Nâng mũi ăn rau ngót được không? Những điều cần lưu ý sau nâng mũi
Rau ngót là món ăn quen thuộc với nhiều gia đình Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều người thắc mắc rằng nâng mũi ăn rau ngót được không? Sau nâng mũi nên ăn gì và kiêng gì để vết thương mau lành? Để nắm được chế độ ăn uống hợp lý sau nâng mũi, mời bạn tham khảo ngay bài viết sau đây.
Nâng mũi ăn rau ngót được không?
Rau ngót là loại rau rất quen thuộc, được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày của người dân Đông Nam Á và Nam Á. Rau ngót có tên khoa học là Sauropus androgynus Merr và thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Rau ngót cung cấp một nguồn chất dinh dưỡng đa dạng với hàm lượng protein, lipid và glucid cao, cùng nhiều vitamin và chất khoáng cần thiết khác như: Vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, sắt, mangan, đồng, magie, beta caroten,…
Bên cạnh đó, trong rau ngót chứa nhiều chất xơ, giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, từ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh đường ruột. Rau ngót còn cung cấp hàm lượng chất chống oxy hóa cao, từ đó giúp bảo vệ các tế bào tránh bị tổn thương do các gốc tự do hay nguyên nhân khác gây nên.
Ngoài ra, rau ngót còn được sử dụng trong điều trị một số bệnh về đường tiêu hóa, làm giảm đau và làm dịu triệu chứng viêm. Với những lợi ích về dinh dưỡng và sức khỏe ở trên, rau ngót nên được đưa vào chế độ ăn hàng ngày của bạn.
Vậy nâng mũi ăn rau ngót được không? Sau nâng mũi, cơ thể bạn cần được bổ sung protein, vitamin và các loại chất khoáng khác. Chính vì vậy bạn hoàn toàn có thể ăn rau ngót sau nâng mũi. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng rau ngót có chứa papaverin, chất này không tốt cho phụ nữ. Chất này có thể gây cản trở quá trình hấp thu canxi và photpho. Chính vì vậy, bạn có thể ăn rau ngót sau nâng mũi nhưng cũng cần chú ý không nên ăn quá nhiều.
![Nâng mũi ăn rau ngót được không? Những điều cần lưu ý sau nâng mũi 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Nang_mui_an_rau_ngot_duoc_khong_nhung_dieu_can_luu_y_sau_nang_mui_1_f0c8d050c4.jpg)
Nâng mũi xong nên kiêng ăn gì?
Ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng thích hợp để cơ thể nhanh hồi phục, bạn cũng cần lưu ý tránh một số loại thực phẩm sau đây:
- Rau muống: Là một loại rau có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đặc biệt là chất xơ. Tuy nhiên, rau muống lại làm sản sinh collagen quá mức, điều này gây nên tình trạng sẹo lồi. Chính vì vậy, bạn cần kiêng rau muống sau nâng mũi.
- Trứng: Trong trứng có hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhưng lại có thể khiến vết thương bị trắng và loang lổ như lang ben gây mất thẩm mỹ. Vì thế, sau nâng mũi bạn nên kiêng ăn trứng cũng như các món ăn được chế biến từ trứng.
- Thịt bò: Thịt bò cung cấp hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đặc biệt là chất đạm. Tuy nhiên, ăn thịt bò sau khi nâng mũi có thể khiến vết thương bị sẫm màu hơn so với vùng da xung quanh, đặc biệt là khi bạn không che chắn chống nắng kỹ.
- Hải sản: Là nguồn cung cấp chất đạm cũng như chất khoáng phong phú và cần thiết. Thế nhưng, ăn hải sản sẽ gây sẹo lồi, làm mất thẩm mỹ. Bên cạnh đó, ở những người có cơ địa dị ứng, ăn hải sản rất dễ bị mẩn đỏ, ngứa ngáy, gây ảnh hưởng tới quá trình hồi phục vết thương sau nâng mũi.
- Thịt gà: Đây chắc hẳn là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người. Thế nhưng, sau nâng mũi bạn nên kiêng thực phẩm này để tránh ảnh hưởng tới kết quả nâng mũi. Bởi thịt gà có tính kiềm, dễ gây viêm nhiễm và mưng mủ.
