Một số lưu ý khi bà bầu bị viêm phế quản

Viêm phế quản ở mẹ bầu không phải là chuyện hiếm gặp, tuy nhiên không vì thế mà các mẹ hay gia đình có người thân mang thai lơ là trong việc chăm sóc và điều trị cho bà bầu bị viêm phế quản.

Vì sao bà bầu dễ bị viêm phế quản cấp khi mang thai?

Mang thai làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể người mẹ, đây là giai đoạn khá nguy hiểm vì cơ thể mẹ rất yếu, khó chống chọi được với các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Do đó, sự phát triển của viêm phế quản trong cơ thể của một người phụ nữ mang thai có xu hướng nhanh hơn và có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.

Các chất nhầy tích tụ sẽ chứa vi khuẩn Streptococcus hoặc Pneumococcus, virus cúm hoặc Parainfluenza... Chúng là những tác nhân gây viêm phế quản cấp tính khi mang thai phổ biến nhất. Ngoài ra, các mầm bệnh cũng có thể là virus Adenovirus hoặc các nguyên nhân khác như ô nhiễm môi trường khói bụi, tiếp xúc với khói thuốc lá… Trường hợp ít gặp hơn đó là trực khuẩn Hemophilus và bào tử nấm. Trong trường hợp phụ nữ mang thai bị viêm phế quản, việc điều trị sẽ khó khăn hơn do không thể áp dụng thuốc kháng virus hoặc kháng sinh đặc trị cho những trường hợp mẹ bầu bị viêm phế quản cấp tính.

Một số lưu ý khi bà bầu bị viêm phế quản 1 Bà bầu là đối tượng nhạy cảm nên dễ bị viêm phế quản

Triệu chứng

Khi bị viêm phế quản, mẹ bầu có thể gặp một số triệu chứng như sau:

  • Mẹ bị ho khan, đau họng, khó thở.
  • Thân nhiệt tăng nhẹ, dễ buồn ngủ, mệt mỏi.
  • Dễ nổi cáu.
  • Giảm sự thèm ăn.
  • Khi bị bệnh viêm phế quản, mẹ bầu sẽ thường xuyên ho khan rất khó chịu.

Các dấu hiệu ban đầu nói trên thường sẽ không điển hình, khi trở nặng thì các triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng hơn. Khi thấy các triệu chứng sau thì mẹ bầu cần hết sức thận trọng:

  • Ho liên tục kèm theo đau ngực.
  • Mũi họng tiết dịch nhầy nhiều hơn, thậm chí có thể xuất hiện đờm và dịch mủ.
  • Khó thở, đôi khi còn kèm theo sốt cao.

Khi nhận thấy cơ thể mẹ bầu có những biểu hiện đầu tiên của bệnh viêm phế quản thì tốt nhất mẹ bầu nên đến bác sĩ ngay lập tức, tránh để bệnh trở nặng. Chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp cho mẹ bầu.

Một số lưu ý khi bà bầu bị viêm phế quản 2 Mẹ bầu bị viêm phế quản dễ bị ho có đờm, đau họng

Bà bầu bị viêm phế quản có sao không?

Bà bầu bị viêm phế quản là do sự thay đổi hormone giới tính của thai nhi và sự thay đổi của hệ miễn dịch ở người mẹ. Tùy vào mức độ của bệnh viêm phế quản mà chúng sẽ có ảnh hưởng nhiều hay ít đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Mẹ bị viêm phế quản dẫn tới khó thở có thể làm thai nhi bị thiếu oxy, dễ dẫn đến dọa sảy thai. Phần trăm khả năng gặp biến chứng là khá lớn, đặc biệt trong viêm phế quản mãn tính tắc nghẽn, con số này lên đến 10%. Ngoài ra, nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân dưới, thai dị dạng, tiểu đường thai kỳ... cũng là những mối đe dọa với sức khỏe mẹ và bé.

Khi mẹ bầu bị bệnh viêm phế quản còn liên quan đến những thay đổi về mặt cấu trúc trong cơ thể người phụ nữ mang thai. Cơ hoành gần như bất động do tử cung giãn nở rộng, do đó không thể đẩy đờm ra khi ho, điều này dẫn đến sự tích tụ đờm, làm cho viêm phế quản trở nên nặng nề hơn.

Do đó, bà bầu bị viêm phế quản nên đến khám chuyên khoa và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng. Liều lượng sử dụng thuốc cũng như loại thuốc sử dụng phải được bác sĩ chỉ định phù hợp, đảm bảo tính an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Chăm sóc và phòng ngừa mẹ bầu bị viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản khi mang thai không hề dễ điều trị dứt điểm. Hơn thế nữa bệnh còn có nguy cơ bị tái phát rất cao, và ở lần tái phát thì việc điều trị sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Do đó các mẹ bầu cần chú ý đến việc chăm sóc bản thân cũng như ngăn ngừa bệnh đúng cách để có một thai kỳ khỏe mạnh nhất.

Dưới đây là một số khuyến cáo từ chuyên gia mà mẹ bầu tuyệt đối không được bỏ qua:

  • Bổ sung đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ làm dịu niêm mạc mũi họng và làm loãng dịch đờm. Đồng thời, giúp các quá trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra tốt hơn.
  • Luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là vấn đề vệ sinh răng miệng.
  • Hạn chế tiếp xúc hay trò chuyện với những người đang mắc các bệnh về đường hô hấp, tốt nhất là nên cách ly.
  • Khi thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ xuống thấp thì mẹ bầu cần chú ý giữ ấm cho cơ thể, che chắn kỹ càng trước khi ra ngoài để không bị nhiễm lạnh.
  • Khi ra ngoài cần bịt kín khẩu trang để tránh khói bụi ô nhiễm vì chúng là một trong các tác nhân gây bệnh, nhất là tránh khói thuốc lá.
  • Chú ý rửa tay thường xuyên với xà phòng kháng khuẩn nhằm ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh.
  • Tập thói quen sống lành mạnh, ăn ngủ đủ. Đồng thời luyện tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày để tăng sức đề kháng cũng như giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Một số lưu ý khi bà bầu bị viêm phế quản 3 Mẹ bầu nên uống đủ nước để làm dịu cơn ho và tăng sức đề kháng

Bà bầu bị viêm phế quản mặc dù không quá nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai kỳ. Chính vì thế mà mẹ bầu cần chú ý giữ gìn sức khoẻ và sớm phát hiện bệnh lý để điều trị kịp thời. Nghiêm túc điều trị bệnh, đồng thời chăm sóc và ngăn ngừa bệnh đúng cách để có một thai kỳ khỏe mạnh nhất.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp



Chat with Zalo