MCV là gì và có ý nghĩa như thế nào trong xét nghiệm máu?
Khi có vấn đề về sức khỏe, chúng ta có thể cần làm xét nghiệm máu để bác sĩ tìm ra chính xác nguyên nhân. Xét nghiệm máu giúp bác sĩ đánh giá các yếu tố quan trọng cấu tạo nên máu như hồng cầu, bạch cầu... Từ đó bác sĩ có thể kết luận vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân đang gặp phải một cách chính xác nhất. Một trong số những chỉ số xét nghiệm máu quan trọng hàng đầu là MCV. Vậy MCV là gì? Trong bài viết này Hà An sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết nhất.
MCV là gì?
MCV (Mean Corpuscular Volume) có nghĩa tiếng Việt là thể tích trung bình của hồng cầu trong máu. Chỉ số MCV là một chỉ số quan trọng trong xét nghiệm máu bởi hồng cầu là một thành phần quan trọng, chiếm số lượng nhiều nhất trong số các thành phần cấu tạo nên máu.
Hồng cầu chứa các huyết sắc tố, tạo nên màu đỏ cho máu. Chức năng của nó là: Vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và vận chuyển CO2 từ các mô về phổi để đào thải ra ngoài cơ thể. Căn cứ vào thể tích trung bình của hồng cầu, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn. Do đó, kích thước hồng cầu quá to hay quá nhỏ đều là biểu hiện của rối loạn máu, thiếu máu hoặc thiếu vitamin…
Xét nghiệm chỉ số MCV thường được bác sĩ chỉ định ngay khi bệnh nhân có các biểu hiện xuất huyết, bầm tím da, lạnh tay chân, da nhợt nhạt, người mệt mỏi, thiếu sức sống…
Chỉ số MCV phản ánh điều gì?
Khi tìm hiểu MCV là gì có lẽ bạn đã biết chỉ số này cho biết thể tích trung bình của hồng cầu. Với những người có sức khỏe bình thường, chỉ số MCV ở khoảng 80 - 100 femtoliter/lít. Chỉ số MCV cao hoặc thấp hơn mức này đều phản ánh những vấn đề khác nhau về sức khỏe. Cụ thể là:
Chỉ số MCV cao khi lớn hơn 100 femtoliter/lít
Trong hầu hết trường hợp, người có chỉ số MCV cao thường gặp các vấn đề về sức khỏe như:
- Thiết vitamin B12;
- Thiếu axit folic (vitamin B9);
- Mắc các bệnh lý về gan;
- Mắc một số bệnh tuyến giáp;
- Người bị nghiện rượu hoặc thường xuyên uống quá nhiều rượu.
Chỉ số MCV thấp nhỏ hơn 80 femtoliter/lít
Điều này có nghĩa là hồng cầu đang bị co nhỏ lại. Nó có thể phản ánh các tình trạng sức khỏe như:
- Thiết sắt.
- Mắc một số bệnh về máu như: Tan máu bẩm sinh Thalassemia, thiếu máu mạn tính, suy thận mãn tính.
- Phụ nữ có thai.
Trong một số trường hợp, chỉ số MCV cao hơn hoặc thấp hơn bình thường không phải vấn đề đáng báo động. Bởi kết quả xét nghiệm máu còn phụ thuộc vào chế độ ăn uống trước khi xét nghiệm, các loại thuốc bạn đang sử dụng, chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ…
Khắc phục các vấn đề sức khỏe qua chỉ số MCV
Thông qua kết quả xét nghiệm MCV, các bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe và biết chính xác vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải. Từ đó, bác sĩ có thể tư vấn giúp bệnh nhân khắc phục các vấn đề sức khỏe của mình theo cách khoa học và phù hợp. Cụ thể là:
Bổ sung đủ B12
Cung cấp vitamin B12 cho cơ thể bằng thực phẩm vẫn là lựa chọn tốt nhất. Thành phần này có nhiều trong các loại thực phẩm như: Thịt (bò, lợn, gia cầm), cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, gan động vật, đậu nành, ngũ cốc... Những ai khó hấp thụ vitamin B12 từ thực phẩm cần uống thuốc bổ sung. Liều dùng khuyến nghị theo từng tuổi cụ thể là:
- Người từ 14 đến 50 tuổi: 2,4 microgam/ngày.
- Người trên 50 tuổi: 2,5 microgam/ngày.
- Phụ nữ mang thai: 2,6 microgam/ngày.
- Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ: 2,8 microgam/ngày.
- Người ăn chay: 2.4 microgam/ngày.
- Người suy dinh dưỡng và người thiếu năng lượng trường diễn do vitamin B12: Uống 1mg/ngày trong một tháng đầu, sau đó duy trì 125 – 250 mg/ngày trong những tháng tiếp theo.
Bổ sung đủ axit folic (Vitamin B9)
Loại vitamin này là một trong 13 loại vitamin cơ thể cần được cung cấp hằng ngày. Bạn hoàn toàn có thể bổ sung axit folic qua các thực phẩm như nấm, bí đao, rau họ cải, trái cây có múi, chuối, dưa hấu, các loại quả mọng. Nếu cần thiết có thể uống thêm viên uống acid folic để giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu acid folic. Liều bổ sung cụ thể như sau:
- Người lớn bổ sung 400 - 800 mcg/ngày.
- Phụ nữ sắp hoặc đang mang thai, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ: 800 mcg/ngày.
- Trẻ sơ sinh: 0,1 mg/ngày.
- Trẻ dưới 4 tuổi: 0,3 mg/ngày.
- Trẻ trên 4 tuổi: 0,4 mg/ngày.
Bổ sung đủ sắt
Khi đã biết MCV là gì, bạn có thể hiểu vì sao chỉ số này có thể phản ánh tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Nếu bác sĩ nhận định bạn thiếu sắt, hãy tăng cường sử dụng thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan động vật, các loại đậu, các loại rau lá xanh đậm, trứng... Để cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả nhất, bạn nên tăng cường sử dụng thực phẩm giàu vitamin C. Theo khuyến cáo, liều bổ sung sắt phù hợp với từng độ tuổi như sau:
- Trẻ 3 – 6 tháng tuổi: 6.6 mg/ngày.
- Trẻ 6 – 12 tháng tuổi: 8.8 mg/ngày.
- Trẻ 1 – 10 tuổi: 10mg/ngày.
- Độ tuổi 10 – 18 tuổi: 12m/ngày.
- Nam giới trưởng thành: 10mg/ngày.
- Phụ nữ trưởng thành: 15 mg/ngày.
- Phụ nữ sau mãn kinh: 10 mg/ngày.
- Phụ nữ có thai: 45 mg/ngày.
Ngoài ra, khi nhận thấy chỉ số MCV bất thường, các bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm các xét nghiệm hoặc các kỹ thuật kiểm tra sức khỏe khác. Nếu phát hiện bệnh lý, bệnh nhân cần điều trị bệnh theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Xét nghiệm MCV nằm trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu. Hy vọng với những thông tin trên, Hà An đã giúp bạn hiểu rõ MCV là gì và ý nghĩa của chỉ số này. Để chỉ số này chính xác nhận, bạn nên nhịn ăn trước khi lấy mẫu từ 6 - 8 tiếng. Quá trình lấy máu xét nghiệm gần như không có rủi ro. Một số trường hợp bị đau và bầm tím nhẹ tại vị trí lấy máu sẽ tự khỏi trong vài ngày.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Medlatec