Sau nâng mũi nên ăn gì?
Bên canh thắc mắc, nâng mũi ăn rau ngót được không, để thúc đẩy quá trình hồi phục vết thương sau phẫu thuật, giúp mũi nhanh chóng lên dáng chuẩn, bạn cũng nên ăn tăng cường các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm chứa nhiều nước: Các loại hoa quả chứa nhiều nước như cà chua, cam, bưởi, dưa chuột… cung cấp lượng nước lớn cho cho cơ thể, giúp da dẻ luôn được căng mịn, săn chắc.
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Các loại trái cây, rau củ xanh, trái cây màu đỏ cam… giúp hạn chế viêm nhiễm và làm chậm quá trình lão hóa.
- Chất béo nguồn gốc thực vật: Các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật như các loại hạt, bơ, đậu xanh, tinh dầu… giúp cơ thể tăng cường khả năng hấp thụ vitamin và chất khoáng.
- Các thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng: Các loại rau củ quả như súp lơ, khoai tây, cà rốt, quả mọng, nấm,… chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tăng sinh collagen, đồng thời tăng cường sức khỏe đề kháng của cơ thể.
- Thực phẩm giàu protein: Các loại thịt lợn nạc, sữa hạt, ngũ cốc, các loại đậu,… giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo da, giúp vết thương liền nhanh chóng.
![Nâng mũi ăn rau ngót được không? Những điều cần lưu ý sau nâng mũi 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Nang_mui_an_rau_ngot_duoc_khong_nhung_dieu_can_luu_y_sau_nang_mui_2_c6aae2b1c4.jpg)
Những điều cần lưu ý sau nâng mũi
Đến đây, chắc hẳn bạn đã trả lời được câu hỏi nâng mũi ăn rau ngót được không? Nên ăn gì và kiêng gì? Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình hồi phục sau nâng mũi diễn ra thuận lợi và an toàn tối đa, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Về chế độ dinh dưỡng:
- Bạn cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày thông qua việc uống nước lọc, nước canh, các loại trái cây, nước ép.
- Cần chế biến các món ăn mềm, dễ nhai, tránh các loại thực phẩm có kết cấu dai, cứng, khó nhai.
- Bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: Thịt lợn nạc, sữa chua, sữa tươi, cà chua, cà rốt, các loại hoa quả mọng, rau củ xanh,…
Về chế độ chăm sóc:
- Luôn đeo nẹp cố định mũi theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Vệ sinh mũi đúng cách hàng ngày bằng bông mềm và nước muối sinh lý.
- Chườm lạnh trong vài ngày đầu nhằm mục đích giảm đau, giảm sưng, giảm viêm.
- Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
- Từ ngày thứ 4, bạn nên chườm ấm để làm tan máu bầm, từ đó giảm thâm tím.
- Tái khám theo đúng lịch đã hẹn của bác sĩ.
Về chế độ sinh hoạt:
- Tuyệt đối không được để nước, mồ hôi, các loại mỹ phẩm hay chất tẩy rửa mạnh dính lên vết thương.
- Tránh việc dùng tay chạm hay nắn vết thương, điều này có thể làm cho vết thương bị nhiễm trùng và gây ảnh hưởng tới dáng mũi.
- Hạn chế việc đeo các loại kính quá to gây áp lực lớn lên mũi mới nâng.
- Che chắn kỹ khi ra ngoài để bảo vệ mũi khỏi bụi bẩn và tia UV.
- Tuyệt đối không tham gia các hoạt động như xông hơi, các môn thể thao đá bóng, bơi lội, chạy nhảy,…
![Nâng mũi ăn rau ngót được không? Những điều cần lưu ý sau nâng mũi 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Nang_mui_an_rau_ngot_duoc_khong_nhung_dieu_can_luu_y_sau_nang_mui_3_8ff72a0755.jpg)
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn trả lời được câu hỏi nâng mũi ăn rau ngót được không, cũng như nắm được những điều cần lưu ý sau khi nâng mũi. Khi gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi nâng mũi, bạn cần báo ngay cho bác sĩ và đi khám ngay để có hướng xử trí kịp thời nhé!