Mối liên hệ giữa béo phì và bệnh tim mạch - những hiểm họa về sức khỏe
Béo phì không chỉ dừng lại ở mức độ ảnh hưởng tâm lý mà còn gây ra những cảnh báo liên quan đến chức năng tim mạch. Để tìm hiểu rõ hơn về béo phì và bệnh tim mạch, hãy cùng Nhà Thuốc Hà An theo dõi ở bài viết dưới đây nhé!
Định nghĩa về béo phì
Tình trạng béo phì được coi là một căn bệnh mãn tính, xảy ra do quá trình tích tụ chất béo quá mức trong cơ thể. Chứng bệnh này được xác định dựa theo chỉ số về khối lượng cơ thể (BMI). Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới WHO, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là béo phì nếu chỉ số BMI đạt từ 30kg/m2 trở lên.
Béo phì và bệnh tim mạch đều trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người, đặc biệt là với những ai đang phải đối mặt với nó. Tỷ lệ người béo phì ở độ tuổi từ 40 - 59 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn so với số lượng người có trọng lượng cơ thể ổn định.
![Mối liên hệ giữa béo phì và bệnh tim mạch - Những hiểm họa về sức khỏe 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Moi_lien_he_giua_beo_phi_va_benh_tim_mach_nhung_hiem_hoa_ve_suc_khoe_1_e935a8c156.jpg)
Béo phì gây ra do đâu?
Có rất nhiều yếu tố khiến số lượng người mắc bệnh béo phì và bệnh tim mạch ngày càng tăng cao. Những nguyên nhân dưới đây có thể chi phối tính nghiêm trọng của chứng bệnh này.
Di truyền
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động của di truyền trong việc gây nên béo phì. Thống kê có hơn 140 vùng nhiễm sắc thể di truyền liên quan đến căn bệnh này. Các gen liên quan đến BMI và béo phì thể hiện nhiều nhất trong cơ quan thần kinh trung ương. Ngoài ra, một phần nhỏ khả năng béo phì về mặt di truyền ở người trưởng thành có thể được truyền sang các thế hệ sau.
Chế độ sinh hoạt
Đây là nguyên nhân khiến cho số lượng người bị béo phì tăng liên tục trong một vài năm trở lại đây. Ít vận động thể chất hay có thói quen ăn uống thiếu lành mạnh trong thời gian dài sẽ để lại nhiều mối lo ngại về sức khỏe.
Yếu tố môi trường
Môi trường cũng là tác nhân điển hình gia tăng béo phì, thế nhưng nhiều người lại dễ dàng bỏ qua điều này. Một số trường hợp điển hình dẫn đến tình trạng béo phì và bệnh tim mạch có thể kể đến như:
- Không gian sống chật hẹp, có cảm giác ngột ngạt. Môi trường xung quanh thiếu sự thúc đẩy vận động bởi sự bất tiện khi di chuyển đến các sân tập thể dục. Về lâu dài điều này sẽ gây cảm giác thiếu động lực và khó duy trì thói quen vận động.
- Tài chính hạn hẹp khiến chúng ta khó có thể mua được các loại thực phẩm sạch, chất lượng. Thay vào đó phải lựa chọn mua các loại thực phẩm rẻ hơn nhưng chứa chất bảo quản và chất độc hại, tăng khả năng béo phì.
- Các loại thức uống và đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo được tuyên truyền và quảng cáo hấp dẫn trên thị trường. Điều này vô tình sẽ kích thích cảm giác ăn uống của khách hàng.
![Mối liên hệ giữa béo phì và bệnh tim mạch - Những hiểm họa về sức khỏe 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Moi_lien_he_giua_beo_phi_va_benh_tim_mach_nhung_hiem_hoa_ve_suc_khoe_2_97e7c90e69.jpg)
Những vấn đề giữa béo phì và bệnh tim mạch
Béo phì trước hết ảnh hưởng đến hình ảnh thẩm mỹ, gây ra sự tiêu cực về vóc dáng cơ thể. Thế nhưng nó cũng là căn nguyên của nhiều bệnh lý khác nhau với nhiều mức độ tác động. Có thể nhận thấy béo phì và bệnh tim mạch đều có quan hệ chặt chẽ, gây nên nhiều hậu quả bệnh tật cho con người.
Số lượng người mắc các bệnh về tim mạch tăng cao
Bệnh tim mạch do béo phì gây ra có nhiều biểu hiện điển hình như tăng huyết áp và chứng bệnh mạch vành. Cơ thể bị béo phì khi có sự rối loạn trong quá trình chuyển hóa lipid, cùng với đó là hàm lượng LDL, triglyceride và cholesterol tăng cao. Cũng chính vì điều đó khiến cho xơ vữa động mạch ngày càng trở nên nguy hại. Trong đó, biểu hiện điển hình là sự chít hẹp động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim và cảm giác đau thắt ngực.
Sự viêm nhiễm các bệnh về tim mạch do béo phì
Một điều khó tránh khỏi khi gặp phải béo phì đó là nó thúc đẩy nguy cơ viêm hệ thống, kéo theo quá trình tạo mỡ. Đây đều là những tác nhân gây nên sự nghiêm trọng của xơ vữa động mạch, từ đó hình thành các mảng bám thành mạch. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu như mảng bám này vỡ ra, tạo thành các cục huyết khối. Dần dần huyết khối sẽ dẫn đến các cơn đau tim, đột quỵ, tắc động mạch mạc treo…
Chức năng của tim bị suy giảm
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những bệnh nhân béo phì có khả năng cao bị suy tim, đột quỵ cùng nhiều bệnh lý tim mạch khác. Sự ảnh hưởng của béo phì là điều kiện để lớp mỡ bao bọc quanh tim, khiến cơ quan này giảm dần chức năng co bóp.
Khi trọng lượng của cơ thể tăng lên kéo theo sự gia tăng khối lượng tuần hoàn, vấn đề suy tim cũng khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, béo phì còn gây nên áp lực lên chức năng của tim để bơm máu đi khắp cơ thể. Số lượng người bị nhồi máu cơ tim cấp cũng vì thế mà ngày càng tăng cao.
Áp lực các hoạt động lên tim
Đây cũng là một vấn đề cần nhận thức rõ khi mắc phải béo phì, nó khiến cho tim của người bệnh hoạt động nặng nề hơn. Nếu như xảy ra với tần suất liên tục trong một thời gian dài sẽ kéo theo khả năng suy tim. Dựa trên nhiều nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo rằng: Nam giới nên để vòng eo tối thiểu dưới 90% vòng mông. Trong khi đó nữ giới nên cân bằng vòng eo ở mức tối thiểu dưới 80%.
![Mối liên hệ giữa béo phì và bệnh tim mạch - Những hiểm họa về sức khỏe 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Moi_lien_he_giua_beo_phi_va_benh_tim_mach_nhung_hiem_hoa_ve_suc_khoe_3_80929c4b9c.jpg)
Một số giải pháp ngăn ngừa nguy cơ béo phì
Đến đây thì chúng ta đã ý thức được những nguy hại của béo phì lên khả năng mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên nếu như bạn đã gặp phải vấn đề thừa cân thì cũng không cần quá lo lắng. Dưới đây là một số cách thức làm giảm các chứng bệnh về tim mạch do tác động của béo phì mà bạn nên tham khảo.
Kiểm soát cân nặng
Giảm cân cũng như kiểm soát cân nặng của cơ thể đòi hỏi nhiều nỗ lực của người bị béo phì. Dẫu vậy, đây là yếu tố tiên quyết mà người bệnh cần xác định được nhằm chống lại các bệnh về tim mạch. Khi giảm cân thành công sẽ kéo theo huyết áp, mức độ đường huyết, cholesterol dần giảm xuống.
Điều chúng ta cần làm đó là hình thành chế độ ăn khoa học, tăng cường bổ sung các loại rau xanh và hoa quả tươi trong bữa ăn. Đồng thời, nên cung cấp các nhóm thực phẩm làm từ cá, thịt, các loại đậu, quả óc chó, sữa ít béo… Cùng với đó là giảm dần thói quen ăn nhiều thực phẩm chứa lượng đường cao hay đã qua chế biến.
Rèn luyện cơ thể
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực về sức khỏe, bảo gồm giảm thiểu các bệnh tim mạch. Điều bạn cần làm là dành khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày, duy trì đều đặn với những bài tập đơn giản phù hợp với thể lực. Thói quen này góp phần tiêu hao lượng mỡ thừa của cơ thể, giúp bạn lấy lại vóc dáng. Đặc biệt là những nguy cơ xảy ra bệnh về tim sẽ được cải thiện rõ rệt.
![Mối liên hệ giữa béo phì và bệnh tim mạch - Những hiểm họa về sức khỏe 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Moi_lien_he_giua_beo_phi_va_benh_tim_mach_nhung_hiem_hoa_ve_suc_khoe_4_a8035eaec4.jpg)
Có thể thấy béo phì và bệnh tim mạch đang ngày càng trở thành tâm điểm về vấn đề sức khỏe trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hãy xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh để luôn bảo vệ trái tim của chính mình. Chúc bạn đọc có thật nhiều sức khỏe và cùng đồng hành với Nhà Thuốc Hà An trong những bài viết tiếp theo nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: vinmec.com, medlatec.vn