầu bằng cách lên kế hoạch bài bản, cụ thể cho chế độ tập gym của bạn. Đồng thời giới hạn số buổi tập trong tuần, cũng như thời lượng, cường độ vận động trong từng buổi tập.
- Nếu thấy có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sự bất ổn về thể chất lẫn tinh thần trong quá trình tập, nên kịp thời tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ.
- Phân bổ thời gian tập luyện - nghỉ ngơi hợp lý, tránh xa rượu bia, thuốc lá, ma túy và có một lối sống lành mạnh để khắc phục và phòng ngừa chứng nghiện tập gym.
Gym mang tới rất nhiều tác dụng tích cực cho người tập luyện về sức khỏe, hình thể, cải thiện hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, hỗ trợ hấp thu... Tuy nhiên tập gym cũng cần phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định, kết hợp giữa luyện tập hợp lý cùng một chế độ ăn uống lành mạnh để hạn chế các tác dụng phụ cũng như chứng nghiện tập gym không mong muốn.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp